Chính phủ quy định danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển

(SGGPO).- Sáng 26-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Đại diện cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) Phan Xuân Dũng cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban KHCNMT và ban soạn thảo đã rà soát đối chiếu các quy định trong dự thảo luật này với quy định của các luật quản lý loại tài nguyên, cụ thể như Luật Khoáng sản, Luật Dầu khí, Luật Thủy sản… để chỉnh sửa, bổ sung dự thảo luật, khoanh định rõ phạm vi điều chỉnh của luật này.

Liên quan đến quy định “Cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài”, một quy định được đại biểu quan tâm cho ý kiến, ông Dũng cho biết, hiện nay, việc cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học có yếu tố nước ngoài đã được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường theo Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 4/3/2013 của Chính phủ và không có sự chồng chéo trong vấn đề này.

Tuy nhiên, ban soạn thảo đã tiếp thu và chỉnh sửa, bổ sung quy định cụ thể các điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài phải đáp ứng; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài khi tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam.

Đáng lưu ý, tiếp thu đề nghị bổ sung các quy định về khu vực biển được phép nhận chìm; điều kiện xác định loại vật, chất hay nhóm vật, chất được phép nhận chìm ở biển; quy định về thẩm quyền cấp phép nhận chìm..., dự thảo Luật đã được bổ sung các quy định về khu vực biển được sử dụng để nhận chìm phải tuân thủ quy hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên đới bờ; điều kiện vật, chất được nhận chìm ở biển. Dự thảo giao Chính phủ quy định Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển và việc cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại, thu hồi giấy phép nhận chìm ở biển. Dự thảo cũng đã quy định phân cấp thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển, theo đó UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển được cấp phép nhận chìm ở khu vực biển ven bờ; các khu vực khác do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Yêu cầu đối với việc nhận chìm ở biển, điều kiện đối với vật, chất được nhận chìm ở biển... cũng đã được cụ thể hóa.

Vẫn theo ông Phan Xuân Dũng, Chính phủ sẽ quy định danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển. Tổ chức, cá nhân có vật, chất thuộc danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển đáp ứng đủ điều kiện theo quy định sẽ được xem xét, thẩm định, cấp giấy phép nhận chìm ở biển. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ kiểm soát chặt chẽ quá trình hoạt động nhận chìm ở biển theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan. Vì vậy, Dự thảo Luật không quy định điều kiện đối với tổ chức, cá nhân được phép nhận chìm ở biển để tránh phát sinh các thủ tục hành chính, hạn chế quyền kinh doanh của tổ chức, cá nhân, phù hợp với quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục