Sau 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, “Thanh long Bình Thuận” đã chính thức được Cục Công nghiệp thực phẩm thuộc Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Ngày 29-12, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức lễ công bố cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, sau 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, “Thanh long Bình Thuận” đã chính thức được Cục Công nghiệp thực phẩm thuộc Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào ngày 7-10-2021.
Tại buổi lễ, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã trao văn bằng chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản cho lãnh đạo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận.
Thanh long Bình Thuận đã được Nhật Bản đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Đây là sản phẩm thứ 2 của Việt Nam (sau vải thiều Lục Ngạn) đã được Nhật Bản bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Theo quy định, trái thanh long của tỉnh Bình Thuận khi vào thị trường Nhật Bản phải sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP), có trọng lượng mỗi trái từ 300gram trở lên. Ngoài ra, sản phẩm phải phù hợp với Luật Vệ sinh môi trường của Nhật Bản và qua các bước kiểm dịch động thực vật trước khi vào thị trường này.
Bình Thuận đang là địa phương có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất cả nước Như vậy, với việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, thanh long Bình Thuận đã khẳng định uy tín đối với thị trường này, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia,...
Với diện tích trên 32.000ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 700.000 tấn, Bình Thuận đã được xem là "thủ phủ" thanh long của Việt Nam.
NGUYỄN TIẾN