Hỗ trợ đúng đối tượng để tạo động lực thoát nghèo

Phân loại để hỗ trợ hiệu quả
Hỗ trợ đúng đối tượng để tạo động lực thoát nghèo

Ngày 7-6, Quốc hội đã nghe và thảo luận báo cáo giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005 - 2012” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Làm sao để thoát nghèo một cách bền vững là nội dung xuyên suốt được nhiều đại biểu quan tâm, hiến kế.

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) phát biểu tại hội trường.

Phân loại để hỗ trợ hiệu quả

Theo báo cáo giám sát, ở cấp quốc gia thành tựu giảm nghèo có thể thấy rõ ở cả chuẩn quốc gia và quốc tế. Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% năm 2005 xuống 9,45% năm 2010 (chuẩn cũ) và từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012 (chuẩn giai đoạn 2011 - 2015). Đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo theo các nghị quyết của Quốc hội hàng năm, 5 năm cho thấy, giai đoạn 2005 - 2012 tỷ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu, bình quân giai đoạn này, mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 2,3% - 2,5%.

Phát biểu tại hội trường, hầu hết các đại biểu (ĐB) Quốc hội đều đánh giá cao những kết quả đạt được của công tác xóa đói, giảm nghèo thời gian qua. Tuy nhiên, các ĐB đều cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo thời gian qua giảm nhưng vẫn chưa bền vững, dễ tái nghèo; việc hỗ trợ còn dàn trải.

Để việc giảm nghèo đạt hiệu quả cao hơn, theo ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), cần có sự phân loại người nghèo, hộ nghèo bất khả kháng thể thoát nghèo với những đối tượng khác để có chính sách hỗ trợ. Những hộ có khả năng thoát nghèo phải có chính sách để họ vươn lên thoát nghèo chứ không thể hỗ trợ tràn lan cho cả những người lười lao động, rượu chè say xỉn… không muốn thoát nghèo vì sợ mất trợ cấp.

Chính phủ cần xem xét kỹ điều kiện người nghèo, hộ nghèo và khắc phục hỗ trợ chồng chéo, manh mún. Theo quan điểm của ĐB Lê Phước Thanh (Quảng Nam), cần phân loại người nghèo thành 4 nhóm: nhóm có khả năng sản xuất nhưng thiếu vốn, kỹ năng lao động; nhóm bị ảnh hưởng thiên tai, bệnh tật; nhóm không có khả năng lao động như người già, người có công; nhóm có khả năng lao động nhưng lười lao động. Từ đó sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp hạn chế tư tưởng xin được nghèo.

Được đề nghị phát biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh chia sẻ, những năm qua, trong điều kiện kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào Quốc hội, Chính phủ vẫn dành nguồn lực đáng kể cho xóa đói giảm nghèo. Tổng ngân sách và có tính chất ngân sách 7 năm qua đã đầu tư 864.000 tỷ đồng cho vấn đề này.

Đồng tình với ý kiến của ĐB Ngô Thị Minh, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận, trong hỗ trợ người nghèo vừa qua có thực tế là ai nghèo cũng được hỗ trợ. Điều này đã làm cho hiệu quả của việc giảm nghèo thậm chí phản tác dụng, khuyến khích người nghèo lười lao động. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, việc hỗ trợ giúp đỡ người nghèo là việc làm nhân đạo nhưng phải tạo ra động cơ, động lực để người nghèo thoát nghèo.

Đồng ý với quan điểm của một số ĐB là giúp đỡ có điều kiện, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng có thể hỗ trợ cho người nghèo trong 2 năm và yêu cầu cam kết vươn lên. Bên cạnh đó cũng cần thay đổi tiêu chuẩn hộ nghèo (hiện thành thị là 500.000 đồng/người/tháng và nông thôn là 400.000 đồng/người/tháng) vì thực tế tiêu chí này chưa thay đổi nên dù số người nghèo giảm nhưng nhiều nơi, nhiều người xin ở lại làm hộ nghèo vì dù thoát nghèo nhưng thực tế thu nhập không đủ sống.

“Cùng với đó là tăng cường nhận thức cho người nghèo để họ có ý chí vươn lên thoát nghèo với sự hỗ trợ của nhà nước. Phải thấy xấu hổ khi có điều kiện nhưng không vươn lên thoát nghèo, những người sức dài vai rộng mà lười lao động thì dứt khoát phải có cách”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào vùng khó khăn

Hầu hết các ĐB Quốc hội đều cho rằng, kết quả giảm nghèo là rất lớn, nhưng khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, vì thế cần có chính sách để thu hút đầu tư, doanh nghiệp vào những khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ có thế thì công tác giảm nghèo khu vực này mới bền vững. “Đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách đặc thù để đầu tư phát triển ở vùng đồng bào dân tộc, khu vực biên giới, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội khu vực này, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của đất nước”, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) đề xuất.

Còn theo ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh), Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích mạnh hơn nữa cho doanh nghiệp để họ đầu tư vào khu vực nông thôn như đầu tư khâu giống, công nghệ mới, chế biến và tiêu thụ sản phẩm... Bởi thực tế, doanh nghiệp ngại đầu tư vào lĩnh vực này do rủi ro cao, lợi nhuận thấp.

Cùng quan điểm, ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng cần ban hành chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào khu vực nông thôn một cách tập trung như trung tâm dạy nghề theo đặc điểm từng địa bàn hoặc nhà nước và doanh nghiệp cùng làm để đảm bảo đầu ra sau dạy nghề. ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) nhấn mạnh, cần có chính sách tập trung vào việc hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn khó khăn bởi điều đó gián tiếp giảm tỷ lệ hộ nghèo thông qua việc tạo việc làm.

ĐB Siu Hương (Gia Lai) đánh giá cao hiệu quả của chương trình giảm nghèo, tuy nhiên điều đáng lo ngại là tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số lớn (trên 50% tổng hộ nghèo cả nước), nguy cơ tái nghèo cao, vì thế cần tập trung nguồn lực để giảm nghèo khu vực này. Phải có chính sách đặc thù cho khu vực này để giúp người nghèo ổn định sản xuất bền vững.

Đây cũng là ý kiến của nhiều ĐB khi cho rằng, giai đoạn tới cần chú trọng giảm nghèo ở khu vực dân tộc thiểu số. ĐB Siu Hương và hầu hết các ĐB đều đồng tình, bước sang giai đoạn mới, cần xóa dần chính sách cho không các mặt hàng và chuyển sang cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất để giảm nghèo bền vững; ban hành chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo thoát nghèo bền vững thêm 24 tháng sau khi đã thoát nghèo.

  • Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Nhiều giải pháp tăng nhân lực cho y tế vùng khó khăn

Về nhân lực, từ năm 2013 - 2014 trở đi, tỷ lệ bác sĩ ra trường và dược sĩ hàng năm sẽ tăng gần gấp đôi những năm trước. Hiện nay, tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 dân đã vượt so với kế hoạch đề ra.

Trong thông tư mới về tổ chức y tế của tuyến huyện, chúng tôi sẽ nhập tất cả các trung tâm y tế huyện và bệnh viện huyện làm một, giảm bớt các đầu mối. Trạm y tế xã sẽ trực thuộc trung tâm y tế, như vậy trung tâm y tế sẽ có thể điều hành lượng bác sĩ ở bệnh viện huyện xuống làm việc ở trạm y tế xã.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ ban hành thông tư để thực hiện Quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện nghĩa vụ luân phiên, các bác sĩ tuyến trên từ trung ương, tỉnh, huyện sẽ có nghĩa vụ mỗi năm một lần, đặc biệt là các bác sĩ giỏi về vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, chúng tôi triển khai đề án thí điểm đưa bác sĩ giỏi, đào tạo chuyên khoa xung phong về 63 huyện nghèo, cũng như tại các vùng hải đảo.

  • Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử: Cần kiên quyết với những người có tâm lý ỷ lại

Tới đây cần xác định chuẩn nghèo hợp lý hơn. Có thực tế hiện nay là nhiều nơi cả nể, dễ dãi trong bình xét hộ nghèo khi có cả người nghiện, người lười lao động, bài bạc... Địa phương cần giúp trung ương, xét hộ nghèo thật chính xác. Đề xuất chính sách chỉ hưởng 1 lần, hộ nghèo chỉ được hưởng chính sách 3 - 5 năm để cho đồng bào phấn đấu vươn lên, vì cơ chế hiện nay khiến nhiều người nghèo chỉ thích làm hộ nghèo, vì được hưởng chính sách mãi, trong khi thoát nghèo rồi thì không được hưởng gì nữa.

Cần kiên quyết, có thái độ đối với những người có tâm lý ỷ lại, trông chờ nhà nước. Nghị quyết của Quốc hội tới đây cần có chính sách khuyến khích để đồng bào thoát nghèo. Các địa phương cần có trách nhiệm với công tác giảm nghèo, những địa phương nào có tỷ lệ hộ nghèo dưới 20% thì nhà nước không trợ cấp chính sách hộ nghèo nữa, địa phương phải tự lo. Nhất định không trợ cấp nghèo cho những người có sức lao động.

NGỌC QUANG - PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục