TPHCM có diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 37.100 ha, chiếm 17,7% tổng diện tích tự nhiên TP, trong đó, rừng phòng hộ môi trường là chủ yếu với 93,7%. Cần Giờ là địa phương tập trung nhiều nhất, kế đến là huyện Củ Chi, Bình Chánh, quận 9. Là TP có dân số đông nhất nước nên rừng ở TPHCM có vai trò rất lớn, như “lá phổi” xanh cho hơn 10 triệu người dân TP, góp phần vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, rừng ngập mặn Cần Giờ còn có vai trò quan trọng khác, đó là “vành đai” chắn bão, có tác dụng giảm bớt sự hung hãn nếu bão đổ bộ vào TP, đặc biệt là khu vực nội thành. Mặc dù là rừng ngập mặn, nước vào ra theo dạng bán nhật triều, nước lên xuống 2 lần/ngày nên rừng đước Cần Giờ từ khi được phục hồi đến nay chưa xảy ra cháy rừng lần nào, nhưng Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí cảnh báo, điều đó không có nghĩa là rừng Cần Giờ không bao giờ cháy. Biến đổi khí hậu, kể cả “nhân tai” luôn ẩn chứa nhiều hiểm họa và bất ngờ.
Mùa khô hạn đang ở giai đoạn cao điểm, ít có nhiều cơn mưa trái mùa như những năm trước là nguyên nhân làm cho thời tiết nắng nóng kéo dài. Vì vậy, việc phòng chống cháy rừng (PCCR) ở TPHCM luôn ở tình trạng sẵn sàng. Mặc dù năm qua ở TPHCM chưa xảy ra cháy rừng, nhưng theo đại diện Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TPHCM, những vụ việc cháy cây phân tán hay đồng cỏ luôn là nguy cơ, có thể nhanh chóng lan rộng, gây nguy hiểm cho nhiều khu rừng ở TP. Năm 2012 đã xảy ra 10 vụ cháy với diện tích 15,8ha và vụ cháy cây phân tán vừa qua ở quận 9 gần Khu tưởng niệm các Vua Hùng cho thấy điều đó. Đặc biệt là nhận thức của người dân chưa cao, chưa quan tâm nhiều đến việc PCCR. Trong khi đó, việc điều tiết nguồn nước không phải lúc nào cũng đáp ứng yêu cầu.
Theo Đại tá Lê Tấn Bửu, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, vụ cháy cây phân tán vừa qua ở quận 9 cho thấy tính chất lan rộng rất nhanh, việc di chuyển phương tiện khó khăn, nên phương tiện và thiết bị chữa cháy phải phù hợp từng điều kiện cụ thể. Đường băng ngăn giữa đồng cỏ với rừng chưa làm triệt để. Ngay cả quận 8, 9, Bình Thạnh cần chủ động đốt đồng cỏ để ngăn ngừa nguy cơ cháy lan sang khu vực khác. Tuy nhiên, Đại tá Lê Tấn Bửu nhấn mạnh, kinh nghiệm những đợt cháy nhiều năm qua cho thấy, cần phải đặc biệt chú ý cơ chế phối hợp giữa các sở ngành, lúc xảy ra phải có một người chỉ huy để có sự phân vai rõ ràng, chú ý vận hành cơ chế, phát huy cho được lực lượng 4 tại chỗ.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí cho rằng, quy trình vận hành các sự cố cháy, phòng chống thiên tai hiện nay còn bất cập và nhấn mạnh, PCCR, cứu nạn, phòng chống lụt bão đều phải cần chuyên môn. Các sở ngành phải có cơ chế phối hợp kể cả ý thức phòng chống và kỹ năng phối hợp của người dân. Cũng như phòng chống lụt bão, PCCR đều đã có phương án, nhưng hầu như là trên giấy, tính khả thi kém, việc diễn tập những năm qua mới dừng lại ở nhận thức… Vì vậy, thời gian tới phải có phương án định lượng được tình huống.
ĐĂNG LÃM