Chiến thắng của tinh thần chiến đấu anh dũng, bất khuất

Sau khi thực dân Pháp thua trên chiến trường Tây Bắc, Thượng Lào và không ngăn chặn được kế hoạch tiến công của quân ta, tướng Navarre của Pháp chủ trương xây dựng Điện Biên Phủ (tỉnh Lai Châu, nay là Điện Biên) thành tập đoàn cứ điểm mạnh có hệ thống phòng ngự dày đặc gồm 49 cứ điểm. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chia thành 3 phân khu (Bắc, Nam và trung tâm). Lực lượng tại đây là 17 tiểu đoàn.

Sau khi thực dân Pháp thua trên chiến trường Tây Bắc, Thượng Lào và không ngăn chặn được kế hoạch tiến công của quân ta, tướng Navarre của Pháp chủ trương xây dựng Điện Biên Phủ (tỉnh Lai Châu, nay là Điện Biên) thành tập đoàn cứ điểm mạnh có hệ thống phòng ngự dày đặc gồm 49 cứ điểm. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chia thành 3 phân khu (Bắc, Nam và trung tâm). Lực lượng tại đây là 17 tiểu đoàn.

Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp hội nghị, phân tích tình hình ta và địch, và nhận định Điện Biên Phủ trở thành điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và địch. Lực lượng chủ lực của ta có các Đại đoàn 308, 312, 316, Trung đoàn 57 Đại đoàn 304, Đại đoàn 351, tổng số quân chủ lực của ta ở hỏa tuyến có khoảng hơn 40.000 quân.

Với phương châm “đánh chắc tiến chắc”, chiến dịch gồm nhiều trận đánh, mỗi trận tiêu diệt một hoặc nhiều cứ điểm; đánh từ ngoài vào trong, bao vây, chia cắt, triệt nguồn tiếp tế, tiếp viện của địch, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm. Chiến dịch diễn ra trong 55 ngày đêm, từ ngày 13-3 đến ngày 7-5-1954, chia làm 3 đợt:

Đợt 1: Từ 13 đến 17-3, quân ta tiến công tiêu diệt các cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, đập tan hệ thống phòng ngự của địch trên hướng Bắc và Đông Bắc, xóa sổ phân khu Bắc và một bộ phận của phân khu trung tâm, tiêu diệt 2 tiểu đoàn tinh nhuệ vào bậc nhất của địch, làm tan rã một tiểu đoàn khác, mở cửa vào phân khu Trung tâm.

Đợt 2: Từ 30-3 đến 26-4, quân ta đồng loạt nổ súng tiến công các cao điểm phía Đông phân khu trung tâm, pháo binh ta dồn dập nhả đạn vào sở chỉ huy của De Castries cùng các cao điểm C1, E, D1, các trận địa pháo và khu vực quân cơ động Mường Thanh, Hồng Cúm. Cuối tháng 4-1954, vòng vây quân ta xung quanh Mường Thanh, Hồng Cúm đã siết chặt. Mọi việc chuẩn bị cho đợt tiến công thứ ba cơ bản đã hoàn thành.

Đợt 3: Từ 1-5 đến 7-5, quân ta đồng loạt tấn công khu trung tâm Mường Thanh, phân khu Nam, tiêu diệt các căn cứ còn lại của địch, ta tiêu diệt các cứ điểm C1, 505, 505 A ở phía Đông và 31A ở phía Tây. Chiều 6-5, các loại pháo cối của ta cùng 12 dàn hỏa tiễn bắn dữ dội vào các cứ điểm, làm địch khiếp sợ. Sau đợt pháo kích, bộ binh ta tiến công. Ta cho nổ bộc phá trong lòng Đồi A1. Đó là hiệu lệnh tổng công kích của quân ta.

Từ các hướng, quân ta tràn vào đánh chiếm các vị trí còn lại ở phân khu trung tâm. Bộ đội ta đánh tới đâu, cờ trắng của quân địch xuất hiện tới đó. Vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 7-5, quân ta bắt sống thiếu tướng De Castries cùng toàn thể Bộ Tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy địch.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu anh dũng, bất khuất của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần làm tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, tác động mạnh đến tình hình thế giới, cổ vũ các dân tộc thuộc địa trong đấu tranh tự giải phóng; buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneva, chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương.

TRANG NGUYỄN (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục