Chinh phục Đồng Năn

Chinh phục Đồng Năn

Đồng Năn rộng trên 10.000 ha, bao gồm khu cửa biển Mỏ Ó và bờ bắc sông Mỹ Thanh dài trên 10 cây số thuộc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Thời chống Mỹ, Đồng Năn là căn cứ cách mạng. Sau giải phóng 1975, Đảng bộ và nhân dân Long Phú mở nhiều đợt “chinh phục” Đồng Năn, biến vùng đất hoang hóa năn, lác, lau, sậy ngút ngàn thành đồng tôm công nghiệp có một không hai của cả nước. Đồng Năn làm thay đổi diện mạo một vùng đất; góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng.

  • Khai phá đất hoang
Chinh phục Đồng Năn ảnh 1

Thu hoạch tôm ở Đồng Năn.  Ảnh: LÊ BÌNH - THANH SƠN

Từ thị xã Sóc Trăng, theo tỉnh lộ 8 ra Đồng Năn khoảng 30 km; đường nhựa, bê tông dễ đi. Đứng trên đỉnh cao cống Sáu Quế, nhìn Đồng Năn bạt ngàn những vuông tôm công nghiệp; những căn nhà ngói đỏ; chúng tôi không còn nhận ra Đồng Năn 5 - 6 năm về trước. Anh Lưu Khánh Vân, Chủ tịch Hiệp hội nuôi tôm Sóc Trăng dẫn chúng tôi ra thăm khu nuôi tôm công nghệ cao VITEDI của anh em Lưu Thống Nhứt, Lưu Quốc Việt.

Cuối tháng 7, tôm đang mùa thu hoạch. Những cần xé Tôm Sú đầy ắp xếp thành hàng trên bờ. Anh em họ Lưu và những người cộng sự thành lập công ty cổ phần nuôi 100 ha tôm sú. Họ được coi là người khởi xướng nuôi tôm công nghiệp theo công nghệ cao ở Đồng Năn. Từ ngày thành lập tới nay(năm 2001), họ nuôi tôm được 4 mùa. Năm ngoái là mùa nuôi trúng nhất; công ty thu hoạch trên 700 tấn tôm thịt. Dự báo năm nay, lượng tôm thu hoạch không kém.

Lưu Thống Nhứt kể: “khi chúng tôi đào vuông nuôi tôm, nhiều tay tổ có “nghề”nuôi tôm ở Sóc Trăng “phán”: Anh em “nó” sẽ “chết” ở cái lung này. Họ nói cũng có lý vì đây là cái “rốn” phèn. Chúng tôi đã “rải” xuống đây hàng trăm tấn vôi bột và các loại hóa chất xử phèn. Công cuộc cải tạo vuông tôm gian nan lắm! Mùa đầu tiên(2001), chúng tôi nuôi 50 ha. Tôm lớn hơi chậm nhưng thu hoạch bán vẫn lời hơn 6 tỷ đồng.

Thành công ngoài mong đợi. Hai năm nay, chúng tôi nuôi theo công nghệ vi sinh, tôm lớn nhanh, cho năng suất cao. Nhiều ao nuôi, đạt năng suất từ 20 đến 25 tấn/ha. Khách từ miền Trung, miền Bắc và bà con quanh vùng tới đây rất đông; vừa tham quan vừa học tập kinh nghiệm. Chúng tôi đã mở các cuộc hội thảo về công nghệ mới này. Đồng Năn đang là “ số một” cả nước về nuôi tôm theo công nghệ cao”.

Năm 2003, anh Hai Vân, nguyên Bí thư Huyện ủy Long Phú, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng về hưu. Anh xuống Đồng Năn cất nhà, cùng vợ con nuôi tôm. Anh am hiểu Đồng Năn như chính bản thân mình. Trong chiến tranh chống Mỹ, nhiều hôm đói, ngồi ăn củ năn trừ cơm, anh Hai Vân và các đồng chí lãnh đạo huyện Long Phú ước: giải phóng sẽ cải tạo Đồng Năn để trồng lúa (lúc đó chưa có ý tưởng nuôi tôm, cua).

Anh Hai Vân cho biết: Những năm 1978 - 1982, lãnh đạo Long Phú (anh Hai Vân lúc đó làm Phó Bí thư Huyện ủy) huy động lực lượng nhân công lớn trong huyện lấn biển và cải tạo Đồng Năn. Những ngày làm việc gian khổ để đào kênh, xây cống; bứng từng gốc năn, lác… được đền đáp xứng đáng: Trên 3.000 ha thuộc khu vực Tổng Cán (xã Liêu Tú), Sóc Lèo(lịch Hội Thượng), Nhà Thờ(xã Trung Bình) thành ruộng lúa. Long Phú đã giải quyết được vấn đề lương thực trong thời buổi “củi châu, gạo quế”. Nhờ chinh phục Đồng Năn, lấn biển, phong trào hợp tác hóa mạnh…, Long Phú trở thành huyện điểm của Trung ương một thời gian dài.

Những năm 1990 - 1995, phong trào nuôi cua biển ở Đồng Năn phát triển mạnh. Sau trận triều cường tháng 9 năm 1992 được hai ngày, chúng tôi đã đến Đồng Năn. Anh Tư Liêm, tập đoàn trưởng tập đoàn nuôi thủy sản Mỏ Ó mặt vẫn còn thẫn thờ chỉ cái ngấn nước còn hằn trên nửa vách lá (là trụ sở của tập đoàn) than thở: “Đồng Năn chỉ cách biển một con đê. Đêm, tôi đang ngủ, giựt mình nghe nước chảy dưới giường.

Hốt hoảng, tôi vội chạy ra sân, thấy bà con Đồng Năn náo loạn. Nhìn ra đê, nước từ biển tràn qua, chảy như thác… Tôi bắc thang trèo lên mái nhà coi cảnh Đồng Năn mênh mông biển nước. Nước vào rất nhanh và rút cũng nhanh. Nhưng hậu quả để lại thật ghê gớm. Bao nhiêu cua, cá - công sức, tiền bạc đầu tư của hàng ngàn gia đình nông dân nghèo trong chốc lát cuốn theo cống Sáu Quế về với biển”.

Sau trận triều cường ấy, chính quyền Sóc Trăng huy động lực lượng lớn dân công toàn tỉnh đắp tuyến đê biển, đê sông dài trên 500 km. Tuyến đê vững chãi này được coi là công trình “thế kỷ” của Sóc Trăng. Thất bại, nhưng người dân Đồng Năn không chịu khuất phục; lại bước vào công cuộc cải tạo mới. Họ lên vuông, đắp lại bờ bao; cải tạo đất; vào vụ nuôi trồng mới…

  • Thay đổi diện mạo
Chinh phục Đồng Năn ảnh 2

Nuôi tôm công nghiệp ở Đồng Năn.

Ở Đồng Năn, chúng tôi đi nhiều nơi; gặp lại những người thân quen cũ. Đến ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình, chúng tôi không còn nhận ra những vuông nuôi cua cũ của cựu chiến binh Hồ Minh Ngon; anh nông dân Khmer Lâm Thanh Bình và nhiều bà con khác.

Tất cả đã thành vuông tôm công nghiệp; quạt máy chạy rào rào. Những căn nhà tường cao rộng, mái ngói đỏ au của bà con nơi đây là bằng chứng trong chuyện làm ăn phát đạt của họ.

Trò chuyện với người cựu chiến binh bên vuông tôm sắp thu hoạch, Hồ Minh Ngon khoe: “Năm 1992, lúc anh đến đây, chúng tôi mới lập cư. Nuôi cua hồi đó cũng trúng và lời nhưng không bằng tôm sú. Bây giờ, nhà nào cũng nuôi tôm công nghiệp, trúng lắm! Năm nay, tôi nuôi 3 ha tôm sú theo công nghệ vi sinh của Lưu Thống Nhứt. Chỉ vài ngày nữa, tôi thu hoạch. Hiện tôm đang có giá. Theo ước tính của tôi, 3 ha này, chí ít cũng thu được 35 đến 40 tấn tôm thịt”.

Hồ Minh Ngon và hàng chục gia đình khác sống quần tụ quanh nhà anh là dân nhập cư. Họ từ huyện Hồng Dân, Bạc Liêu lên Đồng Năn những năm 1990 - 1991. Tất cả đều nghèo “rớt mồng tơi”. Họ vét sạch của cải nhà mình mới mua được vài ba ha ở Đồng Năn (lúc đó giá đất rẻ như cho). Vậy mà bây giờ, họ đều thành tỷ phú, triệu phú. Đất ở Đồng Năn bây giờ rất đắt, mỗi ha đã lên vuông trị giá 400 triệu đồng.

Chúng tôi đến nhà Lâm Thanh Bình - người được coi là “huyền thoại” ở Đồng Năn. Bình là nông dân người dân tộc Khmer, hiền lành, chất phác, chuyên đi làm mướn kiếm sống vì ruộng ít. Một đêm năm 1991, Bình đi nhậu với bạn bè; tàn cuộc, trên đường về nhà, anh nhặt được một con cua biển nặng gần 1 kg. Bình đem bán rồi mua cua con về nuôi. Từ đó, anh phất dần. Bây giờ Bình là một trong hàng trăm tỷ phú ở Đồng Năn; có thu nhập vài trăm triệu mỗi năm nhờ nuôi tôm sú và mở các dịch vụ khác phục vụ cho tôm. Tiếp chúng tôi, Bình cười rất tươi: “ Hồi năm 1992, anh đến, em còn nghèo. Bây giờ khá rồi; mời anh ở lại lai rai với em vài “thùng” cho vui!”…

Gặp lại chúng tôi, anh Tư Liêm xúc động. Sau trận triều cường tháng 9 năm 1992, chúng tôi tưởng tập đoàn nuôi thủy sản Mỏ Ó giải tán rồi, không ngờ, giờ lại lên Hợp tác xã mới “ngộ” chứ. Căn nhà lá, vách ngấn nước triều cường đâu còn nữa. Cũng trên nền đất ấy, một ngôi nhà ngói đỏ rộng rãi là trụ sở của Hợp tác xã. Tư Liêm là người có kiến thức và kinh nghiệm sản xuất nên được xã viên tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm 10 năm nay.

Hợp tác xã thủy sản Đồng Năn có trên 100 hộ xã viên; trước nuôi cua, cá kèo, tôm quảng canh; 3 năm nay, chuyển sang nuôi tôm công nghiệp. Sức mạnh của Hợp tác xã mang dấu ấn tập thể từ khâu làm đất, lên vuông, xử lý giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi và thu hoạch. Nhờ vậy, hộ xã viên thu nhập mỗi vụ vài trăm triệu đồng. Anh Hồ Sáu, Bí thư Đảng ủy xã Trung Bình (một phần của Đồng Năn) khẳng định: “ Cách làm ăn hiệu quả của Hợp tác xã thủy sản Mỏ Ó sẽ được nhân rộng ở Đồng Năn”.

Từ ngày về hưu, anh Hai Vân trông săn chắc và khỏe hẳn ra nhờ lao động. Anh trẻ nhiều so với tuổi 65 của mình. Mấy năm nay, anh Hai nuôi tôm trúng. Anh tâm sự: “Mấy chục năm lo chuyện dân, chuyện nước; đâu giúp gì nhiều cho vợ con. Nuôi tôm vừa cải thiện đời sống gia đình vừa rèn luyện sức khỏe. Nói là nghỉ hưu nhưng có nghỉ được đâu! Sóc Trăng mới thành lập hiệp hội nuôi tôm hồi tháng 3. Anh em, bà con tín nhiệm bầu mình làm chủ tịch. Hiệp hội tuy mới thành lập, nhưng đã có hàng chục ngàn hộ tham gia. Hiệp hội chia thành nhiều tổ; sinh hoạt thường xuyên để có tiếng nói chung; hỗ trợ kỹ thuật, vay vốn ngân hàng… Nói chung là có lợi cho người nuôi tôm”.

  • Đồng năn - đồng vàng

Gọi là Đồng Năn nhưng bây giờ tìm một cọng Năn “ làm thuốc” cũng không có. Tất thảy đều là vuông tôm công nghiệp (cả diện tích 3.000 ha lúa trước đây). Đường điện, điện thoại dăng mắc khắp đồng. Ban đêm, đèn điện sáng trưng không thua gì ở “chợ”. Hôm chúng tôi ra thăm công trường xây dựng tuyến đường Nam sông Hậu xuyên giữa Đồng Năn, thấy sinh khí làm việc hối hả, nhộn nhịp mới rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm này của Sóc Trăng. Anh Sáu Cần, người khởi xướng phong trào nuôi tôm công nghiệp ở Sóc Trăng đánh giá: “Đường làm tới đâu, kinh tế – xã hội phát triển tới đó.

Đồng Năn, Long Phú có tuyến đường này thì còn gì bằng. Việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là tôm thương phẩm về Sóc Trăng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh không còn trở ngại”. Ông Quách Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Long Phú cho chúng tôi biết: “Khu kinh tế Đồng Năn và Cảng Trần Đề (cùng một khu vực) đang chuẩn bị xây dựng các nhà máy chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu; chế biến bột cá; trung tâm ương tôm giống; trung tâm khoa học kỹ thuật… Tiềm năng kinh tế - xã hội ở khu vực này lớn lắm, nay mai sẽ được khai thác đúng mức, hiệu quả”.

Ông Huỳnh Thành Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nói về tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội ở Đồng Năn như sau: “Đồng Năn làm thay đổi mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Sóc Trăng. Phá thế độc canh cây lúa. Con tôm ở Đồng Năn nói riêng, Sóc Trăng nói chung đã làm tỉnh giàu lên”.

Sóc Trăng chuyển mình. Đồng Năn đang vận động. Rời Đồng Năn, chúng tôi nghĩ và thán phục những người như anh Hai Vân, Sáu Cần, Lưu Thống Nhứt, Tư Liêm, Lâm Thanh Bình, Hồ Minh Ngon … đã đóng góp một phần không nhỏ biến Đồng Năn thành “ đồng vàng”.

LÊ BÌNH

Tin cùng chuyên mục