“Chia lửa” với tuyến trên

Sau 5 năm triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh (BVVT) giai đoạn 2013-2020, đến nay ngành y tế đã thiết lập được hệ thống mạng lưới BVVT trải dài khắp nước. Nhiều bệnh viện (BV) tuyến dưới đã thực hiện được những kỹ thuật khó, cứu sống nhiều bệnh nhân có bệnh lý phức tạp, tạo được niềm tin với người bệnh, góp phần giảm tải cho BV tuyến trên.

Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM hướng dẫn bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng phương pháp can thiệp tim mạch. Ảnh: THÀNH AN
Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM hướng dẫn bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng phương pháp can thiệp tim mạch. Ảnh: THÀNH AN

Bệnh nhân chuyển tuyến giảm

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, trong 5 năm qua ngành y đã xây dựng và hình thành 23 BV hạt nhân, 138 BVVT với 10 chuyên khoa được ngành y tế chú trọng đầu tư phát triển: ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu và chống độc. Nhờ có các BV hạt nhân chuyển giao kỹ thuật mà hiện nay, một số BV tuyến dưới đã thực hiện thành công phẫu thuật ghép tạng, nội soi, nuôi sống trẻ sơ sinh nhẹ cân, cứu sống được nhiều ca bệnh nặng... Nếu như trước đây mỗi khi bị bệnh nặng cần phẫu thuật, người dân miền núi, vùng sâu vùng xa phải đến các bệnh viện tuyến trung ương để được điều trị, thì hiện nay, họ được thụ hưởng nhiều kỹ thuật cao và chăm sóc chuyên môn tốt ngay quê nhà. 

Đến nay, theo thống kê của Bộ Y tế, có tới 85,5% số BV trong đề án giảm tỷ lệ chuyển tuyến. Chẳng hạn, tại Khoa Tim mạch, Ung bướu của BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ, nếu như trước kia tỷ lệ chuyển tuyến mỗi năm thường 50% - 60%, thì nay chỉ còn dưới 5%. Còn tại  BV Đa khoa Quảng Ninh, tỷ lệ chuyển tuyến chỉ còn 0,7%, đã thực hiện được 100% những kỹ thuật của BV hạng 1 và thực hiện 1.457 kỹ thuật của BV hạng đặc biệt tuyến trung ương...

Nhân rộng đề án 

Hiện nay, ngành y tế đã xây dựng được 23 trung tâm đào tạo chỉ đạo tuyến ở các BV hạt nhân giúp chuyên môn của các bác sĩ được nâng cao, đồng thời phát huy hiệu quả kỹ thuật, tận dụng tối đa trang thiết bị kỹ thuật ở tuyến dưới, mang lại niềm tin cho người bệnh. Dựa trên tính nhân văn, hiệu quả của đề án, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã đề nghị ngành y tế kéo dài dự án đến năm 2025. Dự kiến, Bộ Y tế tiếp tục mở rộng giai đoạn 2 của đề án với những cách làm mới, sáng tạo hơn để nhân rộng ra các tỉnh, thành cả nước. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu trong năm 2019, BV tuyến trên tăng cường chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới, xem đây là một nhiệm vụ quan trọng, một tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các BV; công bố danh sách các BV đủ tiêu chuẩn làm BV hạt nhân để các BVVT lựa chọn đề xuất hỗ trợ chuyên môn; khẩn trương ban hành quy định để các chuyên gia, bác sĩ giỏi ở các BV hạt nhân có trách nhiệm tham gia khám, chữa bệnh ở các BVVT. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống hỗ trợ y tế từ xa (telemedicine) trong việc hội chẩn, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, tư vấn, hội thảo, đào tạo giữa các BV. Hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở trên cơ sở gắn với mô hình bác sĩ gia đình bảo đảm phù hợp tính chất, đặc điểm của từng vùng, miền.... 

Để đề án phát huy hiệu quả, các BV tuyến trên phải thực hiện chế độ định kỳ cử chuyên gia, bác sĩ đến khám, chữa bệnh, “cầm tay chỉ việc” tại BV tuyến dưới, nhất là ở vùng khó khăn; chú trọng hỗ trợ y tế từ xa cho tuyến dưới trong hội chẩn, chuyển giao kỹ thuật, tư vấn, đào tạo… Mặt khác, cần phải có sự đánh giá, thẩm định thường xuyên giữa các BV hạt nhân với BVVT; giữa Bộ Y tế với các địa phương. “Giai đoạn vừa rồi mới là bước đi ban đầu. Mặc dù còn nhiều khó khăn cần khắc phục để thực hiện tốt đề án trong giai đoạn tới nhưng có thể thấy, kết quả đã đạt được rất rõ nét, nhiều người dân đã được tiếp cận chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của các BVVT”- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện ngành y tế TP đã chỉ đạo 8 BV hạt nhân tập huấn đào tạo, chuyển giao các gói kỹ thuật cho 28 BVVT thuộc 22 tỉnh thành phía Nam từ nay đến năm 2020. Trong năm 2018, các bệnh viện hạt nhân tại TPHCM đã hỗ trợ đào tạo cho 1.450 lượt cán bộ y tế, chuyển giao 785 kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tập trung vào 5 chuyên khoa quá tải hàng đầu: ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi… nhằm giảm tối thiểu  dưới 10% tỷ lệ chuyển tuyến từ BVVT lên BV hạt nhân... 

Mang bệnh viện đến gần dân

Hiện TPHCM đã có 4 phòng khám đa khoa vệ tinh (PKĐKVT) của BV quận, huyện đặt tại trạm y tế (2 trạm ở quận Thủ Đức, 1 trạm ở quận Tân Phú và 1 trạm ở quận 2). Hầu hết các PKĐKVT đều được đầu tư trang thiết bị hiện đại với đầy đủ các chuyên khoa. Hiện các PKĐKVT này đã thu hút được hơn 3% bệnh nhân đến thăm khám trên tổng số lượt khám, chữa bệnh của toàn TP. Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến phường, xã trong thời gian tới, PGS-TS  Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, bên cạnh việc tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình PKĐKVT của BV quận, huyện đặt tại các trạm y tế, Sở Y tế đã chỉ đạo các BV quận, huyện đã chuyển đổi phương thức hoạt động các phòng khám đa khoa khu vực theo hướng “mang bệnh viện đến gần dân”, cung ứng đầy đủ các loại hình dịch vụ khám, chữa bệnh ngoại trú cho người dân ở các khu vực dân cư ở xa bệnh viện.

Năm 2018, Phòng khám đa khoa Tân Quy của BV Huyện Củ Chi đã đi vào hoạt động phục vụ cho người dân của 6 xã Tân Thạnh Tây, Tân Thạnh Đông, Trung An, Hòa Phú, Bình Mỹ, Phú Hòa Đông. Đây là địa bàn tập trung đông dân cư với cụm công nghiệp Tân Quy, khu công nghiệp Trung An, khu công nghiệp Đông Nam. Phòng khám có đầy đủ các chuyên khoa do 16 bác sĩ của BV huyện Củ Chi đảm trách, hoạt động 24/7 đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân với số lượt khám không ngừng tăng, hiện nay đã lên đến 180 bệnh nhân/ngày. Tại Phòng khám đa khoa Linh Xuân trực thuộc BV quận Thủ Đức, cách bệnh viện quận khoảng 10km do 18 bác sĩ của BV quận đảm trách với số lượt khám đã lên đến 750 lượt/ngày. 

Tin cùng chuyên mục