
Sau cuốn sách Chợ tỉnh chợ quê (đồng tác giả Lương Minh - Các Ngọc, Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2012), chưa dứt niềm đam mê chợ, Nhà báo Nguyễn Các Ngọc tiếp tục ra mắt độc giả cuốn sách Chợ Bến Thành qua cuộc trăm năm vào dịp chợ Bến Thành tròn 100 năm tuổi.
Đây là cuốn sách được thực hiện dưới dạng vừa biên khảo, vừa ghi chép thực tế. Trong hơn 100 trang sách, nội dung được tác giả chia làm ba phần: Trăm năm đời chợ; Từ chợ thành đến chợ quốc tế; Người xưa tạo “nhân hiệu”, người nay xây thương hiệu.

Chợ Bến Thành TPHCM thu hút nhiều khách trong nước và quốc tế. Ảnh: CAO THĂNG
Trong phần “Trăm năm đời chợ”, tác giả tập hợp nhiều tài liệu từ các nhà nghiên cứu, học giả, nhà văn, những sách biên khảo, kỷ yếu, hình ảnh… từ xưa đến nay cho thấy từ cuối thế kỷ XVIII đã hình thành một chợ được gọi tên là chợ Bến Thành ở Sài Gòn. Qua từng thời kỳ lịch sử, ngôi chợ đã được dời đổi vị trí, xây dựng lại, cho đến năm 1912 được khởi công xây dựng tại vị trí như hiện nay, đến cuối tháng 3-1914 thì khánh thành. Từ đó đến nay như “định mệnh”, chợ Bến Thành không đổi dời nữa và cho dù chưa thấy một văn bản chính thức nào công bố, nhưng theo thời gian, chợ Bến Thành mặc nhiên được xem là biểu tượng của Sài Gòn - TPHCM.
“Từ chợ thành đến chợ quốc tế” là phần nội dung được tác giả ghi nhận từ thực tế qua tiếp xúc với những người cao tuổi sống lâu năm ở Sài Gòn, trò chuyện với tiểu thương trong chợ và những khách hàng đi chợ. Qua đó, tác giả đúc kết: từ một chợ chỉ phục vụ cho đời sống cư dân địa phương, Bến Thành nay đã là chợ của khách du lịch quốc tế và trong nước.
Không ai tuyên bố khách nào được vào chợ Bến Thành mua hàng nhưng dường như từ thuở chợ Bến Thành mới được sinh, người ta ấn định trong suy nghĩ đây là chợ dành cho giới thượng lưu, nhà giàu. Những tiểu thương có 50, 60 năm gắn với chợ cho rằng cái danh “chợ nhà giàu” là do chính người đi mua sắm tạo nên bởi họ luôn kén chọn hàng ngon nhất khi đi chợ Bến Thành, khiến tiểu thương phải có hàng ngon mới bán được. Qua bao thế hệ kinh doanh nối tiếp nhau, tiểu thương vẫn duy trì truyền thống chọn “hàng nhứt” để bán.
Có sự thay đổi lớn gần 20 năm qua, đó là người dân TP đi chợ Bến Thành lo bữa ăn hàng ngày hay mua sắm cho gia đình dần chiếm tỷ lệ thấp hơn khách du lịch nước ngoài và trong nước. Hàng hóa ở chợ Bến Thành giờ không chỉ phục vụ cho cư dân TP hay khách các tỉnh, thành khác đến, mà còn xuất khẩu đi các nước thông qua khách du lịch nước ngoài và bà con Việt kiều.
Hầu như ngành hàng nào trong chợ cũng bán được cho người nước ngoài. Có một điều đặc biệt ở chợ Bến Thành trong khoảng 10 năm gần đây là tiểu thương có khuynh hướng chọn hàng Việt Nam bán nếu như mặt hàng đó trong nước sản xuất được. Họ giới thiệu với du khách trong nước, Việt kiều hay du khách nước ngoài một cách đầy tự hào rằng hàng Việt Nam “hạng nhứt”, “number one”. Tiếp xúc với khách nhiều quốc tịch, tiểu thương đúc kết được thị hiếu khác nhau của khách.
Viết về chợ, nhà báo Nguyễn Các Ngọc không bao giờ quên những người gắn bó với chợ. Trong phần “Người xưa tạo “nhân hiệu”, người nay xây thương hiệu”, tác giả nói đến 3-4 thế hệ tiểu thương, thương nhân gắn cuộc đời với chợ Bến Thành. 100 năm tuổi, chợ Bến Thành đã là ngôi nhà chung của 3 - 4 đời tiểu thương. Thế hệ tiểu thương khởi sự buôn bán vào 50 năm đầu của chợ, giờ một số người đã mất, nhưng người đi chợ, kể cả du khách nước ngoài vẫn nhớ tên hoặc hình dáng của họ.
Không chỉ những người đã “đi xa” để lại hình ảnh đẹp trong mắt khách đến chợ Bến Thành, để lại tiếng thơm cho con cháu thụ hưởng, mà nhiều tiểu thương giờ tuổi đã gần hoặc hơn 80 vẫn giữ vai trò điểm tựa cho thế hệ tiếp nối mình. Mỗi ngày những tiểu thương kỳ cựu vẫn ra chợ cho vui hoặc có mặt để khách quen không quên “chỗ cũ”, còn đứng chính việc buôn bán thì giao lại cho con cháu. Những thương hiệu mà họ gầy dựng bằng chính uy tín cá nhân, giờ được các con tiếp tục phát triển lên.
Thời hàng gánh vào chợ Bến Thành đã vắng từ nửa thế kỷ qua. Chợ bán lẻ cho dân thành thị, giờ đã phát triển thành chợ du lịch, chợ xuất khẩu. Trong các gian hàng đã xuất hiện những máy móc, công cụ hiện đại. Tiểu thương mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ để làm sáng thêm thương hiệu hàng mình.
Đối với tiểu thương, không cần một chỉ dẫn địa lý bằng chữ nào, chỉ hình ngôi chợ có tháp đồng hồ trên bảng hiệu, trên danh thiếp hay trên bao bì đủ để “cầu chứng” cho hàng hóa trong chợ và họ có trách nhiệm phải bảo vệ uy tín “thương hiệu tập thể” đó. Giờ đây hình ảnh chợ Bến Thành đã đi vào Logo của Chương trình bình ổn thị trường tại TPHCM.
HẢI HÀ