Chi hàng trăm tỷ đồng bù lỗ chênh lệch giá cá cho người nuôi ở ĐBSCL

Ngày 6-1, tại An Giang, Tập đoàn Sao Mai phối hợp cùng các ngành liên quan tổ chức tổng kết mô hình “Hợp tác phát triển vùng nguyên liệu nông thủy sản niên vụ 2019”, hàng trăm nông dân tham gia mô hình ở các tỉnh ĐBSCL đến dự.

Theo Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL, năm 2018 cá tra nguyên liệu được giá khoảng 29.000 đồng/kg, cao hơn bình quân của năm 2017 là 4.000 đồng/kg; riêng thời điểm tháng 10-2018 giá cá tra tăng vọt đến 35.000 đồng/kg, giúp người nuôi trúng đậm. Nhờ đó kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2018 đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,5%. Tuy nhiên, sang năm 2019, giá cá tra bất ngờ giảm mạnh bởi nhiều nguyên nhân, có lúc giá cá chỉ còn 17.000 -18.000 đồng/kg khiến hàng loạt hộ nuôi ở ĐBSCL lỗ từ 3.000- 5.000 đồng/kg.

Chi hàng trăm tỷ đồng bù lỗ chênh lệch giá cá cho người nuôi ở ĐBSCL ảnh 1 Dù giá cá tra xuống thấp nhưng các nông dân tham gia mô hình nuôi liên kết vẫn sản xuất ổn định, nhờ được bao tiêu về giá và đầu ra 

Trong tình hình khó khăn chung của nhiều hộ nuôi cá vùng ĐBSCL, thì mô hình hợp tác phát triển vùng nguyên liệu của Tập đoàn Sao Mai duy trì hoạt động ổn định.

Cụ thể, đơn vị này đã chi khoảng 600- 700 tỷ đồng để bù lỗ chênh lệch giá cho nhiều nông dân tham gia nuôi cá liên kết với công ty, bằng việc mua cá với giá theo hợp đồng khoảng 25.000 đồng/kg, đảm bảo cho người nuôi không bị thiệt. Vì vậy, với vùng nuôi cá liên kết rộng khoảng 350 ha vẫn đạt sản lượng hơn 10.000 tấn cá/tháng, đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho 3 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của Công ty IDI (thuộc Tập đoàn Sao Mai) hoạt động.

Chi hàng trăm tỷ đồng bù lỗ chênh lệch giá cá cho người nuôi ở ĐBSCL ảnh 2 Xây dựng vùng nuôi cá tra theo mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu là hướng đi bền vững 

Lãnh đạo Tập đoàn Sao Mai cho biết: “Gần đây giá cá tra sụt giảm mạnh, tuy nhiên mô hình liên kết với nông dân đã giúp công ty chủ động được nguồn nguyên liệu để linh hoạt thực hiện chiến lược mở rộng thị trường và nâng cao năng lực sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới”.

Sở NN-PTNT tỉnh An Giang khẳng định, mô hình liên kết sản xuất và xuất khẩu cá tra là hướng đi tất yếu để giảm giá thành, nâng chất lượng... Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp thủy sản thành lập chuỗi cung ứng sản xuất cá tra gắn kết từ khâu con giống đến nuôi, thu hoạch, chế biến, xuất khẩu, theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tỉnh An Giang có chính sách hỗ trợ đến 10 tỷ đồng cho các mô hình sản xuất thủy sản liên kết. Đây là động lực để kết nối giữa doanh nghiệp thủy sản với các hộ sản xuất giống, người nuôi cá nguyên liệu nhằm phát triển bền vững… 

Tin cùng chuyên mục