Cho đi là nhận lại nhiều hơn

Dù số phận chịu nhiều thiệt thòi, nhưng bằng nghị lực của mình, chị Trần Thị Hồng Thy (30 tuổi, công tác tại UBND phường 6, quận 4, TPHCM) đã vươn lên để trở thành người phụ nữ có ích cho cộng đồng và xã hội. Bằng những việc làm thiết thực, chị giúp người khuyết tật tiếp cận các chế độ dành cho mình, truyền thêm nghị lực để họ có thêm sức mạnh bước tiếp trong cuộc sống.

Dù số phận chịu nhiều thiệt thòi, nhưng bằng nghị lực của mình, chị Trần Thị Hồng Thy (30 tuổi, công tác tại UBND phường 6, quận 4, TPHCM) đã vươn lên để trở thành người phụ nữ có ích cho cộng đồng và xã hội. Bằng những việc làm thiết thực, chị giúp người khuyết tật tiếp cận các chế độ dành cho mình, truyền thêm nghị lực để họ có thêm sức mạnh bước tiếp trong cuộc sống.

Luôn niềm nở, nhiệt tình, vui vẻ là điểm đầu tiên người dân nhận thấy ở chị Hồng Thy khi đến liên hệ công tác tại UBND phường 6. Bản thân bị khiếm khuyết ở đôi chân nên chị Hồng Thy hiểu những mặc cảm của người khuyết tật khi đến chỗ đông người. Cũng vì thế, chị luôn nhẹ nhàng, ân cần, hướng dẫn tận tình khi người khuyết tật, cụ già, các cô chú thương binh đến phường liên hệ làm hồ sơ. “Nhìn thấy các cô chú hài lòng về phong cách phục vụ, vui vẻ khi bước chân ra khỏi ủy ban là mình đã thấy vui rồi. Em chỉ nghĩ trách nhiệm của người công chức là phải tận tình phục vụ người dân, giúp người dân khi họ tìm đến mình”, chị Hồng Thy chia sẻ. Với suy nghĩ ấy, Hồng Thy luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cán bộ, công chức.

Chị Hồng Thy niềm nở hướng dẫn cô Nguyễn Thị Sang (72 tuổi) về các chế độ của mình vào ngày 13-4.

Hoàn cảnh không may mắn như các bạn đồng trang lứa, năm 2 tuổi, chân Hồng Thy yếu dần rồi liệt hẳn. Mẹ của Hồng Thy vất vả hàng ngày chở con đến bệnh viện để điều trị với hy vọng đôi chân con sẽ khỏe mạnh trở lại, nhưng vô vọng. Không cứu được đôi chân con, nhưng người mẹ ấy vẫn hy vọng nuôi con chữ cho con. Hồng Thy được mẹ cho đi học ở trường như các bạn bình thường khác với mong muốn con sẽ hòa nhập cộng đồng. Đáp lại tình thương của mẹ, Hồng Thy luôn là học sinh khá, giỏi suốt 12 năm liền. Nói về ước mơ làm cô giáo không thành, Hồng Thy lại rơi nước mắt. “Nhưng cũng nhờ đó em được làm công việc hiện nay, được gặp gỡ, hỗ trợ những người có cùng hoàn cảnh như mình”, Hồng Thy bày tỏ.

Một lần, khi thấy cô Nguyễn Thị Thư (48 tuổi, người khuyết tật tại phường 6) đến phường sao y các giấy tờ, Hồng Thy hỏi thăm cuộc sống gia đình thì được biết cô Thư không biết đến các chế độ dành cho mình. Hồng Thy liền hướng dẫn cô Thư làm hồ sơ để hàng tháng cô được nhận phần trợ cấp dành cho người khuyết tật. Tìm hiểu thêm vài hoàn cảnh, Hồng Thy nhận ra có rất nhiều người khuyết tật không biết đến các chế độ dành cho họ, vậy là ngoài thời gian làm ở phường, chị dành thời gian xuống địa bàn để tuyên truyền, hỗ trợ người khuyết tật. Chính nhờ đó, ngày càng nhiều người khuyết tật được tiếp cận các chính sách, chế độ.

Hồng Thy bảo, nhìn thấy các cô chú khuyết tật ngày ngày bươn chải mưu sinh được nhận thêm một phần tiền để trang trải cuộc sống, chị thấy hạnh phúc vô cùng. Hồng Thy nhớ mãi hình ảnh cô Thư sau khi nhận phần trợ cấp của mình đã quay lại phường tìm Hồng Thy để gửi món quà do cô tự tay làm. Sợ Thy từ chối, cô Thư nói “Cô không nhận là tôi buồn lắm”. Mở gói quà được bọc cẩn thận trong tờ giấy báo, Hồng Thy thấy một cái móc khóa được đan bằng len một cách tỉ mỉ. “Tôi nhận ra rằng, khi cuộc sống còn muôn vàn khó khăn thì cái tình giữa người với người mới là điều đáng trân quý nhất”, Hồng Thy tâm sự. Cũng chính những tình cảm tốt đẹp đã dành cho người dân, nhất là người khuyết tật, mà mỗi lần Hồng Thy xuống địa bàn đều được bà con ân cần đón tiếp. 

Ngày mới đến nhận công tác tại phường, Hồng Thy rụt rè, lo sợ và có phần thu mình lại với đồng nghiệp. Nhờ được động viên, hỗ trợ, Hồng Thy dần hòa đồng, rồi sau đó khi tích cực tham gia các phong trào thanh niên, phụ nữ, chị dần tự tin hơn. Với những đóng góp và phấn đấu của mình, nhiều năm liền chị Hồng Thy được công nhận là lao động tiên tiến và vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Điều chị Hồng Thy luôn trăn trở là làm sao để người khuyết tật biết đến các chế độ mà mình được hưởng theo quy định. Cũng vì thế, những lần có dịp gặp gỡ người có cùng hoàn cảnh, dù không sinh sống tại địa bàn phụ trách, chị luôn hỏi thăm và hướng dẫn cách để họ làm hồ sơ nhận chế độ. Hồng Thy cười bảo, tất cả những việc chị làm chỉ là mong muốn được hỗ trợ người dân một cách tốt nhất. Đó là niềm vui và cũng là động lực để chị thấy mình sống có ích cho xã hội.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục