Xử tội phạm tham nhũng mạnh tay, dân mới tin

ĐB Nguyễn Bá Thuyền
Xử tội phạm tham nhũng mạnh tay, dân mới tin
Ông Đinh Xuân Thảo

Ông Đinh Xuân Thảo

(SGGPO).- Trọn ngày hôm nay 7-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN). Đây là những nội dung được người dân đặc biệt quan tâm. Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của QH, trao đổi với PV Báo SGGP liên quan đến công tác PCTN.

* Phóng viên: Vừa qua, thảo luận tại tổ về công tác PCTN, rất nhiều ĐBQH trăn trở về công tác đấu tranh chống tham nhũng chưa đáp ứng mong mỏi của nhân dân, thậm chí đang khiến nhân dân mất niềm tin?

* Ông Đinh Xuân Thảo: PCTN là mặt trận được Đảng, Nhà nước, nhân dân, cả hệ thống chính trị quan tâm. Hệ thống pháp luật rất đầy đủ, vấn đề là khâu tổ chức thực thi như thế nào.

Lâu nay, công tác PCTN cũng đã làm được một số vụ việc, nhưng đúng là cuộc chiến này còn rất nan giải, chưa thể ngày một ngày hai là thắng, mà phải hết sức kiên trì, làm liên tục, thường xuyên, phải huy động cả hệ thống chính trị, xã hội, toàn dân cùng chung tiếng nói, quyết tâm để thực hiện. Về kết quả thực hiện cụ thể thì cơ quan điều tra, cơ quan xét xử đã làm được rất nhiều, nhưng vẫn chủ yếu là những vụ việc nhỏ, dân ít quan tâm. Khâu tuyên truyền lại chưa nhiều nên dân chưa thấy được tác dụng của công tác đấu tranh PCTN.

Thường, dân chỉ để ý đến những vụ rất lớn, rất điển hình nhưng chúng ta lại làm chậm, chưa đưa ra xét xử được. Vì vậy, nếu nhìn vào đó để đánh giá, cuộc đấu tranh đấu tranh PCTN của chúng ta chưa tốt, chưa công bằng. Nhìn vào các nước láng giềng, họ đưa ra xét xử những vụ điển hình rất mạnh, rất có tác động với người dân. Ở ta, công tác điều tra, xét xử tội phạm tham nhũng cần làm mạnh hơn, để người dân có niềm tin hơn.

* Theo ông, đâu là những kẽ hở lớn khiến tình trạng tham nhũng ở ta chưa được ngăn chặn?

* Vừa qua, chúng tôi mời các chuyên gia PCTN quốc tế đến tham vấn. Họ nói mỗi nước có một đặc thù riêng, điều mà họ quan tâm nhất trong PCTN là sơ hở trong sự khác biệt quản lý luật pháp giữa các nước. Nếu sơ hở càng lớn thì tham nhũng càng nhiều, còn một khi quản lý luật pháp đã chặt chẽ thì cơ hội tham nhũng cũng ít đi.

Một khác biệt lớn của nước ta với nhiều nước trên thế giới là tập quán dùng tiền mặt. Vì thế quản lý của họ dễ hơn, còn ở ta 70-80% vẫn thanh toán bằng tiền mặt nên khó khăn hơn trong công tác PCTN. Điều này đòi hỏi cần phải có cả một quá trình.

Hiện nay chúng ta đã yêu cầu kê khai tài sản và qua thanh tra cũng đã phát hiện một số trường hợp kê khai không đúng, tuy nhiên xử lý trong khâu này còn quá nhẹ. Giờ chúng ta phải chấn chỉnh điều đó, phải đưa kê khai tài sản thành một phương thức hữu hiệu để phát hiện tham nhũng.

* Một trong những vụ án tham nhũng được người dân quan tâm nhất và cũng bức xúc nhất là vụ Vinalines, trong đó có hành vi rút ruột hàng triệu USD tiền nhà nước của Dương Chí Dũng. Nhiều ĐBQH nói hiện tượng Dương Chí Dũng không phải là cá biệt, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, thực chất vấn đề còn nghiêm trọng hơn rất nhiều những chuyện đã được phanh phui, đưa ra ánh sáng. Ông nghĩ sao?

* Vụ tiêu cực tại Vinalines, cơ quan đã khởi tố vụ án, đề nghị truy tố ông Dương Chí Dũng cùng 9 bị can khác về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong vụ này, việc xác định tội danh tham nhũng vẫn đang tiếp tục xem xét. Nhưng việc lãng phí, thất thoát đã rất rõ. Về nguyên tắc, anh được giao quản lý tài sản, vốn của Nhà nước thì phải có trách nhiệm cao, vì nếu đi mua đúng chủng loại tốt thì có hiệu quả sử dụng, còn anh mua tàu cũ dù rẻ mà không sử dụng được thì gây lãng phí rất lớn cho tài sản Nhà nước. Chúng ta cần bóc tách đâu là tham nhũng, đâu là lãng phí, đâu là cố ý, đâu là thuộc về năng lực trình độ. Đó là những điều cần làm rõ trong quá trình đấu tranh với tội phạm tham nhũng.

Tôi cho rằng để điều tra tội phạm tham nhũng hiệu quả, cơ quan có trách nhiệm cần phải có năng lực thật sự, có đầu tư thích đáng về tổ chức, mô hình, cách thức đấu tranh với loại tội phạm này để đạt hiệu quả cao. Ở Anh, họ có tổ chức điều tra riêng, đặc biệt để đấu tranh chống tội phạm tham nhũng.

* Theo ông, ranh giới giữa lãng phí và tham nhũng có khó phân biệt?

* Phải chứng minh được việc làm sai trái dẫn đến thu nhập bất chính. Có thể anh đầu tư một công trình bạc tỷ nhưng đắp chiếu, nhưng nếu do trình độ yếu kém thì khó quy kết tham nhũng. Nhưng khi đã mua máy móc mà có hành vi lợi dụng để ăn chênh lệch giá chẳng hạn, thì đó là tham nhũng.

“Tôi đề nghị Nhà nước phải làm mạnh giải pháp quản lý tài sản của cán bộ. Tài sản có nguồn gốc bất minh, có liên quan đến sai phạm của cán bộ cần được kê biên ngay lập tức. Nếu không được điều đó, cán bộ sẵn sàng chuyển hết tài sản cho con em, người thân. Mọi thanh toán trong xã hội cần phải qua tài khoản thì mới minh bạch được tài sản để chống tham nhũng. Tôi vẫn bảo lưu quan điểm cần thành lập Ủy ban Điều tra phòng chống tham nhũng độc lập, tập trung xử lý những cán bộ tham nhũng cấp cao, từ cấp sở trở lên. Chỉ khi làm được như vậy thì mới tác động đến được toàn hệ thống”.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng)

Phan Thảo thực hiện

Tin cùng chuyên mục