Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp tại TPHCM nói riêng và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước vẫn còn mức giá (bán nhà) khá cao. Đa phần, tròm trèm khoảng 1 tỷ đồng/căn. Đây là mức giá mà ngay cả người có thu nhập trung bình, trung bình khá (khoảng 7 triệu-10 triệu đồng/tháng) cũng khó mà mua được.
Trong bối cảnh này, theo ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, xây nhà trên những vùng đất cao ráo với nền địa chất cứng như khu vực Hóc Môn, Củ Chi… là cơ hội tốt nhất để giảm giá thành sản phẩm. Nhất là khi ở đây còn nhiều khu đất rộng và giá đất còn khá rẻ so với nhiều vùng khác của thành phố. TPHCM có thể chủ động giải phóng mặt bằng hàng trăm hécta, lập quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc nhà cho người thu nhập thấp. Với những dự án lớn, việc đầu tư “sỉ” cũng là một cách rất khả thi để giảm giá thành xây dựng. “Một trạm trộn xi măng có thể được xây dựng ngay tại công trường xây dựng và cung cấp xi măng cho tất cả. Không chi phí thuê xe chuyên chở bê tông từ nơi khác đến, đó cũng là một khoản tiết kiệm” - ông Nguyễn Văn Đực nêu ví dụ.
Chưa phải đã hết, trong các khu dân cư lớn, việc xây dựng hoàn chỉnh một hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng cơ sở chắc chắn khả thi hơn nhiều so với các khu dân cư nhỏ, nằm rải rác. Ông Nguyễn Văn Đực khẳng định như “đinh đóng cột”, đầu tư trong điều kiện như thế, chi phí không thể quá 4 triệu đồng/m2. Tính cả tiền đất cùng một số chi phí khác, giá một mét vuông nhà ở không thể tới 10 triệu đồng. Nếu chọn được diện tích nhà hợp lý, ví dụ khoảng 50m2, người dân chỉ phải trả gần 500 triệu đồng/căn hộ. Thêm một cơ chế tài chính cho vay mua nhà hợp lý thì rất nhiều người dân có thu nhập thấp sẽ có cơ hội mua được một ngôi nhà cho riêng mình, cho gia đình mình.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cũng cho rằng đây là hướng đi căn cơ trong việc xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp. Nhà ở xã hội hay nhà cho người thu nhập thấp cũng phải có đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như các khu nhà thương mại khác thì cuộc sống người dân mới tốt lên được. Muốn hình thành lên những khu dân cư như thế, buộc Nhà nước phải tìm hướng đầu tư lớn, đầu tư tại những khu đất rẻ, địa chất tốt. Việc “bóc lõm” các khu đất nhỏ lẻ trong nội thành hiện hữu để xây nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, chỉ có thể là giải pháp trước mắt, giải quyết cục bộ nhu cầu nhà ở cho một bộ phận nhỏ người có thu nhập thấp.
“Đầu tư lớn không chỉ giúp tiết kiệm chi phí xây dựng ngay trong nội tại khu dân cư mà còn giúp tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ xây dựng hệ thống giao thông, điện, nước, viễn thông… kết nối đến. Qua đó cũng giúp TP tái bố trí lại dân cư theo hướng tập trung và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên đất và nước” - tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa nhận định.
AN NHIÊN