Chỉ đạo kiểu chỉ đại

Gần đây, có những chuyện rất lạ đời trong việc chỉ đạo của một số cán bộ lãnh đạo địa phương, như Chánh Văn phòng UBND tỉnh ra công văn hỏa tốc yêu cầu cán bộ chủ chốt của tỉnh tham dự lễ hội uống bia do một doanh nghiệp bia tổ chức.

Gần đây, có những chuyện rất lạ đời trong việc chỉ đạo của một số cán bộ lãnh đạo địa phương, như Chánh Văn phòng UBND tỉnh ra công văn hỏa tốc yêu cầu cán bộ chủ chốt của tỉnh tham dự lễ hội uống bia do một doanh nghiệp bia tổ chức.

Tiếp đó, có mấy thầy giáo liên hoan tại nhà hàng không uống bia sản xuất tại tỉnh này đã bị chỉ đạo phải viết tường trình kiểm điểm. Cũng ở tỉnh này, lại có chủ tịch UBND huyện ra công văn chỉ đạo các cơ quan ở địa phương phải dùng nước khoáng do một doanh nghiệp ở địa phương sản xuất. Giờ đây lại thêm một vụ lãnh đạo UBND huyện ra công văn chỉ đạo nông dân trong huyện phải dùng thuốc trừ sâu của một đại lý trên địa bàn huyện.

Chỉ đạo như thế là vi phạm Luật Cạnh tranh, đặc biệt là vi phạm nguyên tắc bình đẳng tự do kinh doanh, mang tính bảo hộ, không tạo ra sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp. Chỉ đạo như thế là lạm quyền, có hơi hám lợi ích nhóm, thậm chí có sự “bắt tay” giữa chính quyền và doanh nghiệp. Sự “bắt tay” này gắn liền với hoạt động của bộ máy hành chính. Lý do là vì mỗi chủ thể kinh tế đều có những động cơ và nhân tố khuyến khích rõ ràng, và mối quan hệ giữa chúng cũng rất rõ. Loại “bắt tay” này phù hợp với mô hình hành chính xin - cho, là nguồn gốc tạo tham nhũng vì toàn bộ việc thực hiện tham nhũng đều do các công chức gây ra. Hậu quả trực tiếp nghiêm trọng nhất của loại “bắt tay” này là các đạo luật và chính sách của nhà nước không được thực hiện một cách công bằng. Cuối cùng, đó là việc “bẻ cong pháp luật” - nhằm mục đích thay đổi các quy định của pháp luật thành những quy định phục vụ cho quyền lợi của những nhóm người.

Tham nhũng là căn bệnh hiểm nghèo gắn liền với mọi nhà nước, bởi lẽ chừng nào còn nhà nước thì còn quyền lực, mà còn quyền lực thì dễ xuất hiện những người sử dụng sai quyền lực. Cuộc đấu tranh để loại bỏ những người sử dụng sai quyền lực ra khỏi bộ máy là cuộc đấu tranh lâu dài, liên tục bền bỉ và kiên định của mọi nhà nước. Thay vì chỉ đạo kiểu bảo hộ cho doanh nghiệp nào đó ở địa phương, những người làm chính sách, những người thực thi chính sách cần giúp các doanh nghiệp vững vàng, chủ động hội nhập sâu rộng, tham gia vào thực hiện TPP. Chính phủ nên tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân về việc thực thi hiệp định, chuẩn bị các điều kiện và có cơ chế, chính sách phù hợp giúp cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia hội nhập có thể phát triển bền vững.

DIỆP VĂN SƠN

Tin cùng chuyên mục