Nếu như tại hệ thống các siêu thị, mật độ hàng Việt chiếm tỷ lệ khá cao, từ 90%-95% thì tại 2 kênh phân phối có thế mạnh, trung chuyển đến hơn 80% lượng hàng hóa của cả nước là chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa, hàng Việt đang tỏ ra lép vế, chỉ chiếm bình quân từ 10%-50%, tùy ngành hàng.
Miền Bắc - Kín hàng Trung Quốc
Cuối tháng 8-2011 vừa qua, Bộ Công thương phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức cuộc tọa đàm với tiểu thương chợ Đồng Xuân - Hà Nội về chủ đề: “Tại sao hàng Việt chưa được ưu tiên tại chợ truyền thống”.
Ông Trần Xuân Tặng, chủ sạp hàng 226B2 ngành hàng quần áo, cho rằng đã là người Việt Nam ai cũng có lòng tự tôn dân tộc. Không phải họ không ưu tiên cho hàng Việt mà vì việc tiếp cận với hàng Việt đòi hỏi quá nhiều thủ tục rườm rà, rối rắm như hợp đồng mua bán, con dấu, tài sản thế chấp…
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Ngọc - chuyên kinh doanh đồ da, giày dép cho biết, hiện cửa hàng đang kinh doanh khoảng 50%-60% là hàng Việt Nam. Nhưng làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) rất khó, khi tiểu thương cần hàng, gọi đến họ nói rằng đang sản xuất ưu tiên cho xuất khẩu, muốn có hàng phải đặt trước. Một số hãng lớn còn khoán doanh thu cho tiểu thương, lúc bán đắt thì không sao nhưng khi ế hàng, chúng tôi không có quyền đổi trả hàng. Với cung cách làm ăn cứng nhắc như thế, tiểu thương có thể ưu tiên cho hàng Việt!
Theo ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty Đồng Xuân, tỷ lệ hàng Trung Quốc tại chợ này rất lớn. Ở ngành hàng lưu niệm, quà tặng hàng Trung Quốc hiện chiếm tới 90%; vải, hàng may mặc và đồ gia dụng chiếm 70%; nông sản và thực phẩm hơn 10%. Con số này khá trùng hợp với kết quả bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA đưa ra, hơn 90% hàng hóa tại chợ Đồng Xuân là hàng Trung Quốc. Nguyên nhân chính, phía Trung Quốc cho tiểu thương mua theo dạng gối đầu, thanh toán dễ dàng, nhanh gọn, không ràng buộc bởi những thủ tục rườm rà. Hàng Trung Quốc dễ bán vì thay đổi mẫu mã nhanh, thậm chí cho đổi trả nếu không bán hết...
Ngược lên một số tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, nếu có dịp ra chợ, rất dễ nhận thấy hàng Trung Quốc đã chiếm thế độc tôn như quần áo, mỹ phẩm, giày dép, đồ gia dụng, hàng lưu niệm...
Anh Trần Tới, công nhân Nhà máy Đạm Bắc Giang cho biết, so với hàng Việt, giá bán hàng Trung Quốc khá rẻ. Một bộ veston của Trung Quốc giá chỉ từ 500 ngàn - 1 triệu đồng, trong khi hàng sản xuất trong nước giá lên tới nhiều triệu đồng/bộ. Tương tự, với các sản phẩm gia dụng giá bán cũng rất rẻ, chưa kể mẫu mã, màu sắc đẹp hơn và đa dạng hơn so với hàng Việt. Điều này có thể lý giải, vào mùa đông, nông dân miền Bắc còn diện cả áo vest ra đồng cày ruộng!
Xuôi về miền Trung, tại khu vực các tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Nam, hàng Việt cũng đang tỏ ra yếu thế, đặc biệt ở nhóm hàng gia dụng và đồ điện, gần như hàng ngoại làm chủ thị trường.
Miền Nam - Còn thiếu những ốc đảo
Dạo quanh các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM, chúng tôi nhận thấy, hàng Việt chiếm tỷ lệ khá lớn, điển hình nhất là các mặt hàng quần áo, giày dép, hàng gia dụng, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm... Riêng đối với nhóm hàng mỹ phẩm, túi xách, bóp, đồ lót... hàng ngoại có ưu thế hơn so với hàng Việt.
Có mặt tại quầy hàng của Công ty Hoàng Minh Ngọc, tham gia tuần lễ bán hàng Việt tại chợ Bến Thành vào chiều 10-10, phóng viên đã chứng kiến nhiều khách hàng đến săm soi từng chiếc ví da đang bày bán với giá 200.000 đồng/chiếc. Họ nâng lên đặt xuống vì hàng Việt Nam đắt hơn so với hàng Trung Quốc và rằng họ chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. Chỉ đến khi chủ nhân quầy hàng, ông Nguyễn Văn Hạnh, chứng minh chất lượng da thật bằng cách dùng hộp quẹt đốt, da vẫn không suy suyển và không có vết đen thì khách hàng đồng ý mua ngay. Hàng tốt là vậy, nhưng sản phẩm của Công ty Hoàng Minh Ngọc vẫn chưa có mặt nhiều trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Hạnh phân bua: “Tôi muốn bán hàng ra chợ, bỏ mối cho cửa hàng, nhưng vẫn lo vì vốn chưa đủ lớn cho bạn hàng gối đầu. Nếu không tính toán cẩn thận, khó tránh khỏi tình trạng mất cả lời lẫn vốn!”.
Cho đến nay hình thức kinh doanh tại các chợ vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các bạn hàng bán sỉ. Hình thức mua bán gối đầu, trả chậm, ứng hàng trước thu tiền sau… vẫn phổ biến.
Tại TPHCM, với người bán hàng ở chợ họ không mấy quan tâm đến hàng ngoại hay hàng Việt, quan trọng là hàng nào bán chạy, thu hồi vốn nhanh và mang lại lợi nhuận nhiều hơn. Cũng vì lý do này nên có dạo hàng nông sản ngoại nhập (chủ yếu từ Trung Quốc) đã chiếm tới 30% lượng hàng về chợ đầu mối Thủ Đức. Đến khi người mua bắt đầu ý thức về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm thì các mặt hàng nông sản trong nước mới tìm lại chỗ đứng của mình. Tuy nhiên, với các sản phẩm ở nhóm hàng tiêu dùng nhanh vẫn chưa làm được điều này.
Cũng vì e ngại sự rủi ro trong hình thức mua bán gối đầu nên nhiều doanh nghiệp chấp nhận bỏ trống việc phát triển mạng lưới tại các chợ, chỉ tập trung đầu tư từ vài chục tỷ đồng để tìm chỗ đứng tại các siêu thị, hoặc mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm, showroom. Đây chính là điều kiện để hàng ngoại thâm nhập ngày càng sâu rộng vào các chợ truyền thống hiện chiếm tới 70% thị trường bán lẻ Việt Nam.
Chủ một thương hiệu nổi tiếng trong ngành hóa mỹ phẩm cho biết, doanh thu tại các chợ chiếm chưa đến 5% tổng doanh thu, nên ông không có ý định đầu tư mở rộng thêm mạng lưới bán hàng ở chợ mà tập trung vào các kênh phân phối khác.
THÚY HẢI
- Thông tin liên quan:
>> Bài 1: Đứng ngoài cuộc chơi