

Trong lúc học phí ở nhiều đại học Mỹ ngày càng tăng thì Đại học Berea ở bang nông nghiệp Kentucky, một trong những trường đại học giàu có ở Mỹ, lại chỉ nhận các sinh viên nghèo nhất vào học... miễn phí.
Học phí “thủng nóc”
Mô hình học miễn phí của Berea từ 168 năm nay được chú ý, dù Berea không phải là trường “đinh” so với nhóm “Ivy League”, tức nhóm đại học danh tiếng nhất ở miền Đông Mỹ, thu học phí cũng “đậm” nhất.
“Ivy League” gồm “tứ đại gia” giàu nhất thế giới là Harvard (35 tỷ USD tiền hiến tặng), Yale (23 tỷ USD) , Stanford(17 tỷ USD) và Princeton (16 tỷ USD). Nhưng nhóm này bị chỉ trích là chưa đóng góp được nhiều cho xã hội để xứng đáng được hưởng quy chế miễn thuế (đánh vào số tiền hiến tặng), lại sử dụng số tiền ấy chỉ để đào tạo các sinh viên thuộc gia đình khá giả.
Princeton thu học phí mỗi năm 34.300 USD, Yale thu 34.500 USD và Harvard thu 35.000 USD, nhưng cũng đang chạy đua giảm học phí cho sinh viên có thu nhập thấp nhằm được tiếp tục hưởng quy chế miễn thuế.
Tuy nhiên, các gia đình trung lưu vẫn “bực” với mức tăng học phí khoảng 11% /năm ở các trường không nổi tiếng. Đối với hàng triệu phụ huynh Mỹ thuộc tầng lớp lao động, niềm vui khi con vào đại học nhanh chóng bị thư thông báo đóng học phí dập tắt.
Sự thành đạt chỉ đến với người học xong đại học nhưng học phí lại đang tăng “thủng nóc”. Sinh viên các trường nổi tiếng thường phải vay tiền của trường để trang trải nên khi tốt nghiệp họ thường nợ to, có người sau năm thứ 3 theo không nổi đã phải trả món nợ đến 37.000 USD.
Tuyển sinh rất kỹ
Đại học Berea được các mạnh thường quân hiến tặng 1 tỷ USD và ban giám hiệu đầu tư rất hiệu quả, tạo nguồn thu đủ làm quỹ giảng dạy 1.500 sinh viên. Đại học Berea nhắm đến thu hút sinh viên thuộc tầng lớp lao động nghèo nhất ở Mỹ.
Công tác tuyển sinh được thực hiện rất kỹ, loại bỏ khoảng 75% đơn nhập học của những sinh viên thuộc gia đình khá giả. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên không phải nợ số tiền vay của trường mà còn có tiền “rủng rẻng” trong túi.
Như Alex Gibson, năm nay tốt nghiệp khoa triết và có 17.000 USD bỏ túi. Anh sẽ dùng số tiền này để nghiên cứu thêm về lĩnh vực đa chủng tộc trên toàn thế giới trong một năm. Gibson có được số tiền trên nhờ tích cực làm việc trong thời gian học ở Berea.
Trường có những quy định với các sinh viên nghèo hiếu học: Phải biết tiết kiệm, mỗi tuần dành 10 giờ làm công việc hành chính hoặc trực tiếp sản xuất cho nông trại hoặc cho xưởng thủ công sản xuất đồ dùng nội thất của trường.
Gibson cho biết, mỗi khoa đều có quỹ thưởng dồi dào dành cho sinh viên làm việc giỏi nhưng sinh viên cũng phải trình bày kế hoạch sử dụng số tiền ấy.
Đa số sinh viên được tuyển vào Đại học Berea xuất thân từ những gia đình “xào xáo” nên việc học trung học của họ bị ảnh hưởng. Gibson cho biết, nhà anh thuộc diện nghèo “rớt mùng tơi” ở vùng nông thôn Appalachia, bang Kentucky, luôn bị kỳ thị chủng tộc vì là người da màu, gia đình lại từng “dính” ma túy và bạo lực.
Mẹ Gibson một mình nuôi con và qua đời khi anh 16 tuổi. Gibson nói, nhờ có Đại học Berea anh mới được như ngày nay và sau chuyến nghiên cứu khắp thế giới, anh sẽ học tiếp ở Đại học Pennsylvania với hy vọng trở thành một luật sư...
DIÊN PHÚC (theo Independent)