Chiêng Mường Tây Bắc vang tiếng Tây Nguyên

Chiều muộn, trong ngôi nhà sàn đậm bản sắc của người Mường, ông Bùi Văn Sòn (ở thôn 7, xã Tân Lâm, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) tận tình giải thích cho chúng tôi nghe về những giai điệu cồng chiêng của dân tộc Mường. Đã 75 mùa rẫy đi qua, dù đã ở bên kia dốc của cuộc đời nhưng ông vẫn dành một tình cảm đặc biệt cho nét văn hóa của dân tộc Mường, đó là tình yêu cồng chiêng.
Chiêng Mường Tây Bắc vang tiếng Tây Nguyên

Chiều muộn, trong ngôi nhà sàn đậm bản sắc của người Mường, ông Bùi Văn Sòn (ở thôn 7, xã Tân Lâm, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) tận tình giải thích cho chúng tôi nghe về những giai điệu cồng chiêng của dân tộc Mường. Đã 75 mùa rẫy đi qua, dù đã ở bên kia dốc của cuộc đời nhưng ông vẫn dành một tình cảm đặc biệt cho nét văn hóa của dân tộc Mường, đó là tình yêu cồng chiêng.

Mê chiêng từ thuở lên 8

Đường vào nhà ông Sòn không dễ đi nhưng chính vẻ đẹp của ngôi nhà sàn và cốt cách của chủ nhà đã níu chân người ở lại. Trong không gian thoáng đãng của ngôi nhà gỗ ấy, ông trải lòng về tình yêu và niềm đam mê cồng chiêng của mình. Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống về văn nghệ, ba mẹ ông Sòn cũng không phải nghệ nhân cồng chiêng nhưng riêng ông lại say mê cồng chiêng từ khi mới lên 8 tuổi. Ngày đó, sau những giờ tìm kiếm con chữ ở trường, tối đến, cậu bé Sòn lại lân la tiếp cận với tiếng âm thanh trầm bổng vang lên ở mảnh đất Hòa Bình - nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Ngày đó, niềm đam mê cồng chiêng của ông Sòn là những buổi tối đi theo đội cồng chiêng của bản Mường để được xem đánh chiêng, xem các ông bà, anh chị hòa nhịp kết vòng xoay theo từng điệu múa nơi núi rừng Tây Bắc. “Cũng vì âm thanh cồng chiêng ấy mà mấy bận tôi bị cóng cả người vì lạnh. Nhưng vì thích thú nên đêm nào cũng vậy, đội chiêng của bản Mường đánh ở đâu là tôi có mặt ở đó”, ông Sòn chia sẻ.

Niềm đam mê cồng chiêng luôn cháy bỏng trong tâm hồn ông Sòn

Thích thú rồi đam mê, cậu bé tìm cách thực hiện sở thích của riêng mình. Ngày đầu tiếp xúc với chiêng, Sòn chỉ được cầm chiêng, cầm dùi sau khi mọi người trong đội cồng chiêng đã đánh xong. Dần dần, Sòn được những người đi trước hướng dẫn cách đánh chiêng lớn. Sau khi thuần, Sòn xin học qua đánh chiêng nhỏ. Ông Sòn kể lại: “Dù đã biết cách đánh chiêng lớn nhưng khi chuyển qua đánh chiêng nhỏ vẫn còn nhiều bỡ ngỡ lắm. Cái khó là phải đánh sao cho khớp với mọi người, đánh không dứt khoát thì đội chiêng sẽ bị lỡ nhịp”. Sau khi đã thuộc lòng tất cả những bài chiêng, Sòn được bổ sung vào đội chiêng của buôn làng. Cứ như thế, cồng chiêng đã ăn vào máu thịt của Sòn như một niềm đam mê bất tận. Sau những tháng ngày tầm sư học đạo ấy, Sòn trở thành nhân vật không thể thiếu của đội chiêng xứ Mường quê mình. Để rồi kết thúc những buổi biểu diễn cùng các anh chị, cậu bé Sòn lại được dân bản cho rất nhiều bánh kẹo bởi là thành viên chỉ mới 12 tuổi nhưng đã đánh thành thạo cồng chiêng của xứ Mường.

Đội chiêng Mường trên cao nguyên

Mặt trời đã dần khuất sau núi nhưng men rượu đặc trưng của vùng Tây Bắc mà ông Sòn mang ra mời khách và câu chuyện về niềm đam mê cồng chiêng của ông vẫn được gia chủ kể một cách say sưa. Đam mê cồng chiêng nên khi vào lập nghiệp nơi vùng đất mới - cao nguyên Di Linh, Lâm Đồng từ năm 1992, ông Sòn canh cánh một nỗi niềm: Làm sao để thành lập được đội chiêng của người Mường trên đất Tây Nguyên? Không còn được hòa mình với nhịp điệu cồng chiêng nơi bản Mường quê mình, ông Sòn thấy nhớ vô cùng. Nơi vùng đất mới cũng có người Mường, nhưng cồng chiêng của người Mường vẫn chưa phát huy được. Hơn 100 hộ dân tộc Mường của thôn 7, xã Tân Lâm nơi ông sinh sống, người biết đánh cồng chiêng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Để cụ thể giấc mơ của mình, sau nhiều năm tích góp, ông Sòn bỏ ra hơn 20 triệu đồng mua một bộ cồng chiêng gồm 7 chiếc để hàng ngày mang ra đánh. Ông tâm sự: “Để ôn lại những bài chiêng ngày xưa đã học, tôi phải đánh thường xuyên để không quên các thao tác và cũng để thỏa niềm đam mê. Nhưng nếu mình biết đánh chiêng mà không truyền lại cho thế hệ trẻ thì một ngày nào đó ở vùng đất này sẽ không còn ai biết đánh cồng chiêng của người Mường”. Trăn trở như thế nên ông quyết định mở lớp dạy đánh cồng chiêng cho người dân trong thôn. Lúc đầu mở lớp, học viên là những thành viên trong gia đình ông Sòn, tiếp đến là hàng xóm lân cận. Sau một thời gian, giờ đây lớp học đã quy tụ trên 10 thành viên.

Sau một thời gian được ông Sòn tận tình, nhiệt huyết truyền dạy, những người biết chơi chiêng ở thôn 7, xã Tân Lâm đã đủ điều kiện để lập thành đội chiêng. Vào dịp nông nhàn, các lễ hội, dịp xuân về, đội cồng chiêng đã đi biểu diễn không chỉ tại địa phương mà còn ở các vùng lân cận. Ông Đinh Duy Truyền, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Di Linh, cho rằng: “Việc ông Sòn mở lớp dạy đánh chiêng cho bà con người Mường tại địa phương là thiết thực, góp phần đa dạng nét văn hóa và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc Mường ở Tây Nguyên”.

Đông Hà

Tin cùng chuyên mục