
Hơn 10 năm qua nhà ở của hàng trăm hộ dân tại phường 3 quận 11 nằm trong khu vực quy hoạch “treo” Công viên Văn hóa Đầm Sen. Cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì xây dựng nhà không được, thế chấp cũng không xong!
- Dân khổ vì quy hoạch “treo”
Công viên Văn hóa Đầm Sen (CVĐS) được Kiến trúc sư trưởng TPHCM phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 4294/KTST-QH ngày 18-9-1994 và Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM duyệt điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định số 159/QH-KT ngày 17-1-2003 với tổng diện tích khu đất là 46,63ha.
Hiện nay, CVĐS chỉ đang sử dụng 36,34ha, phần diện tích còn lại gần 10ha là khu dân cư với hơn 900 căn nhà thuộc diện quy hoạch “treo”. Do là khu quy hoạch, nên cơ sở hạ tầng – kỹ thuật khu dân cư này không được đầu tư, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Bản đồ quy hoạch khu vực Đầm Sen theo phương án xử lý quy hoạch treo của UBND quận 11.
Phần lớn dân cư là người lao động nghèo nhưng vì ở khu quy hoạch “treo” nên không thể thế chấp nhà cửa để vay vốn làm ăn cũng như sang nhượng. Người dân tại khu vực này rất bức xúc và yêu cầu chính quyền phải xác định có thực hiện quy hoạch khu vực này hay không và thực hiện trong thời gian nào để người dân an tâm sinh sống.
Chúng tôi mang những bức xúc của người dân đến trao đổi với ông Võ Xuân Quang, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 11. Ông Quang cho biết: Trong thời gian qua, UBND quận 11 đã đề xuất các giải pháp và được UBND TPHCM chấp thuận giải quyết tháo gỡ một bước tình trạng quy hoạch “treo”.
Cụm dân cư (từ cổng B CVĐS đến hẻm 247 Lạc Long Quân) có diện tích hơn 1,5ha với 231 hộ dân đã được đưa ra khỏi quy hoạch; đồng thời quận đã đầu tư hệ thống điện, cấp nước, thoát nước và láng xi măng các hẻm nhằm cải thiện nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân. Song, vấn đề mấu chốt là khu dân cư 5,8ha và tuyến đường vành đai Đầm Sen vẫn còn trong quy hoạch “treo”, bị người dân phản ứng gay gắt, nhưng đây là việc vượt quá thẩm quyền giải quyết của quận.
- Cần sớm phê duyệt phương án xử lý quy hoạch “treo”
Theo thông báo số 356/TB-VP ngày 17-8-2004 của UBND TPHCM, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Đua đã chấp thuận đề xuất của UBND quận 11 và ý kiến của Sở Quy hoạch – Kiến trúc về việc điều chỉnh hướng tuyến đường vành đai cách ly CVĐS với khu dân cư theo hướng điều chỉnh vào phía trong công viên, đưa chùa Giác Viên nằm ngoài ranh đất quy hoạch CVĐS (điều chỉnh đường vành đai sẽ đưa ra khỏi quy hoạch khoảng 2,5ha, trong đó có 1,2ha đất chùa Giác Viên).
Tuy nhiên, ngày 7-9-2004, Công ty Dịch vụ Du lịch Phú Thọ có văn bản số 142/CV-04 gửi UBND TPHCM kiến nghị giữ đường vành đai theo quy hoạch cũ, đưa chùa Giác Viên vào khu quy hoạch Đầm Sen. Đến nay, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.
UBND TP cũng chấp thuận về chủ trương: nếu Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn không đề xuất phương án tối ưu để di dời tái định cư các hộ dân còn lại trong khu quy hoạch, thành phố sẽ giao UBND quận 11 thực hiện việc di dời tái định cư, lập dự án để khai thác khu đất 5,8ha trong khuôn viên CVĐS. Để tiếp tục giải quyết dứt điểm tình trạng quy hoạch “treo” khu vực này, quận 11 vừa xây dựng xong phương án xử lý quy hoạch “treo” tại CVĐS (gồm 2 dự án đầu tư: khu đất 5,8ha và đường vành đai Đầm Sen).
Khu đất quy hoạch “treo” 5,8ha nằm cạnh kênh Tân Hóa là khu vực dân cư xen cài với các khoảng đất trống (thuộc khu phố 2 P3 Q11). Theo điều tra ban đầu, toàn bộ khu đất này có diện tích 59.254m2, trong đó có 20.858m2 đất xây dựng nhà ở với 452 căn hộ xây dựng cấp 3 - cấp 4; đất 8.320m2 giao thông, 26.601m2 đất trồng rau và làm sân phơi, và 3.475m2 đất do Công ty Cao su Bến Thành quản lý.
Sau khi giải tỏa toàn bộ khu này, quận sẽ đầu tư mới 2 công trình: Trung tâm Thể dục thể thao và Nhà Thiếu nhi quận. Các công trình này sau khi xây dựng đảm bảo phù hợp với cảnh quan chung của CVĐS. Tuyến đường vành đai Đầm Sen sẽ được đầu tư theo hướng tách hẳn chùa Giác Viên nằm ngoài ranh đất quy hoạch CVĐS, để kết nối với tuyến đường 152 Lạc Long Quân (rạch Cầu Mé cũ), vừa giảm bớt lưu lượng giao thông trên tuyến Lạc Long Quân về hướng Tân Hóa vừa tạo điều kiện cho quận cải tạo hạ tầng các tuyến hẻm bên trong.
Tổng số căn hộ phải giải tỏa toàn phần của phương án đầu tư trên là 517, trong đó khoảng 400 hộ đủ điều kiện bố trí tái định cư tại quận. UBND quận 11 đề xuất UBND TPHCM chấp thuận cho sử dụng khoảng 400 căn hộ còn lại của khu nhà ở cao tầng Trường đua Phú Thọ để bố trí tái định cư. Tổng kinh phí cho 2 dự án đầu tư trên ước tính 305 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2006. Nhưng bao giờ thì phương án trên được thực hiện? Câu hỏi này vẫn chưa được trả lời rõ ràng.
XUÂN HƯƠNG