* Kiểm tra 6 mẫu từ nhà nuôi yến đều không nhiễm H5N1
Ngày 18-4, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đã làm việc với các sở, ngành hữu quan về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP. Báo cáo cho thấy các đơn vị đều có sự chủ động trong phòng, chống dịch bệnh. Các bệnh truyền nhiễm - đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng - được tập trung kiểm soát, không để bệnh lây lan và đều giảm được số ca tử vong. Trước tình hình bệnh cúm xảy ra trên chim yến tại Ninh Thuận, Chi cục Thú y đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu toàn bộ nhà nuôi chim yến (hơn 300 nhà) tại TPHCM, đến nay các mẫu xét nghiệm đều âm tính với virus cúm gia cầm…
Tuy nhiên, trên địa bàn TPHCM vẫn còn những tồn tại có thể trở thành nguy cơ gây dịch bệnh. Đó là tình trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép ngày càng phức tạp và gia tăng. Ngoài 78 điểm nóng - tập trung nhiều ở các huyện và quận ven - thì còn xuất hiện các điểm bán “cơ động” bằng xe máy trên đường phố. Trong hơn 300 nhà nuôi chim yến chỉ có 10 nhà ở huyện Cần Giờ được cấp phép. Việc kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm gặp khó khăn do chủ nhà nuôi chim yến thường lánh mặt. Các nhà hàng, quán ăn tuy có món tiết canh trong thực đơn nhưng kiểm tra khó tìm thấy gia cầm sống, do được gửi ở chỗ khác.
Việc xử lý vi phạm chưa được thực hiện triệt để. Sở NN-PTNT cho biết đã gửi danh sách các xe mang biển số TP vận chuyển gia cầm sống trái phép qua Sở GTVT đề nghị xử lý nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. 78 điểm nóng về kinh doanh gia cầm sống trái phép hoạt động đã lâu nhưng chính quyền địa phương không giải quyết dứt điểm. Tình hình chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ ở các hộ dân còn khá phổ biến…
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động hơn nữa để triển khai thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống dịch cúm A của UBNDTP. Về các vấn đề tồn tại, đồng chí cho biết sẽ làm việc với chính quyền TP để có những biện pháp quyết liệt, xử lý dứt điểm.
Chiều 18-4, ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục Phó Chi cục Thú y TPHCM, cho biết tất cả mẫu lấy từ 6 nhà yến ở huyện Cần Giờ đều cho kết quả âm tính với virus H5N1. Sắp tới Chi cục Thú y TP tiếp tục lấy mẫu tất cả nhà nuôi có yến. Toàn TPHCM có khoảng 300 nhà nuôi yến, nhưng 50% số này có yến vào ở nên dự kiến sẽ lấy 100-120 mẫu. Trong đó, huyện Cần Giờ có 92 nhà có yến trong tổng số gần 200 nhà yến. Tuần sau, Thú y TPHCM sẽ lấy mẫu nhà yến ở quận 2, 9, 10 và Nhà Bè. Dự kiến sẽ hoàn tất ngay trong tháng 4 này.
Chiều 18-4, lãnh đạo Chi cục Thú y TPHCM cho biết trong tuần (từ ngày 10 đến ngày 18-4) đã phát hiện, xử lý hàng trăm vụ vận chuyển gia súc, gia cầm lậu, bao gồm gần 10.000 trứng gia cầm, trên 1 tấn thịt gia cầm, gia súc... Đáng chú ý, trong 2 ngày 17 và 18-4, đoàn liên ngành thú y Bình Chánh tạm giữ trên 1.000 gia cầm (gà, vịt, chim cút) không giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc...
Ngoài ra, đoàn liên ngành còn phát hiện, tịch thu hàng loạt dụng cụ giết mổ lậu gia cầm, như: máy đánh lông, nồi chứa nhựa thông, do ông Ngô Văn Quang làm chủ. Trạm Thú Y Bình Chánh đã tạm giữ toàn bộ số gia cầm cùng tang vật vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật.
Theo Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, đơn vị này vừa phát hiện thêm trường hợp gia cầm bị chết tại một hộ chăn nuôi ở huyện Cái Bè. Ngành thú y đã lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy toàn bộ đàn 740 con.
Trước đó, vào ngày 28-3, tại xã Nhị Bình, huyện Châu Thành đã phát sinh một ổ dịch cúm A/H5N1 trên tổng đàn 276 con. Điều đó làm gia tăng mối lo cúm gia cầm quay trở lại trên địa bàn chăn nuôi trọng điểm của ĐBSCL. Hiện nay, ngành chức năng tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, tỉnh tăng cường tiêm vaccine cúm A/H5N1 với mục tiêu 100% gia cầm được tiêm phòng, các ngành hữu quan còn tập trung mọi lực lượng, phương tiện và thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm dập tắt dịch, không để lây lan rộng.
TRỌNG KHÔI - CÔNG PHIÊN - THI HỒNG - DUY ANH
| |
Long An: Phát hiện ca nhiễm virus H5N1
(SGGP).- Chiều 18-4, ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở Y tế Long An, cho biết: Tại xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An đã xuất hiện bệnh nhân N.T.N.D. (21 tuổi) bị nhiễm virus H5N1.
Theo ông Liêm, bệnh nhân bị cảm sốt từ ngày 10-4. Các tuyến dưới điều trị không giảm nên chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị. Thấy bệnh nhân bị viêm phổi nặng, sau 2 ngày điều trị không thuyên giảm nên Bệnh viện Đa khoa Long An chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị. Tại đây, bệnh nhân được xác định đã bị nhiễm virus cúm H5N1. Nhưng nhờ phát hiện sớm, điều trị tích cực nên tình trạng sức khỏe của bệnh nhân hiện nay có dấu hiệu cải thiện tốt.
Cũng theo ông Liêm, sau khi xác định bệnh nhân nhiễm virus H5N1, ngành y tế cùng với các cơ quan chức năng liên quan tiến hành khống chế ổ dịch, phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường xung quanh, giám sát các đối tượng có tiếp xúc với bệnh nhân, tăng cường giám sát kiểm tra tuyến biên giới (nơi có gia cầm thường xuyên qua lại giữa Long An với phía Campuchia)…
ĐĂNG NGUYÊN
*****
Thông tin liên quan:
>> Vận chuyển gia cầm lậu gia tăng
>> Cảnh báo dịch cúm gia cầm có thể lan rộng, không được lơ là