Chỉ 3% doanh nghiệp báo cáo thưởng tết - Nơi có nơi không, chênh nhau quá lớn

Chiều 23-1, tại Hà Nội, Bộ LĐTB-XH đã tổ chức cuộc họp công bố báo cáo tổng hợp chung về tình hình tiền lương năm 2012 và tiền thưởng tết năm 2013 của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên cả nước, đồng thời tổng kết, trao giải cuộc thi bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu năm 2012 của Bộ LĐTB-XH.
Chỉ 3% doanh nghiệp báo cáo thưởng tết - Nơi có nơi không, chênh nhau quá lớn

Chiều 23-1, tại Hà Nội, Bộ LĐTB-XH đã tổ chức cuộc họp công bố báo cáo tổng hợp chung về tình hình tiền lương năm 2012 và tiền thưởng tết năm 2013 của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên cả nước, đồng thời tổng kết, trao giải cuộc thi bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu năm 2012 của Bộ LĐTB-XH.

Theo báo cáo, lương, thưởng đều tăng

Tại cuộc họp, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương (Bộ LĐTB-XH) cho biết, từ kết quả điều tra mức lương của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2012 thì mức tiền lương bình quân của người lao động ước đạt 4,3 triệu đồng/tháng (tăng 12% so với năm 2011). Trong đó, các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu ước đạt 5,8 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước ước đạt 5,5 triệu đồng, các doanh nghiệp FDI là 3,8 triệu đồng, còn doanh nghiệp dân doanh chỉ đạt 3,6 triệu đồng/tháng.

Các doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử tăng cường sản xuất và xuất khẩu, chăm lo đời sống công nhân. Ảnh: CAO THĂNG

Các doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử tăng cường sản xuất và xuất khẩu, chăm lo đời sống công nhân. Ảnh: CAO THĂNG

Theo Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương, điều đáng chú ý là gần đây tốc độ tăng lương của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI (khu vực vẫn được coi là có mức lương cao) lại đang có xu hướng chậm lại so với trước. “Nhìn tổng quát, tiền lương danh nghĩa mà các doanh nghiệp FDI trả cho lao động vẫn tăng nhưng do trượt giá nên tiền lương thực tế ở khối này lại giảm”- bà Minh nhận xét.
 
Còn về vấn đề đang được nhiều người lao động quan tâm hiện nay khi Tết Quý Tỵ đã cận kề là mức thưởng tết của các doanh nghiệp, Vụ trưởng Tống Thị Minh khẳng định, năm nay mức tiền thưởng Tết Dương lịch bình quân của các doanh nghiệp là 1,1 triệu đồng, nếu so với năm 2012 vẫn tăng 18%. Trong đó, mức thưởng tết cao nhất là dành cho một cá nhân của một doanh nghiệp FDI ở TPHCM với khoảng 624,2 triệu đồng (cao hơn rất nhiều so với năm trước). Ngược lại, trong các doanh nghiệp gửi báo cáo về Bộ LĐTB-XH, có một số doanh nghiệp khẳng định do khó khăn nên không thưởng Tết Dương lịch mà chỉ thưởng Tết Âm lịch cho người lao động.
 
Cụ thể về thưởng Tết Âm lịch, mức thưởng bình quân năm nay theo như kế hoạch của các doanh nghiệp sẽ là 3,5 triệu đồng/người, vẫn tăng khoảng 8,7% so với năm trước. Theo bà Minh, người có mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất cũng vẫn là một doanh nghiệp thuộc khối FDI tại tỉnh Đồng Nai (chứ không phải TPHCM, mặc dù về thưởng Tết Dương lịch thì TPHCM cao nhất) với 650 triệu đồng.
 
Chưa phản ánh đúng thực tế

Mặc dù đưa ra những thông tin có vẻ phấn khởi như vậy, song Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương thừa nhận, những con số về lương, thưởng tết đưa ra do chưa đầy đủ nên chưa phản ánh được đúng thực tế “bức tranh” lương, thưởng cuối năm. “Đây là báo cáo được tổng hợp từ báo cáo của 11.678 doanh nghiệp trong cả nước gửi về cơ quan quản lý lao động của địa phương và Bộ LĐTB-XH, nếu so với tổng số doanh nghiệp hiện có trong cả nước thì số báo cáo về tiền lương và thưởng tết chỉ chiếm có 3%”- bà Minh chia sẻ. Trong đó, đa số doanh nghiệp báo cáo là những doanh nghiệp lớn, có từ 200 lao động trở lên. Trong khi theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chiếm tỷ lệ phổ biến trong các loại hình doanh nghiệp hiện nay lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ, với mức bình quân 30-35 lao động.

Tính ra, mới có khoảng hơn 2,2 triệu lao động (chiếm 16%) trong các doanh nghiệp có báo cáo tiền thưởng tết. Bà Minh cũng thừa nhận một thực tế, mức thưởng bình quân chỉ 3,5 triệu đồng, trong khi mức cao nhất lên tới hơn nửa tỷ đồng, tức là có nhiều doanh nghiệp chỉ thưởng cho người lao động vài chục ngàn đồng, thậm chí thay bằng hiện vật để đón tết.
 

Ảnh: A.DŨNG

Ảnh: A.DŨNG

Nguyên nhân năm nay các doanh nghiệp chậm báo cáo hoặc không có tiền thưởng tết là do kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ giải thể, ngừng hoạt động, phá sản. Tuy nhiên, bà Tống Thị Minh cho rằng, do thưởng tết là văn hóa của người Á Đông, nên Bộ LĐTB-XH đề nghị các doanh nghiệp thu xếp, cố gắng chăm lo tết cho người lao động. Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH cũng vừa có công điện gửi UBND các tỉnh yêu cầu chủ doanh nghiệp phối hợp với công đoàn cơ sở có phương án hỗ trợ người lao động trong dịp tết. Tiếp tục nắm tình hình nợ lương, nợ tiền tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động, yêu cầu các chủ doanh nghiệp phải có nguồn kinh phí chi trả tiền lương, trợ cấp và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thực hiện việc tạm ứng ngân sách địa phương để trả cho người lao động tại các doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn và bị nợ lương mà không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc, vận động các doanh nghiệp quan tâm, thưởng tết cho người lao động” - bà Minh nói.

Sau 2 tháng phát động, chiều 23-1, Bộ LĐTB-XH đã tổ chức lễ trao giải cho 5 cá nhân đã trúng giải tại cuộc thi bình chọn trực tuyến 10 sự kiện của ngành lao động xã hội năm 2012. Theo đó, giải nhất là chị Dương Hồng Quế, ở Khâm Thiên (Hà Nội) trị giá 10 triệu đồng. Cuộc thi đã thu hút 360.000 lượt người quan tâm và hơn 10.000 lượt bình chọn.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục