Chỉ với diện tích khoảng 5.000m² nhưng có thể bố trí thành nhiều khu vực kinh doanh với nhiều ngành hàng khác nhau, vừa hiện đại vừa xen lẫn truyền thống. Đó là thế mạnh của Sense Market - chợ hiện đại đầu tiên ở TPHCM vừa chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 3-2017 vừa qua.
Đa dạng sản phẩm
Được cải tạo từ tầng hầm của bãi giữ xe tại khu B Công viên 23-9 với tổng diện tích 11.000m², trong đó chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư thương mại Cửu Long và đối tác là Công ty CP Đầu tư phát triển Saigon Co.op - SCID (trực thuộc Saigon Co.op), đã dành hơn một nửa (khoảng 6.000m2) tiếp tục làm bãi đậu xe với sức chứa khoảng 150 ô tô và 600 xe máy; góp giải quyết nạn kẹt xe, đậu xe trên lòng lề đường ở khu vực trung tâm thành phố. Diện tích còn lại dành để tái hiện không gian văn hóa ẩm thực đường phố châu Á xưa với gần 100 gian hàng của Việt Nam, Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản… Ngoài khu mua sắm Taka Plaza (chủ yếu là hàng thời trang quần áo, giày dép Việt Nam xuất khẩu) với hơn 400 gian hàng lớn nhỏ, cung cấp hàng hóa đa dạng theo tiêu chí bán đúng giá, không nói thách, Sense Market còn có cửa hàng tiện lợi Co.op Food, khu ẩm thực cao cấp, quầy dịch vụ viễn thông, quầy chuyển đổi ngoại tệ… đáp ứng khá đầy đủ nhu cầu của khách hàng khi đến tham quan, mua sắm.
Một góc khu ẩm thực trong Sense Market. Ảnh: CAO THĂNG
Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên, dù mới khai trương nhưng khách du lịch đến với Sense Market khá đông. Họ đến không chỉ mua các sản phẩm thời trang khá đẹp và giá bán rất mềm mà còn có thể thưởng thức các món ăn nổi tiếng của Việt Nam như bánh mì, gỏi cuốn, chè các loại, bún chả, bún bò, phở… cũng như các món ăn bình dân như hột vịt lộn, hột vịt vữa, trứng cút lộn… Tại quầy chè Việt Nam (quầy duy nhất tại chợ), nhiều thực khách trong nước và nước ngoài đến vào giờ cao điểm phải đứng chờ một lúc một lúc mới được thưởng thức. Chị bán hàng cho hay, các loại chè đều được nấu rất cẩn thận như chè thưng, chè bà ba, chè đậu ván, chè đậu ngự, chè chuối, chè khoai môn, chè bắp, đậu đỏ, đậu trắng… có độ ngọt, béo vừa phải để có thể thích ứng với đại đa số khách hàng.
Thêm một điểm khác biệt ở ngôi chợ hiện đại là hầu hết các chủ sạp hàng đều là những bạn rất trẻ nên khá năng động. Thái độ bán hàng nhã nhặn, thậm chí nhiều bạn giao dịch bằng tiếng Anh nên tạo ấn tượng khá tốt với du khách. Chị Alice, du khách đến từ Mỹ, cho hay đến TPHCM vào đúng buổi tối Sense Market khai trương nên chị cùng chồng đã thưởng thức hầu hết món ăn đang bày bán tại đây. Mặt khác, chị cũng chọn mua khá nhiều quần áo, vừa để dùng vừa làm quà cho người thân.
Bên cạnh hoạt động bán hàng, chủ đầu tư còn thuê phần không gian để tổ chức thêm các mô hình như “Con đường khởi nghiệp”, tạo sân chơi cho những sinh viên có ý tưởng kinh doanh; tổ chức khu vực “Cho và nhận” để người dân trao đổi hàng hóa miễn phí cho nhau…
Phù hợp với các chợ truyền thống
Từ thành công bước đầu, SCID và Công ty TNHH Đầu tư thương mại Cửu Long đang kiến nghị cho mở rộng và khai thác tầng hầm và chợ Sense Market đến khu chợ Nguyễn Thái Bình nhằm tạo thêm không gian mua bán cho người dân thành phố và du khách.
Khi chúng tôi đặt vấn đề mô hình này có thể áp dụng để cải tạo các chợ truyền thống thành chợ hiện đại, bà Nguyễn Thị Tranh, Tổng Giám đốc SCID, khẳng định mô hình Sense Market rất phù hợp với việc cải tạo các chợ truyền thống.
Theo phác thảo của bà Tranh, hiện tại các chợ truyền thống thường có diện tích khá lớn nên có thể xây dựng các tầng hầm làm bãi đậu xe để giải quyết bài toán giao thông. Phía trên, từ tầng một trở lên để bố trí các ngành hàng kinh doanh như quần áo, ẩm thực, hàng tiêu dùng, thời trang cao cấp, rạp chiếu phim… để thu hút đông đảo khách hàng đến với chợ. Về phương án sử dụng, những tiểu thương hiện đang kinh doanh phải được ưu tiên bố trí mặt bàng, các quầy sạp còn lại sẽ mở rộng cho các đối tượng đang kinh doanh trên hè phố, người bán hàng rong… Cách làm này cũng đồng thời giải quyết được chủ trương tháo dỡ, giải tỏa các điểm mua bán lấn chiếm lòng lề đường mà thành phố đang triển khai. “SCID chỉ cải tạo lại công năng và hiện trạng các chợ, tránh lãng phí và tuyệt nhiên không đưa bất cứ loại hình kinh doanh nào của Saigon Co.op vào chợ. Tiểu thương hoàn toàn có thể yên tâm về điều này. Để hỗ trợ tiểu thương bán được hàng, chủ đầu tư sẽ tổ chức thêm nhiều chương trình hoạt náo, khuyến mãi để thu hút khách”, bà Nguyễn Thị Tranh nhấn mạnh.
Từ thực tế, chúng tôi nhận thấy chủ trương chuyển đổi công năng của một số chợ truyền thống thành trung tâm thương mại rất khó thực hiện. Còn với mô hình chuyển đổi thành chợ hiện đại như Sense Market là phương án rất khả thi. Trong bối cảnh các chợ truyền thống luôn trăn trở, tìm hướng đi mới trong thời hội nhập, nâng sức cạnh tranh với các loại hình kinh doanh hiện đại thì mô hình Sense Market sẽ là bước chuyển đổi phù hợp. Tuy nhiên, để thực hiện được cần có sự thống nhất từ chủ trương, đến sự đồng lòng của các sở ngành, quận huyện và của mỗi tiểu thương đang kinh doanh hiện hữu. Chuyển đổi từ hình thức cũ sang mới đòi hỏi cả một quá trình nhận thức, vì nếu không có sự đồng lòng hưởng ứng, chắc chắn sẽ không có sự thay đổi. Không thay đổi cũng đồng nghĩa sẽ bị bỏ lại phía sau. Hiện nhiều ngành hàng, nhiều tiểu thương đang có nguy cơ phải tạm ngưng kinh doanh vì sức mua tại các chợ truyền thống luôn trong tình trạng năm sau giảm mạnh so với năm trước. Do vậy, đổi mới để thích ứng tốt hơn với cuộc sống là việc cần phải làm.
Uyển Như