Từ năm 2010 đến nay, học sinh lớp 12 tốt nghiệp - nguồn tuyển của các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) giảm khoảng 201.000, nhưng ngược lại tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ cả nước lại tăng lên 133.000 chỉ tiêu. Đặc biệt, giai đoạn từ năm 2012 đến nay, dù Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) quyết liệt “chấm dứt tăng trưởng nóng về số lượng”, nhưng ngược lại tổng chỉ tiêu tuyển sinh lại tăng 10% mỗi năm. Liệu Bộ GD-ĐT có nên xem lại quy hoạch phát triển nhân lực và mạng lưới các trường ĐH-CĐ, để tránh lãng phí khi hiện có đến 225.000 cử nhân đại học, thạc sĩ thất nghiệp?
Trong năm 2016 nhiều trường ĐH vẫn tăng chỉ tiêu so với năm 2015
Liên tục tăng chỉ tiêu đại học
Tính từ năm 2010 đến nay, số lượng học sinh lớp 12 tốt nghiệp giảm đều qua từng năm. Nếu năm 2010, tổng số lượng học sinh tốt nghiệp THPT là 1.051.460, thì đến năm 2015 còn khoảng 850.000 thí sinh tốt nghiệp. Con số này sẽ tiếp tục giảm khi năm 2016 chỉ có 800.000 học sinh lớp 12 thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và dùng kết quả xét tuyển ĐH-CĐ. So với năm 2015 thì năm 2016 học sinh lớp 12 giảm hơn 71.000 học sinh.
Cũng trong giai đoạn trên, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ cũng giảm mạnh. Năm 2010, cả nước có 2.102.541 hồ sơ đăng ký, thì năm 2014 chỉ có 1.515.983 hồ sơ. Năm 2015, thi THPT quốc gia có 1,004 triệu thí sinh (trong đó học sinh lớp 12 là hơn 871.000, thí sinh tự do hơn 132.000); đến năm 2016 chỉ còn khoảng 930.000 thí sinh dự thi.
Nếu như năm 2001 tổng chỉ tiêu (bao gồm hệ ĐH và CĐ) cả nước chỉ có 165.570 thì năm 2010 tăng lên thành 514.000 và đến năm 2015, tổng chỉ tiêu đã lên đến 647.000. Nếu tính từ năm 2012 đến nay thì tổng chỉ tiêu cũng tăng một cách chóng mặt. Năm 2012 có 561.000 chỉ tiêu, đến năm 2015 tăng lên thành 647.000 chỉ tiêu, tăng 86.000 chỉ tiêu.
Nếu xét riêng ở các trường trong thời gian qua thì tình trạng “gian lận” trong xác định chỉ tiêu, kê khống và tuyển vượt cũng đáng báo động. Xét năm 2014, tổng chỉ tiêu cả nước tăng 37.000 thì có rất nhiều trường bị phạm luật. Qua kiểm tra 18 trường ĐH, CĐ về việc tự xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014, Bộ GD-ĐT phát hiện sai phạm và đã có văn bản tước quyền tự xác định chỉ tiêu năm 2015 đối với 4 trường. Trong đó, có 8/18 trường vượt định mức quy định khi bình quân 28,8 sinh viên/giảng viên. 11/18 trường báo cáo sai về đội ngũ giảng viên, thậm chí có trường đăng ký cả số giảng viên dự báo sẽ được tuyển dụng như: CĐ Thương mại, ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và các trường thuộc khu vực phía Bắc.
Có kiểm soát được chất lượng?
Cuối năm 2015, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 32 để “nâng chuẩn” nhằm siết lại tình trạng tăng trưởng quy mô không thể kiểm soát. Về tổng thể, Thông tư 32 có nhiều điểm quy định khá chi tiết về xác định chỉ tiêu so với Thông tư 57.
Thông tư 32 áp dụng quy định mới (3 tiêu chí: tỷ lệ sinh viên/giảng viên, diện tích sàn xây dựng/sinh viên, quy mô sinh viên chính quy tối đa) trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Trước đây, Thông tư 57 chỉ dừng lại ở yêu cầu xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên đội ngũ giảng viên cơ hữu chung của toàn trường, không phân chia theo khối ngành đào tạo, khiến nhiều trường chỉ cố dồn tập trung chỉ tiêu đào tạo vào các ngành dễ tuyển sinh, ngành “hot”, làm cho các ngành này có tỷ lệ sinh viên/giảng viên cao, ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo. Ngoài ra, nếu như Thông tư 57 quy định diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo là 2m2/sinh viên thì Thông tư 32 nâng lên thành 2,5m2/sinh viên.
Ngoài 2 tiêu chí trên, Thông tư 32 có thêm tiêu chí thứ ba đó là quy mô sinh viên chính quy tối đa của cơ sở giáo dục ĐH. Trong đó, Bộ GD-ĐT chia 3 mức quy mô: 5.000 sinh viên (các cơ sở giáo dục ĐH thuộc khối ngành nghệ thuật); 8.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục thuộc khối ngành sức khỏe; 15.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành khoa học giáo dục, giáo viên, khối ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật, khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, khối ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm thủy sản…
Thực tế cho thấy, một khi chạy đua theo số lượng, chuyện xem nhẹ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên trong đào tạo là điều quá rõ. Con số 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là hồi chuông cảnh báo để Bộ GD-ĐT cần phải xem lại, có nên tiếp tục chạy theo số lượng để tăng quy mô chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm hay phải giảm tăng trưởng chỉ tiêu để đạt được mong muốn nâng chất lượng đào tạo, điều chỉnh lại cơ cấu chỉ tiêu cho phù hợp với chiến lược phát triển ngành nghề của đất nước. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng cho rằng, với thực tế học sinh lớp 12 ngày càng giảm, tình trạng cử nhân thất nghiệp tăng cao, sắp tới bộ sẽ xem xét điều chỉnh lại quy hoạch chiến lược phát triển nhân lực, mạng lưới các trường ĐH, CĐ cho phù hợp với tình hình thực tế.
Theo Bộ GD-ĐT, đến năm 2020 các trường ĐH chỉ còn đào tạo ĐH và sau ĐH. Do đó, với tình hình hiện nay, liệu năm 2016 tổng chỉ tiêu sẽ tiếp tục leo thang và Bộ GD-ĐT sẽ cấp phép cho nhiều trường mở ngành mới và thả nổi việc kiểm soát chất lượng đào tạo. Theo thông tin tuyển sinh mà các trường gửi về Bộ GD-ĐT vừa cập nhật trong tháng 6 này, hầu như trường nào cũng tăng chỉ tiêu tuyển sinh hệ ĐH và có khá nhiều trường mở ngành mới. |
THANH HÙNG