Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 25-11 dẫn tuyên bố của quân đội Bình Nhưỡng cảnh báo: “Triều Tiên sẽ ngay lập tức tiến hành đợt tấn công thứ 2, thậm chí thứ 3 nếu như những nhân vật hiếu chiến tại Hàn Quốc lại có những hành vi khiêu khích quân sự liều lĩnh”. Đồng thời, Triều Tiên vẫn khẳng định các biện pháp quân sự của nước này trong vụ bắn pháo vừa qua là để tự vệ. Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết, mặc dù quân đội Triều Tiên liên tục cảnh báo sẽ trả đũa nếu Hàn Quốc bắn pháo vào vùng lãnh hải của Triều Tiên, nhưng Hàn Quốc vẫn bắn hàng chục quả pháo, công khai khiêu khích, buộc Triều Tiên phải áp dụng biện pháp tự vệ bắn trả vào nơi đặt pháo của Hàn Quốc trên đảo Yeonpyeong.
Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các bộ trưởng Kinh tế và An ninh. Nguồn tin từ Phủ Tổng thống cho biết tại cuộc họp, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định tăng cường lực lượng quân sự, trong đó có bộ binh, tại 5 hòn đảo trên biển Hoàng Hải và tăng ngân sách để đối phó với các nguy cơ từ Triều Tiên.
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-young đã từ chức ngày 25-11, sau khi bị chỉ trích gay gắt về phản ứng đối với cuộc tấn công bằng pháo của Triều Tiên. Phủ tổng thống Hàn Quốc xác nhận Tổng thống Lee Myung-bak chấp thuận đơn từ chức nói trên. Thực ra ông Kim Tae-young đã có ý định từ chức từ hồi tháng 5 sau vụ chìm tàu chiến Cheonan ở Hoàng Hải làm 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng. |
Sau một cuộc họp an ninh khẩn cấp do Tổng thống Lee Myung-bak chủ trì, Văn phòng tổng thống Hàn Quốc ra thông báo cho biết quân đội nước này sẽ sửa đổi các quy định can dự nhằm phản ứng mạnh mẽ hơn với các vụ tấn công của Triều Tiên.
Theo tuyên bố này, Hàn Quốc sẽ ưu tiên chi tiêu để giải quyết các nguy cơ không tương xứng từ Triều Tiên và kế hoạch năm 2006 nhằm giảm qui mô Quân đoàn lính thủy đánh bộ sẽ bị loại bỏ. Việc sửa đổi sẽ bao gồm các mức độ phản công khác nhau phụ thuộc vào mục tiêu dân sự hay quân sự của các cuộc tấn công.
Hiện, các nỗ lực ngoại giao đang được tăng cường nhằm tìm cách làm dịu căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong cuộc gặp ngày 24-11 với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhân chuyến thăm Mátxcơva khẳng định Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và kêu gọi các bên kiềm chế. Ông Ôn Gia Bảo cũng kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, coi đây là nền tảng cơ bản để duy trì sự ổn định và tiến hành phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Nhật Bản Seiji Maehara trong cuộc điện đàm ngày 25-11 đã nhất trí hợp tác làm dịu căng thẳng sau vụ việc trên. Trước đó, ông S.Maehara đã có cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa và bày tỏ Trung Quốc với cương vị nước chủ trì các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên “nên đóng một vai trò lớn” trong vấn đề này. Một quan chức Mỹ cho biết Washington sẽ sớm đàm phán cấp cao với Trung Quốc để đề nghị Bắc Kinh tăng cường nỗ lực giải quyết vấn đề này.
Nhận định về sự kiện ở Bán đảo Triều Tiên, báo Anh tờ Guardian ngày 24-11 cho rằng Triều Tiên đang thực hiện chiến thuật đẩy Hàn Quốc và Mỹ vào thế khó. Dù phản ứng thế nào Bình Nhưỡng vẫn là người thắng cuộc, vì vậy phản ứng hợp lý duy nhất hiện nay của Seoul vẫn là kiềm chế. Trong khi đó tờ Christian Monitor nhận định vụ pháo kích lẫn nhau ở khu vực ranh giới trên biển giữa Triều Tiên và Hàn Quốc là một thách thức địa chính trị bất ngờ và nghiêm trọng đối với Mỹ. Bên cạnh những tác động của sự kiện này đối với Hàn Quốc, vụ đụng độ có thể gây nguy hiểm cho 25.000 binh sĩ Mỹ đang triển khai ở Hàn Quốc theo hiệp ước phòng thủ Mỹ-Hàn, cũng như khoảng 50.000 công dân Mỹ đang có mặt tại Hàn Quốc, trong đó nhiều người ở Seoul.
V.A.
Thông tin liên quan |
- Hàn Quốc: Sẽ đáp trả bằng tên lửa nếu Triều Tiên tiếp tục tấn công |