Chỉ có 4 tuyến đạt chuẩn tuyến đường đô thị kiểu mẫu

Đầu năm 2012, chính quyền 24 quận, huyện và 7 sở, ngành đã ký giao ước thi đua, cam kết với UBND TPHCM về việc xây dựng tổng cộng 159 tuyến đường đô thị kiểu mẫu (viết tắt TĐKM) đạt chuẩn văn minh, sạch đẹp. Đến nay, kết quả thực hiện ra sao? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM, về vấn đề này.
Chỉ có 4 tuyến đạt chuẩn tuyến đường đô thị kiểu mẫu

Đầu năm 2012, chính quyền 24 quận, huyện và 7 sở, ngành đã ký giao ước thi đua, cam kết với UBND TPHCM về việc xây dựng tổng cộng 159 tuyến đường đô thị kiểu mẫu (viết tắt TĐKM) đạt chuẩn văn minh, sạch đẹp. Đến nay, kết quả thực hiện ra sao? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM, về vấn đề này.

Vỉa hè trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1) bị chiếm dụng làm nơi buôn bán đồ điện máy

Vừa chậm, vừa đạt thấp

- PV: Thưa ông, qua gần 4 năm thực hiện, kết quả xây dựng TĐKM ra sao?

>> Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Mục đích xây dựng các TĐKM là sau đó sẽ nhân rộng ra toàn bộ các tuyến đường trên địa bàn TPHCM đạt văn minh, sạch đẹp. Trong quá trình thực hiện cam kết, Ban An toàn giao thông TPHCM (ATGT) đã thường xuyên đôn đốc các quận, huyện lập lại trật tự lòng lề đường và vệ sinh đường phố. Không chỉ tập trung kiểm tra các tuyến đường trong danh sách đăng ký xây dựng TĐKM, mà cũng phải kiểm tra, xử phạt hành vi lấn chiếm lòng lề đường trên các tuyến đường khác, nhất là phải giải tỏa chợ tự phát, hàng rong trước cổng trường và bệnh viện. Nếu chưa giải tỏa được, phải bố trí lực lượng trực để nhắc nhở, vận động. Theo đúng cam kết thì việc xây dựng TĐKM phải thực hiện xong trong năm 2012, nhưng đến nay qua gần 4 năm vẫn chưa đạt được mục đích yêu cầu. Đã có 22/24 UBND quận, huyện có đánh giá sơ kết gửi báo cáo về Ban ATGT. Theo đó, đã có được 149 TĐKM, song trong đó chỉ có 4 tuyến đường đạt 100%, 35 tuyến đường đạt từ 95% - 98%, 110 tuyến đường đạt từ 50% - 65%.

- Đa số những tuyến đường được quận, huyện đăng ký xây dựng TĐKM vốn đã là những tuyến đường ít xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng lề đường. Vậy vì sao qua gần 4 năm vẫn còn nhiều tuyến đường chưa đạt 100% chuẩn?

Đúng là trong thực tế có những tuyến đường vốn ít bị lấn chiếm lòng lề đường nhưng đến nay địa phương vẫn chưa thiết lập được trật tự. Trên nhiều tuyến đường vẫn chưa khắc phục được hết tình trạng đậu ô tô bất chấp biển báo, chợ tự phát, hàng rong, cửa hàng lấn chiếm lòng lề đường, khiến đô thị nhếch nhác. Việc giải quyết trật tự lòng lề đường tại một số quận, huyện chưa quyết liệt, ra quân triển khai rầm rộ, có kết quả trước mắt, nhưng thời gian sau lại buông lỏng nên tình trạng lấn chiếm lòng lề đường tiếp diễn. Nhiều người bán hàng rong vẫn tranh thủ ngày nghỉ và ngoài giờ làm việc của lực lượng kiểm tra để lấn chiếm lòng lề đường. Thậm chí, một số địa phương còn buông lỏng và không có ai chịu trách nhiệm.

- Người dân phản ánh có những trường hợp chính quyền địa phương cho sử dụng vỉa hè kinh doanh, vì đó là kinh tế vỉa hè?

Không chỉ tại TPHCM mà trên cả nước rất phổ biến kinh tế mặt tiền đường. Cũng giống như hàng rong và chợ tự phát, nhiều hộ dân, cửa hàng kinh doanh cố định vẫn lấn chiếm lòng lề đường. Theo quy định, trên vỉa hè đều có kẻ vạch sơn (tùy theo lề đường rộng, hẹp khác nhau) cho sử dụng để xe của khách trong vạch sơn, chứ không cho để hàng hóa, bàn ghế. Phần vỉa hè còn lại là dành riêng cho người đi bộ. Quy định vậy, nhưng do chính quyền địa phương chưa kiên quyết, nên vỉa hè vẫn bị chiếm dụng, người đi bộ phải đi dưới lòng đường. Thậm chí, người đi đường dừng xe trước điểm kinh doanh là bị đuổi. Lượng ô tô lưu thông trên địa bàn TPHCM đang ngày càng tăng cao, mà bãi đậu ô tô ít, nên phải cấm dừng, cấm đậu theo giờ để hạn chế tình trạng ùn tắc. Trong khi chờ xây dựng các bãi đậu ô tô, UBND các quận, huyện cần rà soát, xem các tuyến đường nào ít xe lưu thông, để đề xuất cho phép đậu ô tô trên các đường này.

- Để TPHCM có nhiều TĐKM, cần có thêm những biện pháp nào, thưa ông?

Những địa bàn giáp ranh phải phối hợp với nhau trong công tác xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường. Do quen biết, thiếu công tâm, nên có những thành viên trong lực lượng tuần tra xử lý hành vi chiếm dụng lòng lề đường đã báo động trước cho người quen biết. Phải xử phạt và tăng cường xe để tịch thu các vật dụng lấn chiếm lòng lề đường. Để xây dựng TĐKM, phải thực hiện đồng bộ quyết liệt, nhất là có lãnh đạo quận, huyện chịu trách nhiệm, thì mới có thể xử lý việc lấn chiếm lòng lề đường. Với những trường hợp thường xuyên vi phạm, phải xử lý cương quyết, không du di. Việc lập lại trật tự lòng lề đường phải được thực hiện một cách nghiêm túc, công bằng và đồng bộ trên toàn TPHCM, chứ không riêng lẻ từng quận, huyện. Nên chú ý xây dựng tổ tự quản để cư dân nhận trách nhiệm với địa phương trong việc ngăn ngừa việc lấn chiếm lòng lề đường.

THANH HẢI (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục