

Chị Mai nghe băng và chuyển lời hát sử thi thành văn bản.
Nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống, nhất là sử thi Tây Nguyên, đầu năm 2005, Viện Nghiên cứu Văn hóa đã mở lớp truyền dạy sử thi cho các học viên là thanh niên dân tộc thiểu số tại các tỉnh Tây Nguyên.
Điểu Thị Mai ở xã Đắc Rung, huyện Đắc Song (tỉnh Đắc Nông) là một trong những học viên xuất sắc nhất của lớp học. Bây giờ chị không những nghe hiểu mà có thể chuyển từ lời kể sử thi sang văn bản viết bằng chữ M’nông khá thành thạo trong khi nhiều học viên sau khóa học, khi nghe sử thi vẫn không hiểu gì cả. Nguyên nhân chính là bởi vốn từ vựng tiếng M’nông của thế hệ trẻ trong cộng đồng dân tộc M’nông bây giờ rất nghèo nàn; thậm chí có không ít thanh, thiếu niên không nói được tiếng của dân tộc mình.
Với Mai, điều cốt yếu giúp chị tiếp cận khá dễ dàng với sử là ở lòng đam mê sử thi. Mai sinh ra trong gia đình có nhiều người thân làm công tác sưu tầm, biên dịch sử thi M’nông ở xã Quảng Trực, huyện Đắc R’lấp (Đắc Nông). Từ nhỏ Mai đã nghe những lời hát kể sử thi của cha mẹ. Khi trưởng thành Mai được cha mình - nghệ nhân Điểu Kâu - dạy viết chữ M’nông.
Khi biết viết chữ M’nông và có những hiểu biết nhất định về sử thi, kết hợp với kiến thức được học tại lớp truyền dạy sử thi M’nông, Mai tích cực tham gia vào công việc sưu tầm, biên dịch sử thi M’nông với công việc chuyển lời hát trong băng ghi âm sang văn bản chữ viết M’nông. Từ tháng 3 năm 2005 đến nay, Mai đã tham gia ghi từ băng lời hát thành văn bản chữ viết được 3 sử thi gồm: Guặh Huyêng Lênh (Lấy hồn người chết đi); Tiăng đă, Bêh Bôp, Klôp nhông, Sok rlung yau Klau Tiăng bah (Tiăng bắt những kẻ lấy trộm ché quý); Sung trang Kone unh (Sung trang đi đầu thai).
Đến với sử thi M’nông bằng lòng đam mê, nên Mai đã thuộc rất nhanh những sử thi mà chị được nghe các nghệ nhân hát kể. Bây giờ, Mai là người đầu tiên trong lớp trẻ biết hát kể sử thi và có đủ trình độ tham gia vào công việc sưu tầm, biên soạn, biên dịch sử thi M’nông. Mong muốn của Mai là sẽ cố gắng học từ lớp nghệ nhân cao tuổi để thuộc được nhiều sử thi, sau đó truyền dạy cho lớp trẻ để gìn giữ được vốn văn hóa quý báu của dân tộc mình. So với kho tàng đồ sộ hơn 200 sử thi M’nông, thì con số 3 sử thi mà Mai thuộc và biết hát kể còn quá khiêm tốn, đây chỉ là những bước đi ban đầu. Tin rằng, với lòng đam mê và tinh thần học hỏi nghiêm túc, không xa nữa Mai sẽ trở thành nghệ nhân tiêu biểu của đồng bào M’nông.
KIỀU BÌNH ĐỊNH