Chính phủ sẽ quy định sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản

100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đồng ý cho phép Chính phủ quy định cụ thể về việc sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản.
UBTVQH biểu quyết cho phép Chính phủ quy định cụ thể về việc sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản
UBTVQH biểu quyết cho phép Chính phủ quy định cụ thể về việc sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Tại phiên họp chiều 10-4, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có mặt đã biểu quyết đồng ý cho phép Chính phủ quy định cụ thể về việc sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản khi ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (sửa đổi).

Trước đó, trình bày tờ trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Thủy sản, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã giao Bộ NN-PTNT chủ trì xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (Nghị định số 42/2019/NĐ-CP). Dự thảo nghị định có quy định về việc phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản.

Tuy nhiên, nội dung này chưa được quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020), do vậy, Chính phủ trình UBTVQH xem xét, cho phép Chính phủ quy định phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản tại nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP.

Quy định phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản tại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 42/2019/NĐ-CP nhằm phát hiện nhanh hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, cung cấp bằng chứng, chứng cứ để tiến hành xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, thúc đẩy triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan giải trình tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan giải trình tại phiên họp

Phát biểu giải trình, làm rõ thêm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, trước tình trạng khai thác thủy sản tận diệt trên các vùng biển của nước ta, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN-PTNT xây dựng đề án về nuôi trồng thủy sản, thực hiện chủ trương giảm khai thác, giảm lượng tàu ra khơi, thúc đẩy chuyển đổi nghề nghiệp.

“Bộ NN-PTNT cũng đang cùng các địa phương đẩy mạnh quyết liệt thực hiện vấn đề này”, ông Lê Minh Hoan khẳng định.

Đại biểu dự họp

Đại biểu dự họp

Tán thành việc sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, thời gian qua, không chỉ các cơ quan của Chính phủ mà cả Quốc hội cũng đề cập nhiều đến vấn đề thẻ vàng khai thác thủy sản của Liên minh châu Âu đối với Việt Nam, làm ảnh hưởng đời sống sinh kế người dân Việt Nam và tác động đến doanh nghiệp châu Âu. Do đó, việc tăng cường giám sát quản lý đánh bắt thủy sản không đăng ký không khai báo vừa là thực hiện nghiêm túc cam kết của Việt Nam; vừa là hiện thực hóa chính sách phát triển bền vững.

Đồng thời với quá trình xây dựng nghị định, các cơ quan hữu quan cần tăng cường thêm công tác truyền thông về tác dụng của nghị định này; vừa bảo đảm quản lý, giám sát việc đánh bắt thủy sản không khai báo, không đăng ký để tác động với các cơ quan của châu Âu sớm gỡ bỏ thẻ vàng về lĩnh vực thủy sản, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Tin cùng chuyên mục