Công nghệ phim hoạt hình Mỹ

Chiến lược hướng về châu Á

“Sử dụng” nguồn nhân lực tài năng trẻ của châu Á
Chiến lược hướng về châu Á

Vài năm gần đây, hàng loạt bộ phim hoạt hình của các hãng phim Mỹ được sản xuất bởi các ê kíp làm phim châu Á hay sản xuất tại chính các nước châu Á và đã gặt hái nhiều thành công cho ngành công nghệ giải trí này. Hiện tượng này cho thấy các hãng phim Mỹ đang tìm một lối đi mới?

“Sử dụng” nguồn nhân lực tài năng trẻ của châu Á

Chiến lược hướng về châu Á ảnh 1

Áp phích phim “Bí mật của quả bầu màu nhiệm”.

Đó là chiến lược mới của các nhà sản xuất phim hoạt hình, tiên phong là Lucasfilm, một trong những xưởng sản xuất phim hoạt hình lớn nhất nước Mỹ. Đến nay đã có hơn 90% phim hoạt hình của các hãng phim cũng như chương trình truyền hình của Mỹ được thực hiện một khâu nào đó tại châu Á, chủ yếu ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện nay ngành công nghệ hoạt hình hơn 100 tỷ USD này đang gấp rút săn nhân tài từ nguồn nghệ sĩ trẻ chuyên nghiệp tại các nước Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Philippines. Trẻ, được đào tạo mỹ thuật bài bản, có kiến thức công nghệ thông tin và có máu đam mê nghề là đối tượng được các hãng nhắm tới.

Phần việc của hãng chỉ là tạo điều kiện tốt nhất, đầy đủ nhất để nhóm nghệ sĩ trẻ này có đất dụng võ. Một thế hệ châu Á điêu luyện với tư duy sáng tạo đang đem lại một nguồn lợi nhuận khổng lồ về cho các bộ phim hoạt hình dài tập như Star Wars - Clone Wars, hay Harry Potter, Indiana Jones… Họ còn được tận dụng để tham gia làm phim truyền hình hay trò chơi điện tử. Cách mà các đạo diễn và nhà sản xuất phim Mỹ nuôi dưỡng nhân tài là cho các nghệ sĩ trẻ này nhảy vào tất cả dự án sản xuất phim hay trò chơi điện tử. Các hãng phim Mỹ đều xác định lực lượng nghệ sĩ trẻ châu Á này sẽ xác lập một “trật tự mới trong ngành kinh doanh giải trí”.

Sử dụng nguồn nhân lực châu Á là chiến lược hiệu quả nhất của Hollywood: trả tiền cho nghệ sĩ trẻ ít hơn (các “sao” trong nước ngày càng đòi hỏi lương bổng quá hậu hĩnh), mà còn tránh được rắc rối với luật nhập cư lao động vì không phải đem họ đến Mỹ. Vả lại việc lao động 16 tiếng/ngày ở San Francisco chắc chắn sẽ rất khác biệt so với ở Singapore. Điều đó có nghĩa là các hãng như Lucasfilm đã nhân đôi được năng suất lao động của đội ngũ nhân viên. Do vậy từ chỗ chỉ đưa ra nước ngoài khâu đầu và cuối như biên tập, phối âm và hay tạo hiệu ứng đặc biệt thì nay họ đã đưa ra nước ngoài cả khâu chính là sản xuất bản thô.

“Giành giật” khán giả nhí châu Á

Đối thủ nặng cân nhất của Lucasfilm không ai khác hơn là Hãng Disney. Hãng này chưa sử dụng nhiều nguồn nhân lực châu Á vào làm phim, nhưng lại có chiêu thức khác không kém hiệu quả. Tháng 6 năm ngoái với The Secret of the Magic Gourd (tạm dịch: Bí mật của quả bầu màu nhiệm), bộ phim tiếng Hoa đầu tiên dành riêng cho Trung Quốc được sản xuất hoàn toàn tại Hãng phim kỹ thuật số Centro (Hồng Công). Dưới sự chỉ đạo và giám sát của Disney, Centro đã điều chỉnh một câu chuyện gối đầu giường nổi tiếng của Trung Quốc, quay thành bộ phim dài 90 phút. Bộ phim đầy kỹ xảo là phiên bản phim thứ hai được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên phát hành năm 1958, của nhà văn Trung Quốc chuyên viết cho trẻ em Trương Thiên Dực. Bộ phim đầu tiên là phim đen trắng ra mắt vào năm 1963 vốn đã rất được yêu thích. Sau khi hoàn tất phiên bản hoạt hình, Disney chỉ huy việc quảng bá tiếp thị và “Quả bầu màu nhiệm” đã hớp hồn trẻ con toàn Trung Quốc mang lại cho Disney đến 2 triệu USD chỉ trong vòng 2 tuần đầu tiên khởi chiếu. Theo ông John Chu, người sáng lập Centro: “Vấn đề then chốt của mối hợp tác thành công mỹ mãn này là làm sao tìm được một cốt chuyện vừa phù hợp với tiêu chí của Disney nhưng cũng thỏa mãn được thị hiếu của trẻ con Trung Quốc”.

Chiến lược hướng về châu Á ảnh 2

Áp phích phim “Chiến tranh giữa các vì sao - Cuộc chiến nhân bản vô tính”.

Disney đã công bố một chương trình hợp tác hướng Á tiếp theo sẽ là thị trường Ấn Độ, với hãng Yash Raj - một trong những hãng “đinh” của Bollywood. Hai hãng cùng thực hiện phim hoạt hình bằng tiếng Hindu sử dụng toàn bộ ê kíp tài năng của Ấn Độ với sản phẩm đầu tay là phim Roadside Romeo, ra mắt công chúng vào cuối năm nay. Theo Jo Yan, Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh của Hãng phim hoạt hình Walt Disney khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hãng tin tưởng Trung Quốc, Ấn Độ và Nga là những thị trường tiềm năng chính trong kế hoạch phát triển lâu dài. Không thể hiểu hết mọi ngóc ngách thị trường các nước, chính vì vậy cộng sinh chặt chẽ với đối tác trong nước là chiến lược hành động của hãng.

Còn đối với Lucasfilm, việc sử dụng nguồn nhân lực châu Á không chỉ để dành phục vụ riêng cho châu lục này. Chiến lược của họ là đầu tư phát triển nguồn nhân lực này trở thành đội ngũ phục vụ bất cứ dự án phim hay game điện tử nào. Quan điểm của họ là chú trọng vào việc xây dựng nhân vật chắc chắn phải thu hút được thị trường của toàn cầu. Singapore là thí điểm, tiếp đó Lucasfilm sẽ hướng đến Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện nay số lượng nhân viên của hãng tại Singapore đã chiếm đến 1/3 tổng số nhân viên của Lucasfilm.

Phản ứng của châu Á?

Nền kinh tế đang trên đà phát triển của châu Á mời chào các dự án đầu tư và tập trung nguồn lực để xây dựng một ngành công nghệ hoạt hình. Tất cả nhà sản xuất phim tại châu Á cho đó là món hời vì hợp tác làm ăn không chỉ là được chia lợi nhuận mà còn tạo đất cho nghệ sĩ trong nước bước ra thị trường toàn cầu, là cơ hội chia sẻ học hỏi kỹ nghệ tiên tiến làm phim hoạt hình của Hollywood. Ví dụ, đảo quốc sư tử hy vọng năm 2018, ngành hoạt hình kỹ thuật số sẽ thu về 10 tỷ USD, chiếm khoảng 5% GDP cả nước.

Phim hoạt hình của Ấn Độ đã tăng trưởng 50% doanh thu so với hai năm trước và được kỳ vọng sẽ thu hút 950 triệu USD từ hợp đồng sử dụng nhân lực với Hollywood trong năm tới. Số lượng các khoa dạy kỹ nghệ làm phim hoạt hình tại các trường đại học của Trung Quốc phình ra gấp bốn lần, tăng thêm 400 đơn vị khoa so với 5 năm về trước, và ngành này đã đem lại cho TQ gần 2 tỷ USD. Thái Lan đã bán các bộ phim hoạt hình truyền hình dài tập nổi tiếng cho Trung Quốc và Hàn Quốc và hy vọng kiếm hơn 2 tỷ USD xuất khẩu loại sản phẩm này vào năm sau. Philippines đã làm việc với các trường đại học trong nước để đưa ngành kỹ nghệ làm phim hoạt hình vào khung đào tạo. Hội đồng phim hoạt hình của Philippines có kế hoạch vào năm 2010 sẽ “chào hàng” thế giới với hơn 25.000 nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này.

Thanh Trúc tổng hợp

Tin cùng chuyên mục