Chính phủ thảo luận việc sửa Bộ luật Hình sự năm 2015: Kiên quyết sửa những sai sót

Theo chương trình làm việc của phiên họp thường kỳ tháng 8-2016, sáng 1-9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tiếp tục thảo luận các nội dung liên quan đến công tác xây dựng thể chế, pháp luật.

(SGGP).- Theo chương trình làm việc của phiên họp thường kỳ tháng 8-2016, sáng 1-9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tiếp tục thảo luận các nội dung liên quan đến công tác xây dựng thể chế, pháp luật.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày tờ trình về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13. Theo tờ trình, phạm vi sửa đổi, bổ sung BLHS lần này được xác định là chủ yếu tập trung vào những điều khoản của BLHS năm 2015 có lỗi kỹ thuật mà nếu không sửa thì không bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi nội dung quy định trong một số điều khoản mà không ảnh hưởng đến những chính sách lớn đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và đạt được sự đồng thuận giữa các bộ, ngành nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người phạm tội.

Ý kiến phát biểu của các thành viên Chính phủ tại phiên họp tập trung vào các nội dung như phạm vi sửa đổi, bổ sung BLHS 2015; về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 12 liên quan đến phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; về việc bổ sung chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện vào BLHS 2015; việc bổ sung quy định liên quan đến việc tính hay không tính theo độ tinh khiết đối với các chất ma túy trong các tội phạm về ma túy; việc sửa đổi, bổ sung Điều 292 của BLHS 2015 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

Nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ tội danh quy định tại Điều 292 vì không phù hợp. Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn, việc quy định tội danh này ảnh hưởng đến cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT và viễn thông. Mạng máy tính và viễn thông là công cụ kinh doanh của đa số doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam trong hầu hết các lĩnh vực. Với điều kiện như hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp khó đáp ứng được điều kiện kinh doanh mạng xã hội, bởi trong quá trình khởi nghiệp thì phải thử nghiệm để hoàn thiện mô hình kinh doanh, nếu thử nghiệm thành công với lợi nhuận trên 50 triệu đồng hay có doanh thu trên 500 triệu đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như quy định tại Điều 292 là không hợp lý.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu rút kinh nghiệm, nâng cao trách nhiệm của Ban Soạn thảo và các cơ quan liên quan trong việc xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 với tinh thần thận trọng, đặt chất lượng nên hàng đầu. Đối với những vấn đề qua rà soát khẳng định có sai sót, mà nếu không sửa không thể thi hành được, thì kiên quyết sửa. Đây là bộ luật quan trọng, nội dung tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và liên quan tới tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng luật phải trên cơ sở ý kiến đóng góp của nhiều bộ, ngành, đặc biệt là những cơ quan trực tiếp áp dụng pháp luật. Ban Soạn thảo phải tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và phải bảo đảm sự thống nhất cao đối với những vấn đề lớn, đặc biệt là phạm vi sửa đổi.

Trước đó, Quốc hội có Nghị quyết quy định lùi hiệu lực thi hành của BLHS từ ngày 1-7-2016 đến ngày Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS có hiệu lực thi hành, trừ một số quy định có lợi cho người phạm tội. Quốc hội quyết nghị bổ sung Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 2.

Cũng tại phiên họp ngày 1-9, Chính phủ đã nghe và thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); báo cáo tóm tắt về đề án thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục