Người thương binh ấy đã sống sót sau khi bị 6 viên đạn AR15 của địch găm vào người và làm gãy cổ xương đùi. Được đồng đội và các bác sĩ giành lại sự sống từ tay thần chết, đến khi cơ duyên đưa ông đến với nghề thầy thuốc, ông đã hết lòng cống hiến bằng việc khám chữa bệnh cho các gia đình chính sách và người nghèo như để trả cái ơn năm xưa mình đã nhận.
Nghị lực
Đưa tôi xem cái chân trái bị thương trong trận đánh năm 1973, thương binh hạng 2/4 Trang Hồng Châu, quê Vũng Liêm, Vĩnh Long, nay sinh sống tại quận 8, TPHCM tâm sự: “Lẽ ra tôi đã mất mạng hoặc ít nhất đã mất cái chân này. Nhưng nhờ các bác sĩ trong quân ngũ ngày ấy thương tôi còn trẻ, lo nếu tôi mất chân, thành người tàn phế thì sẽ mất hết tương lai nên đã tận tình cứu chữa”. 21 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của một chàng trai, vậy mà ông trở thành thương binh mất sức lao động 61%.
Nói không buồn, không mất hy vọng là nói dối. Ông bảo rằng mình đã hụt hẫng, đã từng nghĩ tàn phế thế này là mất hết tương lai. Nhưng rồi nhìn các đồng đội, có người còn bị thương nặng hơn mình, nhiều đồng chí đã phải hy sinh và nằm mãi trong lòng đất mẹ, ông chợt tỉnh và quyết tâm phấn đấu. Bằng ý chí, nghị lực của một người lính, dù những vết thương có đau nhức khi trời trở lạnh, ông cũng không chịu khuất phục trước số phận. Là người có trình độ nên khi hòa bình, ông được điều động về TPHCM công tác và chính mảnh đất này đã giúp ông đi tiếp con đường của một lương y mà ngày trước ông đã từng bén duyên.
Ông nhìn nhận, mình bước vào nghề y không phải vì đam mê. Trong một lần đi thực tập tại Bệnh viện Y học cổ truyền, nhìn thấy những bệnh nhân tại đây đa phần lớn tuổi, gia cảnh khó khăn, có cả những thương binh ngày trước đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Như bản năng nay mới được khơi dậy, ông nghĩ, đây chính là nghề mình phải đeo đuổi đến hết cuộc đời.
Là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 6, quận 8, ông có điều kiện gần gũi gia đình chính sách và người nghèo. Nhận thấy cuộc sống của bà con còn quá khó khăn, ông bàn với các lương y trong Hội Đông y quận 8 mà ông làm chủ tịch, rồi quyết định dành buổi sáng thứ bảy hàng tuần tại phòng khám của hội để tổ chức khám và điều trị bệnh miễn phí. Ngoài ra, tại phòng khám của gia đình mình, ông dành cả ngày thứ bảy và chủ nhật để khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và tùy từng bệnh, gia cảnh, ông sẽ hỗ trợ thuốc điều trị.
Chính vì bản thân là một thương binh, ông thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của những gia đình diện chính sách, hộ nghèo, đặc biệt ở các địa phương vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, ông đã vận động hội viên Hội Đông y quận 8, hàng năm tổ chức 1 đến 2 chuyến khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con. Tính từ năm 2006 đến nay, ông đã khám cho hơn 1.500 người ở quận 8 và các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre... với kinh phí hơn 1 tỷ đồng, trong đó ông và gia đình đã hỗ trợ hơn 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn vận động các mạnh thường quân, các hội viên Hội Cựu chiến binh của phường và hội viên Hội Đông y quận 8 góp hơn 125 triệu đồng xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa cho gia đình nghèo ở Bến Tre và Vĩnh Long.
Nghĩa tình đồng đội
Thấy ông hăng say tham gia nhiều phong trào và đảm đương nhiều chức vụ như Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 6, quận 8; Chủ tịch Hội Đông y quận 8; Mặt trận Tổ quốc; CLB cựu chiến binh làm kinh tế; rồi quản lý nhà thuốc và phòng khám tại gia đình, chúng tôi không nghĩ ông đã bước qua tuổi 60, trong đó gần 40 năm chỉ sống bằng 39% sức lao động. Ông cười hiền lành bảo: “Bí quyết là chịu khó tập thể dục mỗi ngày. Cái chân què này vẫn có thể đi bộ được, phải cho nó vận động. Cơ thể này có thể làm việc thì phải làm. Không thôi nó lại đổ bệnh thì mệt”.
Khi tham gia Hội Cựu chiến binh, ông càng hiểu hơn về đời sống các hội viên. Ông suy nghĩ cần phải làm cho hoạt động của hội mạnh hơn nữa. Vậy là ông vạch ra nhiều đường hướng, trong đó có dự án xây dựng Quỹ Nghĩa tình đồng đội đã nhận được sự nhiệt tình hưởng ứng. Tính đến nay, quỹ đã nhận được 140 triệu đồng tiền đóng góp. Nhờ đó, khi biết gia đình hội viên nào gặp khó khăn, hội sẽ đến động viên, giúp đỡ. Dù vật chất không nhiều, nhưng chính việc làm này đã góp phần động viên tinh thần các gia đình chính sách vượt qua khó khăn…
Hơn 46 năm chiến đấu và lao động, ông chưa nghĩ mình sẽ dừng lại. Ông bảo: “Còn sức, còn làm. Người bệnh ở nhiều nơi vẫn đang chờ được khám. Là thương binh sức khỏe hạn chế, nhưng nhờ được hoạt động liên tục nên tôi thấy khỏe hơn. Qua những việc làm của mình, tôi thấy mình còn có ích cho xã hội. Đó cũng là động lực để tôi tiến bước”.
|
THÁI PHƯƠNG