Những điểm mới của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TPHCM
Bên cạnh 6 chương trình đột phá kế thừa từ nhiệm kỳ trước, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X bổ sung chương trình thứ 7 là Chỉnh trang và phát triển đô thị. Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2025, thành phố (TP) hoàn thành di dời toàn bộ 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh rạch, để chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ. Riêng giai đoạn 2015-2020, tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn. Đây được xem là một trong những bước đột phá để TPHCM phát triển.
Tổ chức lại cuộc sống cho hơn 36.000 hộ gia đình
Thực tiễn quá trình quản lý và phát triển đô thị TPHCM cho thấy, chỉnh trang đô thị là cơ sở để phát triển đô thị. Nội hàm của chỉnh trang và phát triển đô thị bao gồm: Di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch; xây dựng mới, thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp; chỉnh trang, nâng cấp các khu dân cư hiện hữu; xây dựng, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại.
Trong thời gian qua, TP đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho hơn 36.000 hộ gia đình sống trên và ven kênh, rạch; hàng ngàn hộ gia đình sống tại các chung cư hư hỏng, xuống cấp; nhiều khu đô thị hiện hữu được chỉnh trang, nâng cấp hẻm, lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước và nâng cấp, sửa chữa nhà ở của nhân dân. Bộ mặt đô thị của TP đã có nhiều đổi thay căn bản, không gian đô thị phát triển rộng hơn, nhiều khu đô thị mới mọc lên với nhiều tiện ích phục vụ nhu cầu cho cư dân được tốt hơn.
Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn; còn khoảng 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch; còn nhiều chung cư hư hỏng, xuống cấp cần phải tổ chức di dời và xây dựng mới; còn nhiều khu đô thị hiện hữu cần phải chỉnh trang. Tiến độ đầu tư phát triển khu đô thị mới theo quy hoạch còn chậm. Thực tế đó đòi hỏi phải có sự đột phá về tư duy, về mục tiêu, đột phá trong công tác chỉ đạo và về tổ chức thực hiện, để đem lại kết quả tốt hơn.
Góp phần xây dựng TP có chất lượng sống tốt
Mục tiêu của chỉnh trang và phát triển đô thị chính là tổ chức lại cuộc sống của dân cư, cải thiện điều kiện sống, tăng mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ công; tạo môi trường sống tốt hơn, hợp lý, hài hòa với không gian kiến trúc, cảnh quan; phù hợp với sự phát triển chung của đô thị đặc biệt; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Việc di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch, các chung cư cũ, hư hỏng, xuống cấp không chỉ cải thiện và nâng cao chất lượng nhà ở của nhân dân mà còn góp phần giảm ngập nước; giảm ô nhiễm môi trường và có thêm quỹ đất để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tăng diện tích mảng xanh và cây xanh, góp phần giảm ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng môi trường, cảnh quan đô thị. Do vậy, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, khoa học và hiệu quả giữa các Chương trình Giảm ngập nước, Giảm ô nhiễm môi trường, Giảm ùn tắc giao thông với Chỉnh trang và phát triển đô thị.
Người dân tập thể dục trong môi trường xanh, sạch bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: VIỆT DŨNG
Có thể nói, việc xây dựng thêm Chương trình đột phá Chỉnh trang và phát triển đô thị là cần thiết, thể hiện sự tiếp nối không mệt mỏi, sự kiên trì và quyết tâm chính trị của Đảng bộ TP về chăm lo cuộc sống nhân dân.
Phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị
Đây là chương trình lớn, phức tạp, có nhiều khó khăn. Để hiện thực hóa, cần được thảo luận kỹ lưỡng để tìm ra các giải pháp phù hợp, khả thi.
Thực hiện phương thức xã hội hóa đầu tư dự án chỉnh trang và phát triển đô thị nhằm huy động mọi nguồn lực, các thành phần kinh tế cùng tham gia. Chuyển đổi một phần nhà tái định cư không còn nhu cầu sử dụng sang nhà ở xã hội, để giải quyết nhu cầu nhà ở cho các trường hợp bị giải tỏa, di dời nhưng không đủ điều kiện mua nhà ở thương mại, nhằm tạo điều kiện cho các hộ gia đình lao động nghèo, thu nhập thấp có nhà ở hợp pháp, ổn định cuộc sống.
Nâng cao năng lực quản lý đô thị của các cấp chính quyền TP. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, quản lý đầu tư; quán triệt quan điểm phát triển đô thị bền vững khi thực hiện quản lý, điều hành phát triển đô thị.
Trong quá trình thực hiện, phải bám sát sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân, sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là sự chia sẻ, chung sức của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.
Rõ ràng và chắc chắn rằng, phải huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau trong xã hội, phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, để chương trình đi vào cuộc sống với tính chất “đột phá” nhiều hơn, cụ thể hơn và đậm nét hơn; từ đó đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
TRẦN TRỌNG TUẤN
Thành ủy viên - Giám đốc Sở Xây dựng