Chính sách hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số còn mang tính ngắn hạn

  Phát biểu tại phiên họp của UBTVQH ngày 15-10, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, việc Hội đồng Dân tộc của Quốc hội sẽ trình bày báo cáo thẩm tra tại kỳ họp tới của Quốc hội là một điểm đặc biệt của nhiệm kỳ này.

 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến

Theo báo cáo của Chính phủ, 53 dân tộc thiểu số hiện có 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Hiện nay có 118 chương trình, chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Để thực hiện giảm nghèo bền vững từ 2016 - 2018, nguồn lực ngân sách Trung ương bố trí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là: 21.597,557 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 52,1% tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2016 - 2020. Nhờ đó, đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã ATK, vùng dân tộc thiểu số, miền núi giảm xuống còn 35,28% (giảm 4,33% so với năm 2016).

Tuy nhiên, hiện nay vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là lõi nghèo của cả nước, đến cuối năm 2017 còn gần 865 ngàn hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm tới 52,66% tổng số hộ nghèo cả nước.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhìn nhận, trong ba năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực để triển khai các nghị quyết của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội  trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Song việc ban hành các chính sách còn mang tính ngắn hạn, tư duy nhiệm kỳ, thiếu tính chiến lược. Có trường hợp chính sách vừa ban hành đã hết thời hạn thực hiện, như quyết định số 33/2015 ngày 10/8/2015 về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015.

Nhìn chung, trong số các chính sách dân tộc trực tiếp đang có hiệu lực, chỉ có 16 chính sách qui định cho vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. 18 chính sách qui định cho người dân tộc thiểu số, người công tác tại vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn. 9 chính sách qui định trực tiếp cho người dân tộc thiểu số, còn 11 chính sách chung cho mọi đối tượng trong cả nước. Còn phần lớn chính sách chung là áp dụng cho toàn quốc, hoặc phạm vi vùng; rất nhiều chính sách không liên quan trực tiếp đến đối tượng dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, trên cùng địa bàn, cùng đối tượng nhưng mức hỗ trợ một số chính sách khác nhau gây khó khăn trong thực hiện và đánh giá hiệu quả. Các chính sách thường hỗ trợ, cho không, giải quyết tình thế, chưa tập trung đầu tư phát triển để khai thác các thế mạnh vùng, chưa có chính sách khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững. Mục tiêu chính sách đề ra lớn nhưng thời gian và nguồn lực bố trí hạn chế, thường phải kéo dài thêm.

Báo cáo thẩm tra cũng cho rằng chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, xu hướng gia tăng khoảng cách giàu - nghèo ngày càng rõ rệt. Tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, miền, nhiều huyện thuộc Chương trình 30a có tỷ lệ hộ nghèo rất cao…

Tin cùng chuyên mục