Nhân 9 năm ngày Mỹ phát động cuộc chiến tranh tại Iraq (20-3-2003 _ 20-3-2012), nhiều tờ báo của Mỹ đã so sánh chiến lược quân sự của Tổng thống Barack Obama hiện nay với cựu Tổng thống George W.Bush. Đáng chú ý là mặc dù ông Obama không phát động cuộc chiến tranh nào nhưng quân đội Mỹ vẫn hoạt động ráo riết sau hơn 3 năm cầm quyền của ông.
Trao nhiều quyền cho CIA
Theo tạp chí Foreign Policy số ra tháng 3 và 4-2012, khi ông Barack Obama nhậm chức 3 năm trước đây, không ai gắn cụm từ “tiêu diệt có mục tiêu” với vị tổng thống trẻ đầy lạc quan này. Một cách kỳ lạ, công nghệ đã giúp Obama có thể trở thành người mà không mấy ai dự đoán: một tổng thống đã mở rộng rất nhiều khả năng của nhánh hành pháp trong việc phát động chiến tranh bí mật công nghệ cao.
Với một quyết tâm khiến nhiều người ngạc nhiên, Obama đã tận dụng CIA, mở rộng quyền lực của CIA và chấp thuận các vụ tiêu diệt có mục tiêu với số lượng nhiều hơn bất cứ tổng thống đương đại nào. Trong 3 năm qua, Chính phủ của Obama đã thực hiện ít nhất 239 vụ tấn công bí mật bằng máy bay không người lái, nhiều hơn 5 lần so với con số 44 vụ trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống George W. Bush.
Trong một loạt cuộc phỏng vấn gần đây, các quan chức chính quyền đương nhiệm và tiền nhiệm của Mỹ đã phác thảo chiến lược của Obama về sử dụng vũ lực. Việc Obama chủ trương theo chủ nghĩa đa phương, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và sự hiện diện quân sự ít ỏi ở Libya, Pakistan và Yemen đã cho thấy hiệu quả hơn là cách tiếp cận đao to búa lớn của ông Bush ở Iraq và Afghanistan.
Ben Rhodes, Phó cố vấn an ninh quốc gia phụ trách truyền thông chiến lược, cho biết: “Chúng tôi sẽ sử dụng vũ lực đơn phương khi cần thiết để chống lại các mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ. Và chúng tôi sẽ sử dụng vũ lực một cách rất chính xác”. Ông Obama đã cho CIA quá nhiều tự do trong việc thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Pakistan và Yemen. Obama và các quan chức chính quyền khác cho rằng các máy bay không người lái được sử dụng hạn chế và làm chết rất ít dân thường.
Nhưng từ Pakistan cho tới Yemen và một Iraq thời hậu Mỹ, máy bay không người lái thường gây ra sự phản kháng dữ dội ở những nơi nó hoạt động. Khi tấn công, chúng giết chóc không hề kém một loại vũ khí chiến tranh nào. Việc Chính phủ Mỹ xếp các cuộc tấn công trong diện “bí mật” chỉ làm gia tăng sự giận dữ và nghi kỵ của người dân địa phương.
Dưới thời Obama, các cuộc tấn công này đã trở nên quá thường xuyên, quá đơn phương và quá gắn với việc sử dụng sức mạnh Mỹ theo kiểu mạnh tay. Có thời điểm, CIA đã cố triển khai hàng trăm nhân viên ở khắp Pakistan nhưng sau đó đã rút lại kế hoạch vì các quan chức Pakistan đa nghi đã từ chối cấp thị thực cho những người này, đồng thời, CIA đã tích cực sử dụng quyền tự do mà Obama cho phép để thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhiều nhất từ trước tới nay.
Pakistan trở nên giận dữ sau vụ tiêu diệt Bin Laden mà phía Pakistan không được Mỹ báo trước vào tháng 5-2011. Đến tháng 11-2011, tình huống xấu nhất đã xảy ra. Sau khi các cuộc không kích của NATO giết nhầm 24 binh lính Pakistan trên biên giới Afghanistan - Pakistan, Pakistan yêu cầu chấm dứt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và chặn đường tiếp tế cho binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. Cùng lúc, phe đối lập với Tổng thống Zardari mạnh lên nhanh chóng. Sau gần 2 tháng tạm lắng, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lại tiếp diễn tại các vùng dân tộc thiểu số hồi tháng 1 vừa qua.
Tại Yemen, Mỹ thực hiện khoảng 20 vụ không kích tại nước này trong 2 năm 2010-2011, hầu hết trong năm 2011. Ngày 30-9-2011, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã giết chết Anwar al-Awlaki, một giáo sĩ có uy tín sinh ra tại Mỹ mang gốc Yemen, bị cho là kích động các cuộc tấn công khủng bố trên khắp thế giới. Samir Khan, một phần tử thánh chiến người Mỹ gốc Pakistan đi cùng cũng bị giết. Nhiều tuần sau đó, một cuộc tấn công khác đã giết chết con trai 16 tuổi của Awlaki, Abdulrahman al-Awlaki, cũng là một công dân Mỹ.
Ngoài việc tiêu diệt các phần tử có liên hệ với Al - Qaeda, các cuộc tấn công còn làm chết hàng chục dân thường. Theo Gregory Johnsen, một chuyên gia về Yemen tại Đại học Princeton, thay vì làm suy yếu Al-Qaeda, các cuộc tấn công của Obama đã làm tăng thêm quân số của tổ chức này tại Bán đảo Arập từ con số 300 năm 2009 lên hơn 1.000 quân như hiện nay.
Giảm gánh nặng chi phí và mang lại lợi ích lớn
Theo các chuyên gia, việc giữ bí mật các hoạt động quân sự khiến các tòa án Mỹ không thể xem xét tính hợp hiến của nó. Họ chỉ ra rằng, nếu một tổng thống của đảng Cộng hòa đi theo các chính sách như vậy, sự phản đối từ phía tả sẽ cực kỳ ồn ào.
Obama và các quan chức cao cấp của ông đã thành công trong việc giới hạn lại cuộc chiến toàn cầu của ông Bush thành một cuộc chiến có trọng điểm hơn nhằm vào Al-Qaeda. Họ đã chấm dứt sử dụng thuật ngữ “cuộc chiến chống khủng bố” và thay vào đó coi đây là chiến dịch nhằm vào một tổ chức riêng biệt, được xác định rõ ràng.
Các quan chức chính quyền Obama coi việc lật đổ Muammar Gaddafi ở Libya là một ví dụ điển hình cho sự thành công của cách tiếp cận đa phương và có trọng điểm hơn trong sử dụng vũ lực. Với mức độ thương vong của Mỹ bằng không và 1 tỷ USD, cuộc can thiệp ở Libya đã loại bỏ được Gaddafi trong 5 tháng.
Cuộc tấn công chiếm đóng Iraq đã làm 4.484 người Mỹ thiệt mạng, tiêu tốn ít nhất 700 tỷ USD và kéo dài 9 năm. Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes nói: “Dấu ấn nhỏ của Mỹ không chỉ mang lại ích lợi về sinh mạng và nguồn lực. Chúng tôi tin rằng cuộc chiến Libya còn được coi là có tính chính danh hơn. Mỹ được hoan nghênh hơn và có ít khả năng xảy ra nổi dậy hơn vì không có sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài”.
Trong đề xuất tham vọng nhất của mình, chính quyền Obama đang cố gắng tái cấu trúc quân đội Mỹ, thực hiện cắt giảm mạnh chi tiêu và phân bố lại các lực lượng Mỹ trên khắp thế giới. Theo kế hoạch của Obama, lục quân Mỹ sẽ giảm 80.000 quân, một số đơn vị của Mỹ sẽ được chuyển từ Trung Đông sang Thái Bình Dương, và mở thêm các căn cứ nhỏ, bí mật. Các đơn vị thuộc lực lượng đặc nhiệm đã mở rộng quy mô rất lớn tại Iraq và Afghanistan sẽ huấn luyện các lực lượng địa phương và thực hiện các cuộc tập kích chống khủng bố.
Sau khi tuyên bố Al-Qaeda gần như đã bị đánh bại, các quan chức chính quyền nói giờ là lúc chuyển sang một trọng tâm mới. Việc rút quân Mỹ tại Iraq và Afghanistan, cũng như việc xây dựng một lực lượng quân đội nhỏ gọn, linh hoạt hơn trên khắp châu Á, Thái Bình Dương và Trung Đông, cũng là một phần chiến lược quân sự của ông Obama.
Thế nhưng câu hỏi đặt ra là tính hợp pháp của các cuộc chiến bí mật kiểu đột kích giết chết Bin Laden. Phải chăng nước Mỹ vẫn ngang nhiên tiếp tục vi phạm chủ quyền quốc gia các nước khác để bảo vệ lợi ích của mình. Chính cao ủy LHQ về nhân quyền Navi Pillay đã nhắc nhở Mỹ: LHQ lên án khủng bố nhưng cũng có luật lệ cơ bản về cách thức chống khủng bố mà các quốc gia, thành viên bắt buộc phải tuân thủ.
KHÁNH MINH (tổng hợp)