Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 17-10 đã ký ban hành luật ngân sách mới, kết thúc 16 ngày ngừng hoạt động của chính phủ nước này. Tuy nhiên, ngân sách mới này chỉ gia hạn đến tháng 2-2014, sau đó Quốc hội lại phải thảo luận gói ngân sách mới cho cả năm tài chính 2014.
Tránh nguy cơ vỡ nợ vào phút chót
Theo CNN, vào 9 giờ 3 phút sáng 17-10 giờ Hà Nội (tức 10 giờ 3 phút đêm 16-10, giờ Washington), với 285 phiếu thuận, 144 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại. Trước đó, dự luật được Thượng viện Mỹ thông qua với số phiếu 81/18. Như vậy, Chính phủ Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ chỉ khoảng chưa đầy 2 giờ trước thời hạn cuối cùng là 0 giờ ngày 17-10. Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa từ ngày 1-10 tới nay sau khi lưỡng viện không thống nhất được mức trần nợ công mới của Chính phủ cũng như Hạ viện (với đa số là phe Cộng hòa) đòi ngừng thực hiện luật cải tổ y tế Obamacare.
Đây được xem là chiến thắng của phe Dân chủ và Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, luật vừa thông qua cũng vẫn chỉ mang tính chất tạm thời, theo đó, mức chi tiêu của chính phủ chỉ được gia hạn đến ngày 15-1-2014 và mức trần nợ công chỉ được gia hạn đến ngày 7-2. Luật này cũng không nhắc đến vấn đề Obamacare. Hạ viện và Thượng viện sẽ tiếp tục thảo luận để thông qua toàn bộ kế hoạch chi tiêu cho năm tài khóa 2014 kết thúc vào ngày 30-9-2014. Như vậy, khả năng Chính phủ Mỹ đóng cửa trở lại vẫn còn treo lơ lửng từ nay đến đầu năm 2014.
Theo thăm dò tiến hành mới đây, kể từ ngày Chính phủ Mỹ đóng cửa tới nay, người dân Mỹ tỏ ra giận dữ với cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa vì gây ra bế tắc này, trong đó số người lên án đảng Cộng hòa nhiều hơn. Ngay sau tin Chính phủ Mỹ được mở cửa trở lại, thị trường chứng khoán Mỹ lập tức tăng mạnh với chỉ số công nghiệp Down Jones tăng hơn 200 điểm.
Hệ lụy tiếp theo
Theo giám đốc Văn phòng quản lý ngân sách Mỹ, 450.000 người lao động liên bang Mỹ trở lại làm việc vào buổi sáng 17-10 (giờ Washington). Vườn quốc gia Yosemite là nơi hoạt động trở lại sớm nhất ngay từ tối 16-10. Trước mắt, 1,3 triệu nhân viên liên bang vẫn đi làm trong suốt 16 ngày qua sẽ được trả tiền lương. Chính phủ Mỹ cũng sẽ chi thêm các khoản cứu trợ lũ lụt ở Colorado và tăng cường chữa cháy rừng ở phía Tây.
Sau khi ký ban hành luật, trả lời câu hỏi của các phóng viên liệu tổng thống có tin Chính phủ Mỹ sẽ vượt qua các bất ổn chính trị này một lần nữa trong vài tháng tới hay không, câu trả lời của ông Obama là “không”.
Theo Reuters, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho rằng sự kiện Quốc hội Mỹ thông qua luật ngân sách mới đã giúp kết thúc của một cuộc phiêu lưu khổ sở của người dân Mỹ. “Đây là một trong những chương xấu hổ nhất mà tôi từng chứng kiến trong những năm làm việc ở Thượng viện”, ông McCain nói. Không như nhiều thành viên đảng Cộng hòa khác, ông McCain phản đối việc gắn mức trần nợ công hay chi tiêu của chính phủ với việc sửa đổi Obamacare.
Nhà kinh tế Paul Edelstein tại Tổ chức kinh tế IHS Global Insight phát biểu trên Washington Post: “Các nhà chính trị của đảng Cộng hòa và Dân chủ còn rất nhiều khác biệt về chính sách tài chính, do đó khả năng sẽ tái diễn cuộc khủng hoảng tương tự vào tháng 1-2014”. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, người dân Mỹ sẽ giảm chi tiêu trong dịp lễ cuối năm do lo ngại khả năng chính phủ đóng cửa vào đầu năm 2014. Điều này sẽ càng tác động xấu đến nền kinh tế.
Hơn thế nữa, chính sách tài chính ngắn hạn và bất ổn như vậy cũng gây quan ngại cho các công ty khi họ không tự tin đầu tư. Nhà kinh tế Gregory Daco tại New York cho rằng chính sách tài chính như vậy không khuyến khích kinh tế Mỹ phát triển theo hướng vững bền. Ngoài ra, việc chi tiêu ngân sách eo hẹp sẽ có nguy cơ tăng thêm số người thất nghiệp vượt khỏi con số 11,3 triệu người hiện nay.
THỤY VŨ (tổng hợp)
>> Hạ viện Mỹ bất ngờ hủy kế hoạch bỏ phiếu về ngân sách tạm thời