Bất cập trong việc người trồng rừng và doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nguyên liệu gỗ dăm bán giá rẻ, trong khi DN nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất đồ gỗ lại phải mua với giá cao. Mới đây, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức diễn đàn DN trồng rừng, chế biến và xuất khẩu lâm sản để tìm ra tiếng nói chung nhằm phát triển bền vững.
Gỗ nguyên liệu: xuất rẻ, nhập đắt
Đại diện Hội Mỹ nghệ chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết, thông qua Bộ NN-PTNT, HAWA đang kiến nghị Chính phủ nên hạn chế việc xuất khẩu dăm gỗ tràm. Hiện nay nhu cầu gỗ tràm làm nguyên liệu chế biến trong nước rất lớn nhưng DN chế biến phải nhập khẩu nguyên liệu với giá cao. Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch HAWA, để bảo vệ môi trường, các nước nhập khẩu sản phẩm đồ gỗ ngày càng đưa ra nhiều quy định khắt khe về nguồn gốc nguyên liệu gỗ, nếu vi phạm sẽ bị phạt và bị cấm xuất khẩu. Mỹ, EU… đều có những đạo luật hạn chế vấn đề này. Gỗ tràm là gỗ rừng trồng nên các nước đều rất muốn nhập gỗ nguyên liệu này về chế biến để an toàn về nguồn gốc xuất xứ. Hiện nay người trồng rừng tràm trong nước khai thác gỗ cây trồng từ năm thứ 5 trở lại, nên giá bán không cao.
Nếu để thêm 2-3 năm nữa sinh khối gỗ tăng lên, giá bán cao hơn. Nhưng hiện nay, do chính sách chưa phù hợp nên người trồng rừng thường thiếu vốn, phải bán sớm để có tiền trang trải chi phí. Khi bán cho DN trong nước, người trồng rừng được lợi nhiều khoản: giá mua cao hơn, nếu tổ chức cưa xẻ tại chỗ không chỉ tiết kiệm chi phí vận chuyển, tạo thêm việc làm cho người dân mà còn có thêm phần gỗ thừa để sử dụng làm chất đốt...
Điều mà các DN chế biến gỗ đưa ra hợp lý, nhưng với DN và trang trại trồng rừng, việc xuất khẩu gỗ dăm cũng có nguyên do. Nếu DN chế biến gỗ trong nước đến mua thì phải chờ, trong khi nhà nhập khẩu ký hợp đồng sẵn, thu hoạch và bán là xong. Phần lớn người trồng rừng, kể cả DN đều thiếu vốn, trong khi ngân hàng không cho vay với thời gian dài 7 - 8 năm. Do vậy, người dân thường cưa bán cây khi cây trồng được 4-5 năm. Các hộ trồng rừng phân trần, dù giá bán thấp nhưng còn có đồng ra đồng vào để lo chí phí gia đình và việc học của con cái.
Cần tạo ra chuỗi liên kết trồng, chế biến...
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HAWA cho biết, vừa qua, IKEA- Tập đoàn chuyên về kinh doanh đồ gỗ lớn nhất thế giới ở Thụy Điển ngỏ ý muốn ký hợp đồng với Công ty Scansia Pacific của ông cung ứng 400.000 bộ bàn ghế/năm. Sau khi đưa ra bảng giá 72 USD/bộ, IKEA cho biết, hàng Việt Nam cao hơn Trung Quốc 10 USD/bộ. Vì sao hàng Trung Quốc có thể sản xuất với giá rẻ như vậy dù cũng nhập khẩu gỗ về chế biến như Việt Nam?
Việc các DN Trung Quốc đặt mua nguyên liệu gỗ ở vùng Siberia của Nga, vận chuyển về vùng Nội Mông để cưa xẻ ban đầu, sau đó vận chuyển lượng gỗ này về tỉnh Tứ Xuyên chế biến thành các sản phẩm đồ gỗ. Phần gỗ dư thừa được thu gom lại để ép thành từng khối bán cho các cơ sở, nhà máy có nhu cầu. Sự phân chia công đoạn một cách khoa học và đồng bộ trong chuỗi dây chuyền khép kín cũng như tận dụng hết phần dư thừa còn lại đã giúp cho chi phí đầu vào của sản phẩm đồ gỗ Trung Quốc giảm xuống, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trong khi đó ở Việt Nam, theo ông Nguyễn Chiến Thắng, mỗi DN phải đảm nhận hết các khâu từ việc nhập nguyên liệu thô, vận chuyển về nhà máy cưa xẻ, rồi chế biến nên chi phí đội lên rất cao. Việc sơ chế ban đầu (cưa xẻ và sấy) gần vùng nguyên liệu sẽ làm giảm bớt phí vận chuyển, còn giúp cho người dân khu vực này có thêm việc làm. Điều này chỉ có thể làm được khi tạo ra được các khâu trong chuỗi liên kết và sự bình đẳng trong việc phân phối lợi nhuận.
Ở Việt Nam có nhiều khu vực rừng trồng ở Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên… cần xác định vùng nguyên liệu tập trung để tổ chức trồng 1-2 loại cây lấy gỗ, bên cạnh đó tạo ra vùng sơ chế ban đầu tập trung với các nhà máy cưa xẻ gỗ nhỏ, vốn đầu tư thấp. Những phế phẩm như dăm bào, mạt cưa, cành cây, ngọn… làm nhiên liệu cho việc đun nấu tại chỗ. Hiện nay, Scansia Pacific bước đầu tiếp cận theo chuỗi liên kết này, hy vọng có được sản phẩm với giá thành thấp hơn để cạnh tranh với các nước.
Có thể nói, khó khăn chung hiện nay ở các nước là điều kiện để các DN trồng và chế biến gỗ trong nước cùng ngồi lại để tạo ra chuỗi liên kết giá trị có lợi cho các bên, thay cho nghịch lý DN trồng rừng bán gỗ dăm ra nước ngoài với giá thấp, còn DN chế biến gỗ phải nhập khẩu nguyên liệu gỗ, kể cả ván dăm với giá cao.
CÔNG PHIÊN