
Trong vài năm gần đây, Chile được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động nhất tại châu Mỹ Latin chủ yếu nhờ sự bùng nổ trong lĩnh vực xuất khẩu. Tuy nhiên, do là một quốc gia có đặc điểm địa hình có bề ngang nhỏ hẹp và trải dài dọc theo bờ biển, Chile cũng được xếp vào danh sách các quốc gia phải chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.
Nông nghiệp chịu hậu quả

Mức độ tan chảy nhanh chóng của các sông băng tại Chile cũng là dấu hiệu đáng lo ngại
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đều cho thấy, chỉ trong vòng 40 năm tới, nhiệt độ trung bình của Chile sẽ tăng ít nhất từ 1 đến 1,50C, còn lượng mưa giảm ít nhất từ 10%-15%.
Những thay đổi đáng kể này của khí hậu sẽ có những tác động xấu đầu tiên đến sản xuất nông nghiệp ở miền Trung Chile, là nơi tập trung dân số đông nhất của quốc gia này.
“Nông nghiệp sẽ là lĩnh vực chịu tác động lớn nhất, đặc biệt là các khu rừng, những cánh đồng trồng nho và trái cây tại miền Trung thường dựa chủ yếu vào các hệ thống tưới tiêu” - đó là khẳng định của giáo sư Fernando Santibanez từ Trường Đại học Tổng hợp Chile.
Chile hiện là nước xuất khẩu đồng lớn nhất thế giới nhưng rượu vang, trái cây và các sản phẩm từ lâm nghiệp cũng có vai trò quan trọng, chiếm tới 1/4 tổng giá trị hàng xuất khẩu của quốc gia này.
Giáo sư Santibanez cho rằng, những loại rượu vang nổi tiếng thế giới của Chile có thể phải chịu những tác động xấu đặc biệt từ những thay đổi khí hậu sắp tới. “Nho là loại cây rất nhạy cảm với cái nóng - ông Santibanez nói - Nhiệt độ trung bình cao hơn có thể đẩy nhanh quá trình chín của nho, làm ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng của rượu”.
Chưa kể việc nhiệt độ trung bình chỉ cần tăng lên khoảng 10C sẽ làm bùng phát đáng kể số lượng côn trùng gây hại cho nho.
Cần biết là tổng giá trị rượu vang xuất khẩu của Chile đã phát triển rất nhanh trong 20 năm qua: Từ 2 triệu USD lên thành 1,5 tỷ USD vào năm ngoái. “Rõ ràng là chúng tôi đang lo ngại về tình trạng ấm lên trên toàn cầu - giám đốc Ricardo Poblete của Tập đoàn Rượu vang Chile cho biết - Nhưng còn nhiều cách để thích ứng với tình trạng này”.
Khu vực thung lũng miền Trung Chile từ trước vẫn đặc biệt thích hợp cho việc trồng nho, do có nhiều ngày nắng liên tục, mát mẻ và đêm lại không quá lạnh, còn nước tưới được cung cấp đầy đủ từ tuyết tan trên các đỉnh núi của dãy Andes.
Tuy nhiên, sự thay đổi khí hậu sẽ làm ảnh hưởng nhiều tới những điều kiện lý tưởng trên. Đó là lý do khiến nhiều nhà sản xuất nho lớn đã phải tìm kiếm nhiều khu đất mới mát mẻ hơn nằm gần sát chân dãy Andes.
Lo lắng về nguồn nước
Nhiệt độ trung bình tăng lên còn khiến người Chile còn đặc biệt lo ngại về nguồn nước. Tương tự như nhiều quốc gia khác trong khu vực Andes, mức độ tan chảy của các con sông băng tại Chile cũng tăng lên đáng kể trong vài năm gần đây.
Theo đánh giá, Chile có mức độ ít phụ thuộc hơn vào nguồn nước tan từ các sông băng so với các quốc gia láng giềng như Peru hay Bolivia. Tuy nhiên các nhà khoa học lại lo ngại rằng, sự kết hợp của nhiều yếu tố thay đổi - ít mưa, ít tuyết tan và ít nước dự trữ tại các sông băng - sẽ làm giảm nghiêm trọng lượng nước tại các nguồn cung cấp nói chung, đặc biệt vào các tháng hè.
Sebastian Vicuna, giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu thay đổi toàn cầu (Global Change Research Centre) tại Trường Đại học Tổng hợp Santiago, đã tính toán rằng, con sông Maipo - đang là nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt lớn nhất tại miền Trung - có thể sẽ chịu sự sụt giảm nghiêm trọng về lưu lượng nước trong các tháng hè.
Dựa trên các tính toán mô phỏng thủy học, ông Vicuna ước tính đến năm 2065, lượng nước tại con sông này có thể giảm xuống tới 70% - từ 170m³/giây xuống còn chưa đầy 60m³.
Nguy cơ khủng hoảng năng lượng
Chile chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của toàn thế giới. Nhưng nếu tính toán lượng khí thải này được chia đều theo đầu người, quốc gia này lại là một trong những nước có điều kiện tồi tệ nhất tại châu Mỹ Latin.
Tình trạng này còn trở nên đáng lo ngại hơn nếu biết rằng, Chile hiện chủ yếu tập trung vào việc xây dựng các nhà máy điện dùng than đốt - một biện pháp cấp bách để đối phó với việc Argentina gần như chấm dứt hoàn toàn việc xuất khẩu khí đốt cho các nước láng giềng do sự thiếu hụt năng lượng của chính họ.
Nếu với đà này, thì theo Ủy ban Năng lượng quốc gia Chile, nguyên liệu than đốt sẽ chiếm tới 25% tổng số nguồn điện của Chile vào năm 2020, kéo theo lượng khí thải sẽ tăng lên gấp 4 lần, từ mức 70 triệu tấn mỗi năm lên thành 300 triệu tấn vào năm 2030.
Trước một loạt những dấu hiệu và dự đoán đáng lo ngại này, Chính phủ Chile đã thực sự coi trọng tới tình trạng thay đổi khí hậu, thể hiện bằng cả những hành động cụ thể. Chẳng hạn như chính phủ đã khởi xướng một kế hoạch hành động quốc gia nhằm đối phó với tình trạng thay đổi khí hậu từ tháng 12 năm ngoái.
Chưa kể về quyết định thành lập một bộ phụ trách môi trường mới vừa được Hạ viện thông qua trong tháng này. Constance Nalegach - quan chức đàm phán của Chile tại các cuộc hội đàm về thay đổi khí hậu tại LHQ - đã tuyên bố nước này đã chuẩn bị cho các mục tiêu giảm bớt lượng khí thải của bản thân mình, tuy nhiên cũng hy vọng các nước công nghiệp khác phải có những nỗ lực tương tự để cứu khí hậu trái đất trước khi quá muộn. “Thay đổi khí hậu không còn là vấn đề của tương lai - bà Nalegach kêu gọi - Mà đã trở thành vấn đề của hiện tại”.
LINH NGA (SGGP-12G).-