Chết dần vì hóa chất độc hại

Hãi hùng phụ gia, hương liệu
Chết dần vì hóa chất độc hại

Bài 1: Hãi hùng phụ gia, hương liệu

Thông tin sa tế có xuất xứ từ Tứ Xuyên (Trung Quốc) dùng cho món lẩu nóng sốt trở nên bắt mắt và ngon miệng có thể gây ung thư đang khiến không ít người ghiền món lẩu hoang mang. Sự thật, lâu nay không chỉ món lẩu mà nhiều thực phẩm khác cũng được người chế biến lạm dụng hóa chất, phụ gia khiến nguy cơ gây ung thư và mắc các bệnh tật khác rất cao. Trong vai một người đang mở quán nhậu, chúng tôi đã thâm nhập thực tế và nhận ra rằng phụ gia hóa chất đang được bán như... rau tại TPHCM.

 

Mê hồn trận hóa chất phụ gia
 
Vừa dừng chân trước sạp hàng ngay góc đường Vạn Tượng của chợ Kim Biên (quận 5), chúng tôi hoa cả mắt bởi vô vàn lọ, bình, bịch ni lông đựng đầy các loại hóa chất, nào hàn the, formon, chất tẩy trắng, phẩm màu, chất tạo bọt cà phê…

Một cô bán hàng dáng đẫy đà chào mời: “Mấy anh mua phụ gia gì, chỗ em đây có đủ. Muốn dùng trong công nghiệp hay thực phẩm, bao nhiêu cũng có”. Vẻ ngơ ngác vì lần đầu mở quán nhậu và muốn tìm một số phụ gia làm giòn, dai cho thịt gà, dê và các loại lòng động vật, cô bán hàng đưa ra một can nhựa trắng 5 lít, đon đả: “Đây, chỉ cần cho một muỗng vào là giòn hết”.

Cầm cái can lên quan sát, chúng tôi chỉ thấy một màu đục nhờ nhờ và mỗi mảnh giấy bé bằng nửa bàn tay được viết nguệch ngoạc dán bên ngoài: “Chất làm giòn, dai”. Mở nắp ra và ngửi, một mùi hăng hắc xộc xuống cổ họng khiến buồn nôn. Lấy cớ mới mở quán ăn nên thử nghiệm, chúng tôi mua 100ml và được tính tới 50.000 đồng.

Hương liệu hóa chất được bày bán tràn lan tại chợ Kim Biên quận 5.

Hương liệu hóa chất được bày bán tràn lan tại chợ Kim Biên quận 5.

Ghé qua một sạp hàng khác kế bên, hàng đống hóa chất được bày la liệt dưới nền đất và hàng dài lọ, bình hương liệu đựng trên kệ. Bảng hiệu của cửa hàng là chuyên phụ gia công nghiệp nhưng bày bán rất nhiều hương liệu thực phẩm như hương sôcôla, hương thịt bò, hương thịt heo... Than thở vì mở quán bún bò mấy tháng nay mà ế ẩm khách, bà chủ cửa hàng nói chắc nịch: “Chắc mấy chú chưa biết nấu rồi. Người ta nấu xương bò thì ít mà cho phụ gia thì nhiều. Cả phở cũng vậy chú ơi. Có thế mới dậy mùi bò, thơm mà ngọt miệng”.

Nói rồi, bà ta xách ra một bình nhựa chừng 1 lít có ghi 3 chữ “Hương thịt bò” và tỉ tê: “Nói thiệt, mỗi tuần tui bán không dưới 50 lít hương vị này. Mấy quán bún bò, phở tới đây mua nhiều lắm. Khách quen, nếu cần, tui cho người mang đến tận nơi”.Với 250.000 đồng/chai 1 lít, bà chủ cho biết sẽ nấu được 100 nồi bún bò hoặc phở to tướng. Tính ra, mỗi nồi bún, phở bò chỉ cần nêm nếm chừng 2.000 đồng hóa chất phụ gia hương vị là thơm phức. Lợi gấp bộn lần mua vài ký xương bò về hầm!

Dầu đánh bàn ghế thành... gạch cua

Qua chợ Bình Tây (Q6), nhiều sạp hàng bán gia vị thực phẩm cũng rất niềm nở khi chúng tôi hỏi mua bột màu gia vị nấu bò kho, phở, cà ri, lẩu... và cho biết muốn mua bao nhiêu cũng có.

Tại sạp C.T., cô bán hàng đưa ra 2 bịch to đùng đầy các loại gia vị được cho vào các túi ni lông khoảng 15-20gram buộc bằng dây thun. Trong đó có một loại gia vị nấu súp của cơ sở K.N. với thành phần được ghi trên nhãn là đại hồi, thảo quả, bột đinh hương, tiểu hồi, ngò hột, cam thảo, trần bì và quế. Một loại khác là vị nấu súp phở của hãng N.A. cũng với các thành phần tương tự nói trên. Tuy nhiên, khi mở gói gia vị ra xem, chúng tôi có cảm giác như có mùi ẩm mốc lâu ngày và trông rất mất vệ sinh...

Đặc biệt, trước dư luận lo lắng về sa tế nấu lẩu có xuất xứ từ Trung Quốc có thể gây ung thư, chúng tôi hỏi mua thì các chủ sạp đều nháy mắt nhau bảo “hết hàng”. Tuy nhiên, những loại sa tế, phụ gia nấu lẩu như lẩu thái, lẩu chua có xuất xứ Việt Nam với “3 không”: không nhãn mác, không nguồn gốc, không thành phần chất lượng thì nhan nhản.
 
Nghe mấy cô bán bún riêu kháo nhau về gạch cua được nấu bằng phụ gia, trong vai người nội trợ, chúng tôi lại lân la đến chợ Kim Biên (Q5). Hỏi anh giữ xe chỗ nào bán gia vị nấu bún riêu, bò kho, anh ta cười giả lả: “Đầy chợ, muốn mua bao nhiêu cũng có”. Nói rồi, anh ta chỉ đến cổng số 5 là nơi “quy hoạch” hàng loạt sạp hàng bán hương liệu, gia vị, phẩm màu như sạp Ngã Năm, sạp Xuyến, Châu Phát, Cô Tám, Vạn Lợi...

Tại sạp C.P., bà chủ sạp liến thoáng giới thiệu: “Chỉ cần cho một muỗng thôi là nồi nước lèo thơm phức mùi cua, ngọt lừ”. Bà lấy ra một bình nhựa khoảng 250ml đề xuất xứ Singapore nhưng không hề có hạn sử dụng và nhà nhập khẩu, phân phối.  Ở quầy đối diện, một thanh niên đang chiết xuất một loại bột màu đỏ từ bao lớn ra từng bịch ni lông nhỏ khoảng 0,5gram. Khi được hỏi là bột gì, bà chủ sạp nói là phẩm màu công nghiệp dùng cho sơn, dầu đánh bàn ghế...

“Thế có dùng cho thực phẩm được không chị?”, chúng tôi hỏi. Bà chủ nói ngay: “Vô tư đi. Nhiều người mua về nấu bún riêu thì hết ý. Nếu mua màu thực phẩm thì 300.000-400.000 đồng/kg nhưng mua loại này chỉ 50.000 đồng thôi. Chỉ một chút chấm vào đầu đũa là cả một nồi bún riêu nổi váng gạch cua liền”.

Tại sạp C.T. ở chợ Bình Tây, cô bán hàng cũng đưa ra nhiều bịch bột màu đỏ và giới thiệu gia vị nấu bún riêu được rất nhiều hàng bán bún riêu, bún bò sử dụng. Theo cô bán hàng này, để nồi bún riêu có màu đẹp như gạch cua, cọng bún có màu gạch thì dùng đũa chấm một chấm bột rồi hòa vào nồi nước. “Ở chợ này còn nhiều loại gia vị lắm, loại gì cũng có. Mấy chú cần gì cứ đến tìm tui”, cô ta nói.

Minh họa: A.DŨNG

Minh họa: A.DŨNG

TƯỜNG LÂM

Kiểm tra gia vị, sa tế lẩu gây ung thư

Ngày 26-12, Thanh tra Sở Y tế TPHCM tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP sau khi dư luận hoang mang về thông tin loại gia vị lẩu Tứ Xuyên (Trung Quốc) bị phát hiện có chất gây ung thư.
 
Trước đó, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM cũng đã kiểm tra tại một số chợ trên địa bàn TPHCM. Dù chưa phát hiện ra sản phẩm gia vị lẩu tứ xuyên bị cho là có chứa chất gây ung thư nhưng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM đã đề nghị ban quản lý các chợ thông báo yêu cầu các hộ kinh doanh không buôn bán mặt hàng gia vị lẩu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

T.ĐẠT


Bài 2: Hiểm họa rình rập

Dù không gây ngộ độc cấp tính dẫn đến chết người tức thì nhưng các chuyên gia y tế vẫn cảnh báo những loại hóa chất, phụ gia độc hại ngâm tẩm hoặc cho vào trong thực phẩm đang gặm nhấm sức khỏe người sử dụng. Các loại bệnh tật, nhất là ung thư, có xu hướng tăng cao cũng một phần có nguyên nhân từ các loại hóa chất, phụ gia. Điều đáng nói, nhiều loại hóa chất có thể để lại di chứng cho các thế hệ con cháu.

Nhiều loại trái cây sấy khô, mứt có xuất xứ Trung Quốc bán tràn lan tại chợ Bình Tây, TPHCM. Ảnh: Tg.Lâm

Nhiều loại trái cây sấy khô, mứt có xuất xứ Trung Quốc bán tràn lan tại chợ Bình Tây, TPHCM. Ảnh: Tg.Lâm

Tràn lan mứt, hạt sấy khô gây ung thư

Những ngày giáp tết, nhiều cơ sở sản xuất mứt, hạt khô, chả giò, lạp xưởng vào mùa. Tại các chợ đầu mối cũng đang rộn ràng bày bán các loại hàng hóa trên. Một loạt cửa hàng ở tầng trệt chợ Bình Tây (quận 6) bày bán đủ loại nho, nhãn sấy, táo khô, xí muội… đựng trong các bịch ni lông hoặc trong các bao giấy để bán cho khách. Còn quả sấy khô được bày la liệt, ruồi nhặng bu đầy. Một số loại quả sấy khô được cho vào bao ni lông với nhãn hiệu như Songxingliangguoxilie, Waganguoxilie… với hàng loạt chữ Trung Quốc.

Chị L., chủ một sạp hàng, cho biết hầu hết các loại xí muội, mứt, quả sấy khô được đem từ Hà Nội vào và không có bao bì nhãn mác rõ ràng. Trong đó, xí muội không hạt là nhiều nhất nhưng đến cả người buôn bán lâu năm như chị cũng không biết là quả gì. Tại các chợ Bến Thành, An Đông, Kim Biên, có đa dạng các loại quả sấy khô, mứt, xí muội và chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc mà không có nhãn mác rõ ràng. Theo những người bán hàng, hàng Trung Quốc có màu sắc bắt mắt, có vị chua ngọt vừa phải nên nhiều người thích dùng. Tuy nhiên, theo chủ cửa hàng, họ chỉ biết bán chứ không hề biết loại thực phẩm trên có được kiểm dịch, chứng nhận hay không.

Cách nay chưa lâu, qua kiểm tra mặt hàng hạt dưa và lấy mẫu kiểm nghiệm trên thị trường, Thanh tra Sở Y tế TPHCM phát hiện một số mẫu hạt dưa nhuộm phẩm màu có chất gây ung thư. Mẫu hạt dưa của một hộ kinh doanh ở quận 6 có chất phẩm màu Rhodamine B với hàm lượng 1,19mg/kg. Đây là chất dùng trong công nghiệp dệt, tuyệt đối cấm dùng trong thực phẩm và thuốc, nếu sử dụng lâu dài có thể gây ung thư. Qua kiểm tra cơ sở sản xuất ớt bột K.N. ở quận Bình Tân, Thanh tra Sở Y tế đã lấy mẫu kiểm nghiệm và kết quả là trong ớt bột cũng có chất Rhodamine B…

Mặt khác, mẫu kiểm nghiệm xí muội, quả khô, mứt mà ngành y tế TPHCM thực hiện cũng cho thấy có chứa hàm lượng chì vượt quá giới hạn cho phép, có chất tạo ngọt Cyclamate bị cấm sử dụng. Một con số mà Thanh tra Sở Y tế TPHCM vừa công bố cho thấy trong 6 mẫu quả khô, xí muội, mứt khô đã lấy tại 3 hộ kinh doanh ở chợ Bình Tây, có 5/6 mẫu không đạt chỉ tiêu về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (có hàm lượng chì vượt quá giới hạn cho phép, hàm lượng chất tạo ngọt Cyclamate là phụ gia không được phép sử dụng).

Chết dần chết mòn

Yêu cầu đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm

“…trước khi sử dụng một phụ gia thực phẩm cần chú ý xem xét: Chất phụ gia đó có nằm trong “Danh mục” hay không; chất phụ gia đó có được sử dụng với loại thực phẩm mà cơ sở định sử dụng hay không; giới hạn tối đa cho phép của chất phụ gia đối với thực phẩm là bao nhiêu (mg/kg hoặc mg/lít); phụ gia đó có phải dùng cho thực phẩm hay không; có đảm bảo các quy định về chất lượng vệ sinh an toàn, bao gói, nhãn ghi theo quy định hiện hành hay không”.

Nguồn: Bộ Y tế

Từ thực tế đáng ngại trên, trong các cuộc luận bàn về vệ sinh an toàn thực phẩm mới đây, BS Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng (Bộ Y tế), không khỏi băn khoăn: “Hiện nay người ta mua hóa chất phụ gia còn dễ hơn mua kẹo và sử dụng vô tội vạ”. BS Mai quan ngại, việc lạm dụng hóa chất phụ gia đang đầu độc sức khỏe người sử dụng.

Còn BS Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cảnh báo: “Họ chỉ biết thu lợi nhuận bằng cách chế biến cho bắt mắt, cho ngon thơm để lôi kéo khách hàng mà không biết rằng những hóa chất phụ gia đó có thể làm thực khách có nguy cơ mắc bệnh”. Theo BS Hải, hóa chất phụ gia thực phẩm không được sử dụng như một thành phần của thực phẩm và chỉ được tồn tại trong thực phẩm với một giới hạn cho phép đã được quy định. Nếu sử dụng không đúng liều lượng, chủng loại, nhất là những phụ gia công nghiệp không cho phép dùng trong thực phẩm sẽ gây những tác hại ghê gớm cho sức khỏe.

Trong các loại phụ gia độc hại, chì là một trong những hiểm họa khiến tỷ lệ người sử dụng thực phẩm bị mắc bệnh cao. Theo các chuyên gia thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TPHCM, các loại trái cây nhiễm chì có thể xuất phát từ việc trồng trọt và chăm bón. Đó là đất trồng cây hoặc trong phân bón có nhiễm chì. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất, chế biến cũng có khả năng nhiễm chì như các thiết bị kim loại trong chế biến bị nhiễm chì và tan ra trong quá trình vận hành gây nhiễm thực phẩm.

BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, cho rằng ăn phải thực phẩm nhiễm chì sẽ gây nên hội chứng nhiễm độc chì và nhiều khả năng gây nên các bệnh lý về thận, máu, xương, phổi... Một số chuyên gia y tế cũng cho rằng ăn các thực phẩm nhiễm chì có thể gây tổn thương gan, thận, não và dẫn tới tử vong, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em. Theo đánh giá của Trung tâm Sức khỏe và Môi trường lao động TPHCM, tỷ lệ mắc bệnh về não do nhiễm độc chì ở trẻ em là 50%, tỷ lệ di chứng thần kinh là 30%. Nhiều trẻ không có triệu chứng lâm sàng của nhiễm độc chì nhưng sau đó lại bị di chứng thần kinh.

Thế nhưng, hiện nay công tác quản lý hóa chất phụ gia còn không ít bất cập. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM cho biết, những loại gia vị có dùng hóa chất phụ gia thường được làm thủ công, không rõ thành phần và xuất xứ. Các chủ cơ sở đăng ký công bố chỉ tiêu chất lượng các loại gia vị mà đưa tràn lan ra thị trường. Ông Hòa cũng lo lắng khi một số loại gia vị, phẩm màu công nghiệp độc hại vẫn được các cá nhân, cửa hàng mua về chế biến thức ăn, nhất là các loại thức ăn đường phố...

Tuy nhiên, theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, hóa chất phụ gia thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, ngành y tế địa phương chỉ được ủy quyền nếu bộ thấy cần thiết. Đối với TPHCM, qua sự ủy quyền của Bộ Y tế, đã tiến hành được một số biện pháp kiểm soát nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Sở Y tế đã đề nghị UBND quận 5 sắp xếp lại chợ Kim Biên, tách riêng những cơ sở chuyên kinh doanh hóa chất thực phẩm và hóa chất công nghiệp để dễ dàng quản lý; cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở đủ điều kiện... Song thực tế, hóa chất phụ gia thực phẩm vẫn được bày bán lẫn lộn với nhiều mặt hàng khác.

Một thực tế nữa, theo Sở Công nghiệp TPHCM, đa phần người tiêu dùng, người chế biến kinh doanh thực phẩm vẫn chưa phân biệt được hóa chất phụ gia thực phẩm với hóa chất công nghiệp độc hại nên cứ sử dụng vô tội vạ. Mặt khác, theo ý kiến của nhiều chuyên gia y tế, việc quản lý hóa chất phụ gia thực phẩm trên quầy sạp chỉ là… chuyện đã rồi! Cái quan trọng là kiểm soát ngay từ đầu vào. Hiện các biện pháp nhập khẩu, nhập lậu hóa chất phụ gia nằm ngoài danh mục cho phép vẫn chưa được áp đặt cứng rắn.

Tường Lâm


Phản hồi loạt bài “Chết dần vì hóa chất phụ gia độc hại”: Chưa thể chủ động ngăn ngừa

Ngay sau khi Báo SGGP liên tiếp phản ánh tình trạng sử dụng, buôn bán hóa chất, phụ gia tràn lan (đăng ngày 27, 28-12), dư luận tỏ ra bức xúc trước cung cách quản lý kém cỏi của cơ quan chức năng, cũng như lương tâm của các nhà sản xuất, chế biến thực phẩm. Để nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo hơn, SGGP đã ghi nhận ý kiến từ chuyên gia và nhà quản lý.

Phụ gia được bày bán tràn lan tại chợ Kim Biên quận 5 TPHCM.

Phụ gia được bày bán tràn lan tại chợ Kim Biên quận 5 TPHCM.

  • BS TRẦN VĂN KÝ, Hội Khoa học kỹ thuật thực phẩm Việt Nam: Hàm lượng phụ gia, hóa chất quá cao

Nhà sản xuất, chế biến sử dụng phụ gia, hóa chất trong thực phẩm với nguyên tắc đầu tiên phải rẻ nhưng đạt mục đích. Đó là làm cho thực phẩm không bị hư hỏng, thối rữa, giữ được lâu, bắt mắt và ăn có cảm giác ngon hơn. Trong khi hầu hết các loại thực phẩm hiện vẫn được chế biến theo kiểu thủ công, nên khi trộn phụ gia, hóa chất thì có chỗ ít, chỗ nhiều. Chỗ ít thì hay hư hỏng nên để chắc ăn họ cho thêm vào. Mặt khác, gần như suy nghĩ chung của những người chế biến thực phẩm là cứ cho phụ gia, hóa chất nhiều thì đảm bảo thực phẩm như ý muốn, mà không hề có đong đếm một tỷ lệ nào cả. Vì vậy, thường hàm lượng phụ gia, hóa chất trong thực phẩm quá cao. Còn cơ quan chức năng không thể kiểm soát được.

Lâu nay cơ quan chức năng kiểm tra hóa lý cơ bản chứ chưa kiểm tra thành phần hóa chất phụ gia trong thực phẩm. Quy định khi phát hiện phụ gia, hóa chất vượt mức cho phép phải tiêu hủy sản phẩm, xử lý cơ sở chế biến nhưng thực tế chưa thấy có trường hợp nào bị xử lý! Không kiểm soát được, nhà quản lý đổ thừa cho buôn bán tràn lan, người sử dụng vô lương tâm. Thực ra, Bộ Y tế đã có quy định về danh mục hóa chất, phụ gia, những loại nào được phép sử dụng, tỷ lệ bao nhiêu là phù hợp, nhưng xem ra cơ sở kinh doanh hóa chất phụ gia vẫn bán buôn bừa bãi, người mua sử dụng cũng không phân biệt được. Dù sao, trách nhiệm chính cũng thuộc về nhà sản xuất, chế biến thực phẩm.

  • Ông HUỲNH LÊ THÁI HÒA, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM: “Tội đồ” là nhà sản xuất, chế biến

Trước dư luận phản ánh sa tế độc hại, hóa chất phụ gia sử dụng tràn lan, mấy ngày qua Sở Y tế TPHCM đã cử nhiều đoàn thanh, kiểm tra các nhà hàng bán lẩu, các cửa hàng bán mứt, hạt sấy ở các chợ. Ngoài kiểm tra nguồn gốc, nhãn mác, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cũng lấy mẫu để kiểm nghiệm các thành phần hóa chất, phụ gia. Nếu phát hiện hóa chất nào độc hại thì đưa vào tiêu chí thanh, kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, thực tế chưa chủ động ngăn ngừa được. Gần như lâu nay chúng ta chỉ tiếp nhận cảnh báo từ các nước rồi mới vào cuộc như vụ sữa có melamine, 3-MCPD trong nước tương… Hiện nay như trái cây Trung Quốc có sử dụng hóa chất gì bảo quản hay không để chỉ định kiểm nghiệm cũng không biết được.

Riêng hóa chất phụ gia, chúng tôi đã kiến nghị xem loại hình kinh doanh này là ngành nghề có điều kiện đặc biệt. Việc kinh doanh phụ gia hóa chất phải tách biệt với các loại hàng hóa khác, người bán phụ gia hóa chất phải có năng lực trình độ hướng dẫn người sử dụng… nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến phản hồi. Có 2 vấn đề đặt ra là cố tình kinh doanh vì lợi nhuận bất chấp sức khỏe người ăn hoặc người sử dụng không có kiến thức sử dụng hóa chất, phụ gia. Ngoài tập huấn, cấp phép, trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng là thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện xử lý nghiêm.

Tường Lâm (ghi)

Tin cùng chuyên mục