Chế biến sâu thanh long từ gợi mở của nhà khoa học quản lý

Nếu năm 2012, xưởng chỉ có sản phẩm rượu vang thanh long, thì hiện tại đã đưa ra thị trường hơn 10 loại rượu vang từ thanh long, điều, xoài, khóm, chanh, ca cao...

11 năm trước (2012), Tiến sĩ (TS) Võ Mai, lúc đó là Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam (phụ trách phía Nam), dẫn đoàn báo chí đến ấp Long Thành, xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An tham dự buổi “khánh thành” xưởng sản xuất rượu thanh long của thầy giáo môn hóa - lý Trần Quốc Trọng (Trường THCS Trần Phú, TP Tân An), người tiên phong trong việc chế biến rượu vang thanh long.

Nói đến xuất khẩu rau quả, một thời gian rất dài, thanh long là sản phẩm dẫn đầu về giá trị kim ngạch. Tuy nhiên, trái thanh long khó bảo quản, nên nhà vườn bị thiệt hại khi nhu cầu tiêu thụ thấp hơn sản lượng sản xuất. Không ít lần phải “giải cứu”.

Thầy giáo Trần Quốc Trọng bên cạnh các sản phẩm chế biến từ trái thanh long

Thầy giáo Trần Quốc Trọng bên cạnh các sản phẩm chế biến từ trái thanh long

Là người có điều kiện đến nhiều nước, TS Võ Mai biết được, Malaysia dù trồng thanh long hàng hóa sau Việt nam, diện tích nhỏ hơn, nhưng đã đi trước trong việc chế biến. Đó là lý do từ lúc làm Cục Phó Cục Bảo vệ thực vật đến khi về hưu làm Chủ tịch Hiệp hội Trái cây Việt Nam - Vinafruit (sau này đổi thành Hiệp hội Rau quả Việt Nam), rồi làm Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, TS Võ Mai luôn trăn trở, nhiều lần gợi ý, cần có thêm khâu chế biến, trước mắt là rượu thanh long để giải quyết tình trạng dư thừa.

Thầy giáo Trần Quốc Trọng chứng kiến rất rõ sự trồi sụt giá cả trái thanh long trên thị trường khi gia đình trồng 1.500 gốc thanh long, lại nằm trong huyện Châu Thành, vùng trồng thanh long trọng điểm, sản lượng trên 190.000 tấn/năm. Không ít lần thanh long bị chất thành đống, vứt đầy hai bên đường. Một lần tham gia lớp tập huấn về thanh long do Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức, từ gợi mở của TS Võ Mai, thầy giáo Trần Quốc Trọng nảy ra ý tưởng khởi nghiệp từ trái thanh long. Đó là năm 2011.

Hơn 1 năm đầu, nhiều lần thử nghiệm đều thất bại. Năm 2012, thầy Trọng được nữ tiến sĩ Việt kiều Pháp chuyên về rượu vang, tư vấn, hỗ trợ về công nghệ lên men rượu vang. Thành công rồi cũng đến, mở ra hướng đi mới cho trái thanh long. Hiện nay, thanh long được chế biến thành nhiều loại thực phẩm và đồ uống như nước thanh long, bột thanh long, rượu vang...

TS Võ Mai và thầy giáo Trần Quốc Trọng

TS Võ Mai và thầy giáo Trần Quốc Trọng

Mới đây, theo lời mời của TS Võ Mai, người dù bước vào tuổi 80 vẫn quan tâm đến các vấn đề nông nghiệp, tôi lại có dịp thăm lại “nhà máy” của thầy giáo Trần Quốc Trọng. Trên đường đi, TS Võ Mai cho biết, tại Công ty TNHH MTV Sản xuất rượu Thanh Long (ruouthanhlong.com.vn), tên gọi chính thức của nhà xưởng, việc chế biến không chỉ dừng lại ở sản phẩm rượu vang mà còn nhiều sản phẩm khác từ thanh long và nhiều loại trái cây khác. Vẫn là doanh nghiệp nhỏ, lượng công nhân khiêm tốn, nhưng cơ ngơi có nhiều thay đổi cả về diện tích, thiết bị, công nghệ cũng như “vị thế” nhờ được nhiều nơi, cả trong và ngoài nước biết đến.

Theo lời thầy giáo Trần Quốc Trọng, nhà xưởng là nơi tham quan, học tập của nhiều đoàn khách trong và ngoài nước. Đã tiếp xúc trên 40 đoàn, nhiều nhất là các quốc gia châu Á, có cả đoàn từ Hoa Kỳ, Đức... Đây còn là nơi thực tập, bổ sung kiến thức thực tế và làm luận văn tốt nghiệp của nhiều sinh viên trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM từ 7 năm nay.

Khi Long An kết nghĩa với tỉnh Chungcheong-Namdo (Hàn Quốc), đây là nơi các đoàn tỉnh bạn đến tham quan, tư vấn, gợi ý và hỗ trợ cả về thiết bị, công nghệ và nguyên liệu để công ty có thể cải tiến chất lượng, rút ngắn thời gian ủ men, đa dạng sản phẩm, mở rộng nhà xưởng.

Năm 2020, dự án sản xuất rượu vang từ trái thanh long của thầy giáo Trần Quốc Trọng đoạt giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo” tỉnh Long An lần thứ II.

Theo thầy giáo Trọng, yếu tố quyết định chất lượng rượu là tuân thủ tuyệt đối công thức chế biến, trong đó, nhiệt độ là yếu tố quan trọng nhất. Giờ đây, công ty sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 22000, đang thêm tiêu chuẩn HACCP.

Nếu năm 2012, xưởng chỉ có sản phẩm rượu vang thanh long, thì hiện tại đã đưa ra thị trường hơn 10 loại rượu vang từ thanh long, điều, xoài, khóm, chanh, ca cao... Trong đó, rượu vang thanh long được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trung bình mỗi tháng, công ty sản xuất 2.000 lít rượu vang các loại, trong đó có sản phẩm gia công với đối tác nhờ thiết bị từ Hàn Quốc.

Thầy giáo Trần Quốc Trọng giới thiệu sản phẩm mới (son môi) cho TS Võ Mai

Thầy giáo Trần Quốc Trọng giới thiệu sản phẩm mới (son môi) cho TS Võ Mai

Cũng từ giới thiệu của TS Võ Mai, thầy giáo Trần Quốc Trọng có dịp tiếp xúc với nhà khoa học Viện Nghiên cứu Dầu và cây có dầu trong việc nghiên cứu phương pháp chiết tách dầu từ hạt thanh long.

Hơn 2 năm, nhờ sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Dầu và cây có dầu, đã chiết tách thành công dầu hạt thanh long dùng trong y tế, làm đẹp, giúp chống lão hóa da. Mới đây, có thêm sản phẩm son môi và nước hoa khô được làm từ dầu hạt thanh long. Là kết quả từ việc hỗ trợ kinh phí của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh và việc chuyển giao công nghệ của Viện Nghiên cứu Dầu và cây có dầu. Nước hoa, son môi, kem dưỡng da được tạo nên từ dầu hạt thanh long, đều là sản phẩm thân thiện môi trường, tốt cho sức khỏe con người. Hiện sản phẩm có mặt trên thị trường trong nước và tiếp cận thị trường Hàn Quốc.

Nước hoa, son môi, kem dưỡng da được làm từ dầu hạt thanh long

Nước hoa, son môi, kem dưỡng da được làm từ dầu hạt thanh long

Thầy giáo Trọng cho biết, đang thử nghiệm phân bón hữu cơ từ vỏ thanh long, cho kết quả khả quan. Nếu thành công, trái thanh long không còn gì bỏ đi, từ cơm, hạt, vỏ... đều có thể chế biến thành các loại sản phẩm hữu ích.

Các công trình nghiên cứu gần đây cho thấy, trong vỏ và ruột thanh long, nhất là thanh long ruột đỏ, chứa nhiều hợp chất đa vòng có thể được sử dụng trong các lĩnh vực công nghệ cao như betanin, phyllocactin, hylocerenin,… Đặc biệt, vỏ quả thanh long chứa nhiều thành phần betacyanin. Các hợp chất màu này được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y dược, môi trường, thực phẩm.

Trong y dược và thực phẩm, các hợp chất màu được sử dụng như các sản phẩm màu tự nhiên với tác dụng dược lý kháng oxy hóa, giảm lipit máu, làm chất cảnh báo suy yếu gan, thận. Ngoài ra, các hợp chất màu này có thể được sử dụng để xác định nhanh các kim loại nặng, pH, khuẩn Helicobacter pylori (HP), sự phân hủy trong thực phẩm.

Do đó, để tăng giá trị và nâng cao hiệu quả kinh tế trái thanh long, thầy giáo Trần Quốc Trọng cho biết, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các hợp chất màu của quả thanh long để phát triển các sản phẩm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Long An” của TS Nguyễn Thành Danh, Viện Công nghệ Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đề xuất thực hiện đề tài KHCN cấp tỉnh năm 2024, với thời gian 2 năm, từ tháng 1-2024 đến tháng 12-2025. Mục tiêu là chiết xuất hiệu quả các hợp chất màu từ quả thanh long và ứng dụng để chế tạo các sản phẩm chất lượng cao, nâng cao giá trị sản phẩm, định hướng ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm và môi trường. Địa chỉ áp dụng là Công ty TNHH MTV Sản xuất Rượu Thanh Long. Tuy đề xuất này không được duyệt nhưng thầy giáo Trần Quốc Trọng cho biết, sẽ nghiên cứu để thực hiện khi có điều kiện thích hợp.

Có thể nói, từ gợi mở của TS Võ Mai và lòng quyết tâm của thầy giáo Trần Quốc Trọng về chế biến thanh long thành rượu vang, giờ đây, đã mở ra nhiều hướng đi mới. Qua đó, từng bước khai thác các tiềm năng, nâng cao giá trị, để ngành hàng này có thể phát triển một cách căn cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng.

Tin cùng chuyên mục