Mặc dù cơ chế tài chính y tế ở nước ta đã có nhiều đổi mới, từ Nhà nước bao cấp hoàn toàn sang xã hội hóa, đồng thời tạo cơ chế tự chủ cho bệnh viện công lập. Tuy nhiên, cơ chế tài chính y tế còn nhiều bất cập, khiến người bệnh phải tốn quá nhiều cho chi phí khám chữa bệnh dẫn tới sự mất công bằng… Đây là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo khoa học tài chính y tế hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân diễn ra ngày 27-11 tại Hà Nội.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện nay, hầu hết các bệnh viện trung ương và khoảng 70% số bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đã thực hiện tự chủ ở các mức độ khác nhau. PGS-TS Phạm Lê Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, cho biết, qua quá trình tự chủ, nguồn thu sự nghiệp của các bệnh viện tăng nhanh, chiếm tỷ lệ cao và tạo cơ sở giảm dần việc cấp kinh phí của nhà nước cho bệnh viện. Đặc biệt, thu nhập của cán bộ y tế bệnh viện công tăng đáng kể, bình quân ở các bệnh viện tự chủ toàn phần (tự chủ từ tài chính, nhân lực…) cao gấp 2 hay 3 lần so với lương.
Đáng chú ý, với các bệnh viện tự chủ, để tăng thu nhập, bệnh viện đã thực hiện mở rộng các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, khám chữa bệnh chất lượng cao, hay liên doanh, liên kết để lắp đặt thêm thiết bị y tế hiện đại nhằm tăng cường dịch vụ y tế. Theo đánh giá của một số chuyên gia y tế của Hội khoa học kinh tế Việt Nam, các bệnh viện tự chủ với việc mở rộng các dịch vụ khám chữa bệnh và liên doanh liên kết với tư nhân, hay nước ngoài… là biện pháp “tự cứu mình” khi kinh tế khó khăn. Đồng thời cũng giúp cho người bệnh được hưởng lợi nhiều hơn, nhất là với những người có khả năng chi trả.
Tuy nhiên, việc bệnh viện công tự chủ cũng đang bộc lộ nhiều mặt trái, thậm chí là tiêu cực. PGS-TS Phạm Lê Tuấn cho biết, tư nhân đầu tư vào bệnh viện công để cung ứng dịch vụ tư thì các khoa khám chữa bệnh dễ trở thành “sân sau” của bệnh viện công, dẫn tới tiêu cực như: sử dụng cơ sở vật chất, nhân lực “công” cho các hoạt động “tư”.
Hơn nữa, việc tư nhân hóa cung ứng dịch vụ y tế ở các bệnh viện công đang thúc đẩy rất lớn việc chi trả trực tiếp từ tiền túi người bệnh. Bất kể người bệnh có bảo hiểm y tế (BHYT) hay không đều dễ bị lạm dụng chỉ định sử dụng tràn lan các dịch vụ y tế, thuốc men làm tăng sự thiếu công bằng về tài chính y tế. Khảo sát cho thấy, tổng chi tiền túi cho y tế của gia đình hàng tháng liên tục tăng cao trong nhiều năm qua, năm 2006 là 140.000 đồng/gia đình/tháng, tới năm 2008 số tiền này là 201.000 đồng và đến nay 2010 đã trên 243.000 đồng, trong đó chi phí cho quá trình nằm viện chiếm trên 80%.
Trước những bất cập trên, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết, hiện nay chi phí cho y tế từ tiền túi của người dân vẫn ở mức rất cao, lên tới 49% tổng chi y tế. Trong khi đó, nhiều nước ở trong khu vực tỷ lệ này chỉ 30%, thậm chí ở một số nước phát triển tỷ lệ này chỉ khoảng 20%. Thực tế này đang dẫn tới sự mất công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhiều người bệnh ở bệnh viện tuyến dưới đổ dồn lên bệnh viện tỉnh, trung ương để có chất lượng dịch vụ y tế tốt hơn, dẫn tới tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, hiện nay chúng ta đang phấn đấu giảm tỷ lệ này xuống 40% vào năm 2020, trong đó để thực hiện được mục tiêu này thì phải đẩy nhanh việc thực hiện BHYT để tiến tới BHYT toàn dân. Cùng quan điểm này TS Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho rằng, BHYT là giải pháp quan trọng để tiến tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, cũng như là tầm nhìn phát triển của hệ thống y tế của tất cả các quốc gia. Bởi lẽ hàng năm, toàn cầu có hàng trăm triệu người phải đối mặt với các vấn đề về bệnh tật, dịch bệnh do khó khăn về tài chính chi trả cho dịch vụ y tế. TS Takeshi Kasai cho rằng đối với Việt Nam, để thực hiện được BHYT toàn dân đòi phải có một hệ thống y tế và tài chính y tế vận hành rõ ràng và minh bạch.
Nguyễn Quốc