(SGGPO).- Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được xem xét, cho ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách trong phiên họp sáng nay, 16-4, và còn được tiếp tục trong cả buổi chiều. Phiên họp được kết nối trực tuyến với tất cả 63 đoàn ĐBQH trên cả nước.
Tất cả các đơn vị hành chính đều có Hội đồng nhân dân
Trình bày dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, do còn có các ý kiến rất khác nhau, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đưa ra 2 phương án về tổ chức chính quyền địa phương.
Quy định nhiệm vụ, quyền hạn đặc trưng, riêng có của chính quyền đô thị nhằm thể hiện sự khác biệt giữa chính quyền đô thị, nông thôn. Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị trấn ngoài việc quyết định về ngân sách, nhân sự, giám sát (như ở địa bàn nông thôn) còn tập trung quyết định các vấn đề quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, sắp xếp mạng lưới thương mại, dịch vụ, du lịch đô thị, quản lý dân cư và tổ chức đời sống dân cư đô thị, các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị,... Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân ở quận và phường chủ yếu tập trung quyết định những vấn đề về ngân sách, nhân sự và giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân mà không quyết định về quy hoạch do địa bàn quận và phường là những đô thị lõi, đã đô thị hóa hoàn toàn nên để bảo đảm tính liên thông, thống nhất, những vấn đề này sẽ do chính quyền thành phố trực thuộc trung ương quyết định.
Ở phương án 1, tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân); nhưng làm rõ trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo.
Với phương án 2, các đơn vị hành chính như tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, thị trấn đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân). Riêng ở phường, do đặc điểm đô thị, không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức Ủy ban nhân dân để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.
“Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực cụ thể cũng như cách thức thực hiện cần được xác định trong các đạo luật chuyên ngành. Tuy nhiên, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ các nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương cũng như trách nhiệm cụ thể của các cấp chính quyền trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khi được phân cấp, ủy quyền”, ông Phan Trung Lý giải thích.
Phát biểu tại phiên họp, hầu hết các ý kiến đều bày tỏ ủng hộ việc tổ chức chính quyền địa phương theo phương án 1.
Ông Nguyễn Đình Bích, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng nhận định, phương án này thể hiện rõ tính chất “do dân, vì dân” của chính quyền địa phương; thể hiện sự thống nhất giữa việc phân chia đơn vị hành chính với việc thiết lập tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, đồng thời phù hợp với tổ chức của hệ thống chính trị hiện nay của nước ta là ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện đều có các tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội; đáp ứng được yêu cầu phải có sự kiểm soát của Hội đồng nhân dân đối với Ủy ban nhân dân các cấp...
Phân định rõ sự khác biệt giữa chính quyền đô thị và nông thôn
Đó là quan điểm của các đại biểu Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, Nguyễn Thị Thanh Thủy (Hậu Giang), Trần Minh Diệu (Quảng Bình)…
Đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn nhận xét, nếu đặt mục tiêu giữ ổn định hệ thống hành chính hiện có thì dư địa cải cách không nhiều. “Nếu đặt mục tiêu như vậy thì lựa chọn phương án 1 như dự thảo là việc không có gì phải bàn. Nhưng trong phương án đó, cần thiết kế rõ hơn về chính quyền đô thị; thể hiện sự khác biệt trong mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Ngay cả cùng là đô thị thì chính quyền thành phố trực thuộc trung ương vẫn khác chính quyền thành phố, thị xã thuộc tỉnh; chính quyền thị trấn lại càng phải khác”, ông nói.
Cũng theo đại biểu Trần Du Lịch, tuy dự thảo đã nêu ra những nguyên tắc về phân cấp, phân quyền và ủy quyền giữa các cấp chính quyền từ trung ương và địa phương; nhưng như vậy chưa đủ mà phải quy định rất cụ thể vào luật này, vì đây chính là chìa khóa quan trọng để chính quyền địa phương phát huy năng lực sáng tạo của mình trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. “Tôi đọc nhiều luật chuyên ngành khác thấy rất “mờ”, ông nói.
Phát biểu sau đó, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) bày tỏ đồng tình cao với đại biểu Trần Du Lịch và cho rằng nếu không phân định rõ thẩm quyền và sự phân cấp, phân quyền thì những cái vướng hiện nay không giải tỏa được.
| |
ANH PHƯƠNG