Chính trường Mỹ dậy sóng sau vụ sa thải giám đốc FBI

Động thái sa thải Giám đốc FBI Comey của Tổng thống Trump đã khiến giới chính trị Washington chấn động và vấp phải làn sóng phản đối từ chính một số nghị sĩ đảng Cộng hòa.
Tổng thống Donald Trump và ông James Comey trong một cuộc gặp vào năm 2017
Tổng thống Donald Trump và ông James Comey trong một cuộc gặp vào năm 2017
Vụ Tổng thống Donald Trump bất ngờ sa thải Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey giữa thời điểm vụ điều tra các cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử năm ngoái vẫn chưa hoàn thành đã làm chính trường Mỹ dậy sóng. 
Kết cục được dự báo trước 
Động thái sa thải Giám đốc FBI Comey của Tổng thống Trump đã khiến giới chính trị Washington chấn động và vấp phải làn sóng phản đối từ chính một số nghị sĩ đảng Cộng hòa. Trong khi đó, nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ đã công khai cáo buộc Nhà Trắng đang tìm cách can thiệp vào cuộc điều tra của FBI về khả năng nhiều cố vấn của ông Trump đã bắt tay với Nga để tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái. Để bảo vệ quyết định bất ngờ và gây sốc của ông Trump, vào tối ngày 10-5 (giờ địa phương), Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer đã khá chật vật để trả lời các câu hỏi xoay quanh chủ đề này. Trả lời câu hỏi về vai trò của Thứ trưởng Tư pháp Rod Roseinstein trong vụ sa thải Giám đốc FBI Comey, Spicer cho biết Tổng thống Trump đã ra quyết định rất nhanh chóng sau khi nhận được bản ghi nhớ của Rosenstein cùng lá thư của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, khuyến nghị sa thải người đứng đầu FBI. Tổng thống Trump đã phản bác mạnh những người chỉ trích ông, gọi các nghị sĩ Dân chủ là “đạo đức giả”, đồng thời bảo vệ quyết định sa thải ông Comey. Trước khi bị sa thải, ông Comey đã giữ vị trí người đứng đầu FBI kể từ năm 2013.
Theo New York Times, quyết định sa thải Giám đốc FBI James Comey của ông Donald Trump là một kết cục đã được dự báo trước. Việc sa thải ông Comey là đỉnh điểm của mối quan hệ “bằng mặt mà không bằng lòng” giữa ông và Trump đã kéo dài suốt hơn một năm qua. Quan hệ giữa hai ông Trump và ông  Comey bắt đầu lao dốc kể từ khi ông Comey bảo vệ bà Hillary Clinton khi FBI điều tra vụ rò rỉ email của bà - động thái này đi ngược lại quan điểm chỉ trích bà Clinton gay gắt của ông Trump khi còn tranh cử. Tình hình càng xấu đi khi Trump đắc cử và ông Comey từ chối ủng hộ cáo buộc chính quyền cựu Tổng thống Obama nghe lén Tháp Trump. Mối quan hệ giữa 2 người chạm đáy khi cựu giám đốc FBI xác nhận khi làm chứng trước Quốc hội rằng FBI đang mở rộng điều tra mối liên hệ giữa nhóm vận động tranh cử của ông Trump và Nga. CNN cho rằng, một yếu tố quan trọng thúc đẩy Trump ra quyết định sa thải Comey là cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử. Trước khi bị sa thải, ông Comey được cho là đã đề nghị Bộ Tư Pháp tăng nguồn lực phục vụ quá trình điều tra mối liên hệ giữa đội ngũ tranh cử của ông Trump với Nga.
Sau đó, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và cấp dưới Rod J. Rosenstein đã công bố 2 lá thư khẳng định ông Comey đã có sai phạm khi chỉ đạo vụ điều tra về email của bà Clinton, công khai thông tin xúc phạm về bà khi kết thúc điều tra và còn nói không nên truy tố bà. Ông Rosenstein cáo buộc ông Comey đã tìm cách tiếm quyền của Bộ trưởng Tư pháp khi công khai tuyên bố rằng ông không tin bà Clinton sẽ bị truy tố trong cuộc họp báo hôm 5-7-2016. Tuy nhiên, lý lẽ này lại trái ngược hoàn toàn với dòng tweet trên Twitter của ông Trump hồi tuần trước. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố: “Giám đốc FBI Comey là điều may mắn nhất đến với bà Clinton, vì ông ta bỏ qua quá nhiều tội lỗi của bà!” Giới chức Nhà trắng cho biết, Tổng thống Trump đã cân nhắc việc sa thải ông Comey ngay từ khi lên nắm quyền, nhưng suy nghĩ này thôi thúc ông Trump mạnh mẽ nhất là vào thời điểm ít nhất 1 tuần trước khi công bố quyết định vào ngày 9-5.  
Chính trường Mỹ dậy sóng sau vụ sa thải giám đốc FBI ảnh 1 Biểu tình phản đối quyết định sa thải Giám đốc FBI của Tổng thống Trump trước Nhà Trắng 
Phản đối gay gắt
Sau khi ông Comey bị sa thải, ngày 11-5, trả lời câu hỏi về việc mở rộng điều tra vụ Nga can thiệp bầu cử, người phát ngôn Nhà Trắng San Sanders cũng cho rằng việc bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt liên quan đến cuộc điều tra về Nga là không cần thiết. Theo bà Sanders, không có bằng chứng về sự liên hệ giữa nhóm vận động tranh cử của ông Trump với Nga. Theo đó, Nhà Trắng mong muốn cuộc điều tra hiện nay sớm kết thúc để tất cả có thể tập trung vào những công việc liên quan đến phần lớn người dân Mỹ.
Cùng ngày, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mỹ, Nghị sĩ đảng Cộng hòa, ông Mitch McConnell tuyên bố không ủng hộ tiến hành điều tra bổ sung về cáo buộc nói trên. Trước đó, thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện, nghị sĩ đảng Dân chủ, Chuck Schumer một lần nữa kêu gọi thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra vụ việc, khẳng định vấn đề đang càng trở nên cấp thiết hơn sau khi ông Comey bất ngờ bị sa thải. Trả lời phỏng vấn về quyết định sa thải của ông Trump với kênh truyền hình CBS, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định vụ việc này không ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước. Nga cũng không liên quan đến điều này.
Dư luận Mỹ tỏ ra không đồng tình với quyết định của ông Trump. Tại các thành phố lớn như Washington, Chicago, nhiều người đã xuống đường biểu tình đề nghị tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nghi vấn liên hệ giữa đội ngũ của ông Trump với Nga. Hàng trăm người đã tập trung bên ngoài Nhà Trắng để phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải Giám đốc FBI.
Tỷ lệ ủng hộ ông Trump đang xuống thấp kỷ lục. Theo kết quả của cuộc khảo sát do Đại học Quinnipiac tiến hành và công bố ngày 10-5, 36% số người được hỏi đồng tình với những gì mà ông Donald Trump đã làm trên cương vị tổng thống Mỹ, trong khi tỷ lệ không ủng hộ ông chủ Nhà Trắng là 58%. So với kết quả của cuộc khảo sát gần đây nhất được tiến hành từ giữa tháng 4, sau khi Mỹ tiến hành cuộc không kích nhằm vào căn cứ không quân tại Syria, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump đã giảm 4%.

Tin cùng chuyên mục