Ngày 19-12, bà Choi Soon-sil, bạn thân của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, hầu tòa để trả lời về những cáo buộc lạm quyền. Đây là diễn biến mới nhất trong vụ bê bối chính trị khiến bà Park Geun-hye bị Quốc hội Hàn Quốc đề nghị luận tội và đình chỉ quyền lực.
Trong khoảng thời gian 6 tháng, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc xem xét và đưa ra quyết định về đề nghị luận tội của Quốc hội Hàn Quốc. Tổng thống tạm quyền kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn sẽ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo chính phủ lâm thời. Theo tạp chí Diplomat, với nhiều người phản đối bà Park Geun-hye, họ kỳ vọng sự thay đổi vị trí lãnh đạo đem đến sự chuyển biến tích cực cho Hàn Quốc. Tuy nhiên, giới quan sát lại cho rằng sẽ khó có sự thay đổi trong thời gian ông Hwang Kyo-ahn tạm quyền. Kim Byoung-joo, người đứng đầu của công ty tư vấn chiến lược KL&P có trụ sở tại Seoul nhận định tất cả những gì Tổng thống tạm quyền Hàn Quốc, người được xem là trung thành với bà Park Geun-hye, làm trong khoảng thời gian này là đảm bảo các chức năng của chính phủ được vận hành đúng cách trong tình hình chính trị hỗn loạn.
Ông Hwang Kyo-ahn lãnh đạo đất nước vào thời điểm Hàn Quốc bất ổn với kinh tế tăng trưởng chậm và mối đe dọa quân sự thường trực từ Triều Tiên. Vì vậy, trong tuần đầu làm việc với danh nghĩa Tổng thống tạm quyền, ông Hwang Kyo-ahn đã xem đảm bảo an ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu. Ông kêu gọi Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc duy trì một thế trận an ninh vững chắc nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên. Có một điểm đáng chú ý: kể từ khi vụ bê bối chính trị ở Hàn Quốc vỡ lở vào tháng 10, Triều Tiên không thực hiện bất kỳ mối đe dọa quân sự đối với Hàn Quốc. Bruce Bechtol, tác giả của rất nhiều cuốn sách viết về các lãnh đạo và quân sự của Triều Tiên, nói rằng sự im lặng của Bình Nhưỡng thật sự ngạc nhiên. Nhưng ông Bechtol tin rằng Triều Tiên đang chờ thời điểm, có thể là khoảng thời gian xung quanh lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ để khiêu khích Hàn Quốc và gửi một thông điệp tới Washington.
Chuyên gia James Kim của Viện nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul thì lại cho rằng vấn đề an ninh sẽ khó có thể trở thành một thách thức lớn đối với chính phủ lâm thời chừng nào Triều Tiên còn “án binh bất động”. Giải quyết vấn đề kinh tế, theo chuyên gia Kim, mới là vấn đề cần được ưu tiên. Trước khi vụ bê bối chính trị bị phanh phui, Tổng thống Park Geun-hye đã phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích về chính sách kinh tế của bà. Shin Se-don, giáo sư kinh tế tại ĐH Nữ sinh Sookmyung, người từng dạy Tổng thống Hàn Quốc, tóm tắt chính sách kinh tế của bà Park Geun-hye trong 3 cụm từ: không có mục đích, tàn nhẫn và không kết quả. “Tăng trưởng kinh tế hiện nay tồi tệ hơn bất kỳ giai đoạn nào khác trong lịch sử kinh tế hiện đại của Hàn Quốc”, giáo sư Shin Se-don nói. Thêm nữa, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ vừa qua tăng mức lãi suất chủ chốt cũng sẽ là một yếu tố khiến thị trường tài chính của Hàn Quốc có thể biến động mạnh.
Dù nhiều nhà đầu tư hiện quan ngại với tình hình chính trị bất ổn của Hàn Quốc, công ty xếp hạng tín dụng Fitch Ratings không cho rằng cuộc khủng hoảng sẽ tác động đến hoạt động kinh tế của xứ kim chi trong dài hạn. Đây có thể được xem là một tín hiệu tích cực, phần nào giúp quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn cùng các cộng sự của mình thêm tự tin, chèo chống đưa con thuyền Hàn Quốc vượt qua cơn sóng cả.
ĐỖ CAO