Chế nước ngọt từ nước mặn - Thị trường bùng nổ

Những vấn đề về năng lượng và môi trường
Chế nước ngọt từ nước mặn - Thị trường bùng nổ
Chế nước ngọt từ nước mặn - Thị trường bùng nổ ảnh 1

Nhà máy Hamma của Algeria chế nước ngọt từ nước biển

Trước viễn cảnh nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm, nhiều quốc gia coi việc khử muối nước mặn để lấy nước ngọt là một giải pháp. Algeria, Libya, Tây Ban Nha, Israel, các nước vùng Vịnh, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, bang California (Mỹ)... đã có những khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực này.
 
Nhu cầu ngày càng tăng
 
Dân số các thành phố miền duyên hải ngày càng tăng, tình trạng khí hậu trái đất nóng lên... cũng là những nguyên nhân gây sức ép với ngành nước. Theo một chuyên gia, thị trường ngành khử muối nước biển sẽ bùng nổ trong những năm tới, do nguồn cung nước ngọt ngày càng hiếm.
 
Hiện tại, mỗi ngày trên thế giới có hơn 50 triệu m3 nước ngọt được chế từ nước mặn, trong đó khoảng 15% làm từ nước lợ (trung bình mỗi lít nước biển chứa 35g muối, mỗi lít nước lợ chỉ chứa từ 1-10g muối).

Dự tính, tới năm 2016, con số này sẽ đạt tới 109 triệu m3/ngày, tức gấp 109 lần lượng nước cả vùng Paris (Pháp) tiêu thụ hàng ngày. Mức tăng trưởng này có thể còn cao hơn nữa khi ngày càng có nhiều nhà máy khử muối nước mặn ra đời, với công suất ngày càng lớn, có nhà máy tới 1 triệu m3/ngày.
 
Từ năm 2001, Algeria đã có chương trình đầu tư 14 tỷ USD cho ngành nước. Hiện ở nước này có 13 công trình khử muối nước biển đang được xây dựng, lớn nhất là nhà máy Magtaa, công suất 500.000m3/ngày, vốn đầu tư 468 triệu USD. Tới năm 2009, chúng sẽ cung cấp tổng cộng 2,26 triệu m3/ngày. Tới năm 2010, có 10% lượng nước ngọt của Algeria được làm từ nước mặn khử muối. Hồi tháng 2 rồi, Algeria đã khánh thành nhà máy khử muối nước biển Hamma trị giá 250 triệu USD, cung cấp mỗi ngày 200.000 m3 nước ngọt cho thủ đô Alger.
 
Những vấn đề về năng lượng và môi trường
 
Giá xuất xưởng 1m3 nước ngọt thu được nhờ khử muối nước mặn theo phương pháp lọc osmose inverse (thẩm thấu ngược) là 0,4-0,8 euro, còn theo phương pháp chưng cất nhiệt là 0,65-1,8 euro, tuy đã giảm một nửa so với trước nhưng vẫn còn quá đắt với các nước nghèo hay những nước không dồi dào năng lượng dầu mỏ, khí đốt.

Trong tương lai, việc sản xuất nước sẽ trở thành một vấn đề sống còn có liên quan tới giá năng lượng, yếu tố không thể thiếu trong quá trình khử muối nước biển hay nước lợ. Vì thế, hiện có nhiều công trình nghiên cứu nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng của công nghệ này.
 
Ngoài ra, khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng sinh ra trong quá trình khử muối nước biển, hay việc thải muối trở lại biển có nguy cơ làm biến đổi thành phần và tính chất của nước biển, đe dọa môi trường sống của sinh vật biển... cũng là những vấn đề môi trường được các chuyên gia cảnh báo.

Các nhà sản xuất đã tìm cách khắc phục khuyết điểm này bằng cách dùng máy giúp muối hòa tan nhanh hơn, hay nhờ tới cả sự trợ giúp của các dòng hải lưu... 

Các chuyên gia về nước khuyến cáo, trước tiên nên tiết kiệm nguồn nước ngọt sẵn có, như tìm cách giảm lượng nước bị thất thoát do hệ thống dẫn nước (có thể làm mất tới 50% lượng nước, cả các hệ thống dẫn nước chất lượng cao cũng mất 5%-10%); thu hồi nước đã sử dụng để làm nước tưới cũng là một biện pháp tốt, vì nông nghiệp tiêu thụ tới 71% lượng nước ngọt...

NHỊ BÌNH (theo Le Monde)

(Báo SGGP 12 giờ) 

Tin cùng chuyên mục