Chạy nước rút?

Tổng thống Obama đang có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi tái đắc cử. Lẽ thường, Tổng thống Mỹ sẽ đến thăm những quốc gia đồng minh phương Tây trọng yếu nhưng lần này, chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á cho thấy quyết tâm tăng tốc hướng về châu Á nhằm mục tiêu củng cố vị trí của Mỹ ở khu vực này. Báo The Nation của Thái Lan viết: “Tổng thống Obama đang cố gắng xây dựng hình ảnh tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên của Mỹ”.

Tổng thống Obama đang có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi tái đắc cử. Lẽ thường, Tổng thống Mỹ sẽ đến thăm những quốc gia đồng minh phương Tây trọng yếu nhưng lần này, chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á cho thấy quyết tâm tăng tốc hướng về châu Á nhằm mục tiêu củng cố vị trí của Mỹ ở khu vực này. Báo The Nation của Thái Lan viết: “Tổng thống Obama đang cố gắng xây dựng hình ảnh tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên của Mỹ”.

Điều được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm của Mỹ đến Myanmar, đồng thời cam kết viện trợ quốc gia này 170 triệu USD, dự chi trong 2 năm cho các dự án xã hội dân sự nhằm xây dựng các cơ quan dân chủ và cải thiện giáo dục. Cùng thời điểm cũng diễn ra lễ khai trương một văn phòng của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) ở Myanmar vốn ngưng hoạt động nhiều năm qua.

Những tín hiệu này biểu hiện cho mối quan hệ có vẻ nồng ấm của hai nước sau chuỗi nỗ lực có phần khá vồn vã của Washington. Năm ngoái, Ngoại trưởng Hillary Clinton là quan chức cấp cao đầu tiên của Mỹ thăm Myanmar. Song song đó, Chính phủ Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt cũng như cử đại sứ đầu tiên đến đất nước này sau 22 năm.

Mỹ đã chuẩn bị kỹ cho mối quan hệ với Myanmar khi từ năm 2009 “rục rịch” đánh tiếng đứng sau hỗ trợ tài chính cho một số dự án mà Myanmar hợp tác với các quốc gia láng giềng như Campuchia, Lào, Việt Nam. Rõ ràng, Mỹ đã không áp dụng kịch bản cũ đối với Myanmar, không đặt nặng những điều kiện tiên quyết với khẩu hiệu “vì dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới” một cách quá lộ liễu như trước đây.

Hơn ai hết, Mỹ hiểu đang ở thế bị động trong nước cờ chuyển hướng trọng tâm về châu Á-Thái Bình Dương. Trong 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Bush, Washington đã chậm chân so với nhiều đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi đó, về phần mình, Myanmar cũng đã chủ động cải cách để phát triển. Đầu tháng 11, Tổng thống U Thein Sein ký ban hành luật đầu tư nước ngoài mới nhằm thu hút đầu tư. Một trong những đối tác quan trọng của Myanmar đến thời điểm này là Nhật Bản với hàng loạt lĩnh vực như: công nghiệp ô tô, đất hiếm… Nhật Bản cùng với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa qua đã công bố gói hỗ trợ toàn diện để xóa các khoản nợ quá hạn cho Myanmar. Myanmar đang ở vị thế có thể chủ động lựa chọn đối tác cho mình.

Trước khi đến Myanmar, ông Obama đã thăm Thái Lan, một đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực và ca ngợi mối quan hệ đồng minh tốt đẹp này. Rời Myanmar, ông Obama đến Campuchia để dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Tại đây, Tổng thống Mỹ sẽ gia cố cho cuộc đua “o bế” cho mối quan hệ với châu Á-Thái Bình Dương. Mỗi quốc gia, ông chỉ lưu lại vài giờ nhưng thể hiện ý nghĩa của bức tranh toàn cảnh là nước Mỹ đang nỗ lực chăm chút cho mối quan hệ với các đồng minh và các đối tác trong khu vực.

Chuyến đi đến Đông Nam Á lần này của ông Obama quả là có hiệu ứng kép. Đó là vừa củng cố vị thế cường quốc số một, vừa tìm kiếm cơ hội hợp tác trong bối cảnh châu Âu và Mỹ bão hòa, trong khi châu Á đang chuyển biến từng ngày. 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục