Từ một nước xuất khẩu dược liệu vào những thập niên 1960 - 1970, hiện Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn nguyên dược liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc chữa bệnh tới 85%, thậm chí cả đông y cũng phải mua dược liệu. Các loài dược liệu quý đang bị khai thác cạn kiệt và “chết dần”… Đó là những nhức nhối được mổ xẻ tại hội nghị “Phát triển dược liệu và sản phẩm thuốc quốc gia” diễn ra ngày 30-5 tại Bình Dương dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.
Cạn kiệt do khai thác vô tội vạ
TS Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, nguồn dược liệu của nước ta rất đa dạng và phong phú, được sử dụng phổ biến. Từ những năm 1990, Tổ chức Y tế thế giới đã giới thiệu 200 loại dược liệu quý tại Việt Nam. Thế nhưng, tỷ lệ sử dụng thuốc từ dược liệu của nước ta chỉ đạt 50%, trong khi Trung Quốc tới 90%. Hiện chỉ mới có 10/100 cơ sở có dây chuyền sản xuất thuốc từ dược liệu đạt chuẩn sản xuất thuốc tốt (GMP).
Về mặt quản lý, theo TS Quang dược liệu chủ yếu được buôn bán theo hộ kinh doanh cá thể, tự phát, không đủ điều kiện bảo quản, tiêu chuẩn vệ sinh. Đồng thời, không ít dược liệu được nhập lậu từ Trung Quốc nên không quản lý nguồn gốc, chất lượng. Gần như thị trường dược liệu ở nước ta đều phụ thuộc vào nước ngoài. Tình trạng khai thác đến mức cạn kiệt đang làm tiệt chủng nguồn dược liệu.
TS Quang dẫn chứng, cách nay vài năm, khi cây vàng đắng ở Phước Long, Bình Phước được phát hiện có giá trị làm thuốc chữa bệnh thì người dân đổ xô đi đào, chặt. Và đến nay gần như không còn cây vàng đắng.
Nhìn nhận nguồn dược liệu trong nước đã và đang bị đe dọa cho vào “sách đỏ”, ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT bình luận, nguồn cây thuốc vẫn bị khai thác vô tội vạ từ rừng tự nhiên. Nhiều loài thuộc các chi và các loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam muốn gây trồng và phát triển làm dược liệu nhưng không kiếm được giống…
Ông Nguyễn Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex bức xúc vì muốn sản xuất thuốc với giá rẻ nhưng tìm dược liệu trong nước… đỏ cả mắt. Ông Hùng tiếc nuối khi nói cây thông đỏ có giá trị dược liệu rất lớn, thậm chí lên tới vài triệu USD/kg tinh dầu nhưng đến nay đã bị săn lùng khai thác đến gần hết.
“Hai năm trước đây, khi dư luận phát hiện một vùng thông đỏ còn sống sót tại Lâm Đồng, thì sau 1 tháng phát hiện đã bị bới tận gốc. Giờ muốn phát triển lại cũng khó”, ông Hùng trăn trở.
Có tiềm năng nhưng... ngồi nhìn!?
Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam đã thống kê được trên 3.000 loài cây trong rừng tự nhiên có thể sử dụng làm thuốc. Không chỉ một số cây dược liệu chữa được bệnh thông thường mà hiện nay đã được nghiên cứu, phát triển thành những loại thuốc có tác dụng chữa các bệnh nan y như thuốc Kim Tiền Thảo chữa sỏi thận của Công ty cổ phần Dược phẩm OPC (TPHCM), thuốc Crila chiết xuất từ cây Trinh Nữ Hoàng Cung do TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm nghiên cứu chữa bệnh u xơ tử cung…
Theo ông Bùi Bá Bổng, với hệ sinh thái nhiệt đới, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về dược liệu như quế, hồi, sa nhân, thảo quả, ba kích, thanh hao hoa vàng… Ông Bổng nói riêng cây hồi là cây lâm đặc sản nhóm tinh dầu có giá trị xuất khẩu cao, được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn… đem lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.
Theo ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hóa dược phẩm Việt Nam (VCP), hoa hồi chiết xuất ra acid Shikimic để tổng hợp sản xuất thuốc Tamiflu chống cúm A/H1N1 và A/H5N1. Hiện VCP đã sản xuất được 200 tấn acid Shikimic/năm và đem lại giá trị kinh tế cao. “Vậy nhưng hiện vẫn chưa có những chiến lược phát triển cây hồi lâu dài, nên người dân nuôi trồng manh mún và bán cho Trung Quốc. Quả là thiệt đơn, thiệt kép” - ông Dũng nói.
Hay như bà Nguyễn Thị Ven, Giám đốc Sở Y tế Kon Tum, cho biết cây sâm Ngọc Linh phân bố ở Quảng Nam, Kon Tum có giá trị bồi bổ, chữa bệnh tốt, có tiềm năng để gây trồng. Nhưng đến nay vẫn chưa thể phát triển được các vùng dược liệu sâm Ngọc Linh!
Nhiều đại biểu Viện Dược liệu Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương đều nhìn nhận Việt Nam có tiềm năng lớn về dược liệu. Song làm gì để phát triển phục vụ nhu cầu sản xuất thuốc trong nước, hạn chế nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu? Quy hoạch các vùng trồng dược liệu quý; có chính sách khuyến khích nông dân nuôi trồng dược liệu; tạo ra thị trường tiêu thụ dược liệu tốt; nghiên cứu và phát triển các loại thuốc từ dược liệu… đã được đưa ra.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phát triển dược liệu mà không song hành phát triển dược phẩm thì cũng như không. Việc nguồn dược liệu chưa phát triển, một phần do mục tiêu chưa rõ ràng, chưa ai chịu trách nhiệm. “Địa phương không quan tâm, nông dân trồng mà không tiêu thụ được thì bỏ” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT tiếp tục điều tra các nguồn dược liệu trong nước, tính toán tiềm năng, quy hoạch nuôi trồng. Giao Bộ Y tế làm đầu mối tổng kết, thông tin, quản lý dược liệu, phối hợp với các địa phương bảo tồn, phát triển, xây dựng hồ sơ dữ liệu về các loài dược liệu quý.
“Địa phương thấy dược liệu nào có tiềm năng, mang lại thu nhập thì bảo tồn, nuôi trồng, nhưng phải gắn kết nông dân với doanh nghiệp, phải dự toán quy mô và đưa sâm Ngọc Linh, hồi và Trinh Nữ Hoàng Cung vào sản phẩm thuốc quốc gia”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Tường Lâm