>> LTS: Chuyện trường - lớp, thầy - trò ra sức chạy đua theo… chuẩn đang trở thành nhiệm vụ bất khả thi. Chưa bao giờ, “mốt” chạy đua theo chuẩn, từ trường chuẩn quốc gia, chuẩn đầu ra sinh viên, chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho đến chuẩn hiệu trưởng lại đang trở thành gánh nặng cho ngành giáo dục như hiện nay.
Chuẩn đầu ra ngoại ngữ: Mỗi nơi mỗi kiểu
Sinh viên vào học không cần bất cứ điều kiện tối thiểu nào về ngoại ngữ nhưng muốn ra trường phải đạt trình độ A, B, C hoặc các chứng chỉ tương đương do các trường tự định chuẩn. Và với cách làm mỗi trường mỗi chuẩn, hàng ngàn sinh viên phải chới với.
Chuẩn nào cũng có
Quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) của các trường ĐH, CĐ hiện nay như một ma trận khiến người học rối bời. Mới vào đầu năm học, nhiều tân sinh viên đứng ngồi không yên khi nhiều trường đặt mục tiêu sinh viên tốt nghiệp phải có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ C, trình độ B hoặc chứng chỉ TOEFL, IELTS, TOEIC…. Thậm chí, có trường còn đưa ra đến 5 chuẩn ngoại ngữ để sinh viên theo học. Trong khi đó, với một số trường như ĐH Kinh tế - Tài chính, ĐH Việt Đức, ĐH Quốc tế Sài Gòn, ngay khi sinh viên vào học năm đầu tiên trường đặt yêu cầu sinh viên phải tích lũy đủ chuẩn tiếng Anh tối thiểu mới vào học.
Trường ĐH Công nghiệp TPHCM dù không có quy định chuẩn ngoại ngữ đầu vào nhưng đến khi tốt nghiệp sinh viên phải đạt chứng chỉ tiếng Anh trình độ C. Theo nhiều sinh viên, quy định của nhà trường là quá cao và đánh đồng vì khi còn học phổ thông nhiều học sinh chỉ học hệ 3 năm nên theo không nổi yêu cầu này.
Thực tế, rất nhiều sinh viên đã mắc kẹt vì chuẩn cao ngất của nhà trường. Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), sau 3 lần xét đi xét lại, toàn trường chỉ có khoảng 1.000 sinh viên trên tổng số hơn 2.000 sinh viên khóa 2006-2010 tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 55,4%. Nhiều sinh viên chưa tốt nghiệp phàn nàn: “Trường không tổ chức dạy ngoại ngữ nhưng đến khi gần hết khóa học lại yêu cầu nộp chứng chỉ B ngoại ngữ khiến sinh viên bị động…”.
Ở một số đại học vùng lại xây dựng chuẩn đầu ra tiếng Anh của sinh viên theo kiểu “nửa dơi nửa chuột”. Theo chuẩn đầu ra của Trường ĐH Cần Thơ, nhiều ngành sinh viên tốt nghiệp chỉ cần đạt trình độ tiếng Anh đủ để đọc sách chuyên ngành hoặc chỉ cần chứng chỉ A hay B. Lạ hơn, ĐH Đà Nẵng đưa ra chuẩn đánh đố người học lẫn người dạy như: Sinh viên phải đọc tài liệu bằng tiếng nước ngoài thành thạo; viết báo cáo chuyên môn, văn bản giao dịch bằng tiếng nước ngoài chuẩn mực; giao tiếp, trình bày báo cáo tham luận trôi chảy bằng tiếng nước ngoài; biết hai ngoại ngữ trong đó có tiếng Anh…
Chuẩn mà không chuẩn
Thực tế cho thấy, các chuẩn ngoại ngữ mà nhiều trường đưa ra thực chất là làm cho có để đối phó với yêu cầu “3 công khai” (công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, chất lượng giáo dục thực tế và thu chi tài chính) của Bộ GD-ĐT. Hơn nữa, ngay cả Bộ GD-ĐT cũng không đưa ra được một chuẩn đúng nghĩa để áp dụng cho các trường.
Một chuyên gia đào tạo của ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng: Sinh viên ra trường có kiến thức chuyên môn tốt đáp ứng được nhu cầu nhà tuyển dụng đã là quá tốt. Tuy nhiên, nếu sinh viên nào có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ (tiếng Anh) càng tốt hơn với thực tế hiện nay. Nhưng thực trạng đào tạo tiếng Anh với chuẩn đầu ra có nhiều mâu thuẫn, nếu không nói là phi thực tế. Thứ nhất, chuẩn đầu ra ngoại ngữ của trường được xây dựng dựa trên tiêu chí nào? Nếu trường cho rằng chuẩn ngoại ngữ của mình đảm bảo yêu cầu xã hội, của nhà tuyển dụng thì lấy gì kiểm chứng và liệu giữa chuẩn đưa ra với thực tế giảng dạy có chênh nhau một trời một vực? Đó là chưa nói đến việc nền tảng tiếng Anh của sinh viên thời phổ thông cũng không đồng đều và không hề có một chuẩn nào. Do đó, việc các trường định ra chuẩn này chuẩn kia rồi đổ đồng sinh viên vào học và sau một thời gian học phải đạt chuẩn vô tình làm tăng áp lực cho người học vốn đã quá nặng về chuyên môn.
Và để chạy theo chuẩn mình đưa ra, nhiều trường thậm chí ép sinh viên chứ không cần tính đến chuyện vốn ngoại ngữ thực sự mà sinh viên tích lũy để áp dụng vào thực tế khi ra trường. Thể hiện rõ nhất về hậu quả của việc chạy theo phong trào, khóa 2006-2010 của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn thiết lập kỷ lục về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp thấp vì không đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ trình độ B tiếng Anh. Trước thực tế này, nhà trường đã phải kiểm tra lại đề thi để xem có quá khó khiến sinh viên không đạt được chứng chỉ B.
Trong khi đó, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn yêu cầu chuẩn đầu ra tốt nghiệp tiếng Anh phải đạt TOEIC 350 và điều kiện xét lên lớp phải đạt TOEIC 200 khiến gần cả ngàn sinh viên hoang mang vì không thể đáp ứng nổi…
Để có một tiêu chí rõ ràng về chuẩn đầu ra ngoại ngữ, cấp quản lý cần có phương án khoa học, rõ ràng và có tính hệ thống. Khi đã có đầy đủ cơ sở thì việc xây dựng và triển khai chuẩn ngoại ngữ sẽ không bị rối và mang tính đánh đố người học như hiện nay.
Thanh Hùng
Đuối với chuẩn hiệu trưởng!
Nhằm nâng cao năng lực quản lý của nhà trường, từ cách đây hai năm, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng. Theo đó, các hiệu trưởng sẽ bắt đầu tiến hành tự đánh giá dựa trên các tiêu chí và các thang điểm có sẵn. Tuy nhiên, cách đánh giá quá mơ hồ, chủ yếu dựa trên kết quả tự đánh giá và xếp loại theo kiểu “chấm điểm”, rất dễ rơi vào hình thức đã khiến nhiều hiệu trưởng lúng túng.
Thông tư 29/2009/TT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về quy định chuẩn hiệu trưởng trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học có hiệu lực kể từ ngày 10-12-2009. Năm học 2009 – 2010, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường tự triển khai đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng này. Tuy nhiên sau một năm, TPHCM vẫn chưa có trường nào triển khai và thực hiện chuẩn này.
Bà Nguyễn Thị Yến Trinh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên than thở: “Thật sự chúng tôi chỉ mới đọc qua các tiêu chí đánh giá chứ chưa hề áp dụng, do mãi đến tháng 6-2010, chúng tôi mới nhận được công văn hướng dẫn của sở về việc triển khai và áp dụng chuẩn hiệu trưởng. Đọc qua các tiêu chí đánh giá, còn có nhiều điểm lấn cấn và cần phải có thời gian để xem xét, nghiên cứu lại, thậm chí phải được tập huấn bài bản, chi tiết. Vì vậy, có thể phải đến cuối năm học 2010 - 2011, các trường mới bắt đầu triển khai đánh giá”.
Phân tích cụ thể hơn về các tiêu chí đánh giá, bà Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng cho biết: “Tiêu chí 1 yêu cầu hiệu trưởng phải có ý chí vượt khó khăn nhưng không nói rõ vượt khó ở phương diện nào: hoàn cảnh gia đình hay điều kiện khó khăn của nhà trường mình quản lý. Đặc biệt, chuẩn hiệu trưởng không hề quy định, nếu không đạt chuẩn sẽ bị xử lý như thế nào. Tại sao chỉ có hiệu trưởng bị đánh giá, cho điểm, còn hiệu phó thì không? Như vậy chẳng khác nào dồn áp lực, trách nhiệm quản lý nhà trường lên hiệu trưởng?”.
Tháng 12-2009, bộ áp dụng quy định chuẩn hiệu trưởng trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Theo quy định chuẩn hiệu trưởng gồm 3 tiêu chuẩn với 23 tiêu chí. Được đặt lên hàng đầu là tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp, tiếp đó là tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và tiêu chuẩn thứ ba là năng lực quản lý nhà trường.
Mới đây, đầu tháng 11-2010, Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo quy định chuẩn hiệu trưởng trường mầm non với 4 tiêu chuẩn với 19 tiêu chí. Tổng điểm tối đa của 19 tiêu chí là 190 điểm.
Loại xuất sắc được quy định với tổng số điểm từ 171 đến 190 và các tiêu chí phải đạt từ 8 điểm trở lên; loại khá, tổng số điểm từ 133 trở lên và các tiêu chí phải đạt từ 6 điểm trở lên; loại trung bình, tổng số điểm từ 95 trở lên, các tiêu chí của tiêu chuẩn 1 và 3 phải đạt từ 5 điểm trở lên, không có tiêu chí 0 điểm.
Chưa đạt chuẩn - loại kém khi tổng số điểm dưới 95 hoặc thuộc một trong hai trường hợp: Có tiêu chí 0 điểm; có tiêu chí trong các tiêu chuẩn 1 và 3 dưới 5 điểm. Nhiều hiệu trưởng các trường cho rằng, Bộ GD-ĐT đang chạy đua theo “mốt” chuẩn: trường chuẩn quốc gia, chuẩn đầu ra sinh viên… và giờ đây là chuẩn hiệu trưởng.
Mục đích của việc ban hành chuẩn hiệu trưởng là để hiệu trưởng tự đánh giá và cơ quan quản lý giáo dục, đánh giá, xếp loại. Tuy nhiên, kèm theo đó, phiếu đánh giá để giáo viên, cán bộ, nhân viên đánh giá hiệu trưởng là điều rất khó làm.
Hiệu trưởng một trường THCS ở quận 3 chia sẻ: “Rất khó để giáo viên nói lên những mặt hạn chế, yếu kém của hiệu trưởng, vì họ còn e ngại quyền lực tối cao của hiệu trưởng, sợ bị trù dập hoặc sa thải, hạ bậc lương, đánh giá thi đua cuối năm... Do đó, nhiều giáo viên vì nể nang, ngại đụng chạm chắc chắn sẽ không dám đánh giá đúng sự thật.
Hiện nay, hiệu trưởng là người phải quán xuyến đủ thứ việc: chuyên môn, quản lý nhân sự, cơ sở vật chất và tài chính, thậm chí đứng lớp ít nhất 2 tiết học. Chưa kể nhiều hiệu trưởng phải kiêm cả công tác Đảng.
Hiệu trưởng một trường THPT ở quận Tân Bình nói: “Không có hiệu trưởng nào giỏi như hiệu trưởng các trường công lập Việt Nam, cùng một lúc phải diễn nhiều vai”. Trong khi đó, hiệu trưởng các trường quốc tế, dân lập, tư thục nhẹ gánh hơn vì có người giúp việc là thư ký riêng và có Hội đồng quản trị hậu thuẫn.
Việc ban hành chuẩn hiệu trưởng là giúp hiệu trưởng tự đánh giá để từ đó hoàn thiện, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nhà trường. Ngoài ra, đây cũng là căn cứ để cơ quan quản lý giáo dục đánh giá, xếp loại hiệu trưởng phục vụ công tác sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo. Đây cũng là căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của hiệu trưởng. Nhưng nếu tiêu chí đánh giá không rõ ràng, không khéo lại tạo thêm áp lực cho hiệu trưởng vì phải gồng mình chạy theo chuẩn.
Nguyễn Thủy