
Nhiều người mua bán tạm bợ tại các chợ chồm hổm tuy có đóng thuế hoa chi, nhưng thỉnh thoảng vẫn bị phường đuổi chạy lòng vòng. Những chợ này tồn tại do địa phương không “thích” dẹp hay dẹp không nổi? Thiết nghĩ việc phải sắp xếp lại hoặc xóa bỏ các chợ tạm chiếm lề đường đang gây ô nhiễm môi trường là việc làm cần thiết để kịp chỉnh trang bộ mặt đô thị cho năm 2008, năm của văn minh đô thị.
Chợ hẻm
Thông từ đường Nguyễn Đình Chiểu sang Võ Văn Tần và nối luôn sang đường Nguyễn Thị Minh Khai bằng con “hẻm ve chai” đã hình thành nên chợ từ những năm 1980 - 1981. Nằm rất gần chợ Vườn Chuối trên đường Nguyễn Đình Chiểu, nhưng chợ hẻm 287 vẫn tồn tại và đông khách. Bởi chợ Vườn Chuối bán “hàng sang” còn chợ hẻm 287 bán “hàng xoàng”, chuyên phục vụ cho bà con lao động trong phường. Phường 5 là phường có nhiều hẻm và các con hẻm không họp chợ thì cũng buôn bán hàng ăn, quán nhậu, vật liệu xây dựng.
Các con hẻm hầu hết đều bị ô nhiễm môi trường bởi các loại rác, nước thải từ đồ ăn thừa đổ đầy cửa cống, đến thức ăn thừa thải từ bụng các bợm nhậu, “nước riêng” của các bợm nhậu được thải vô tư bừa bãi khắp nơi đã khiến bà con phản ứng kịch liệt.

Đường Trần Quốc Toản, TPHCM mặc dù băng rôn treo nghiêm cấm lấn chiếm lòng lề đường nhưng xem ra không có tác dụng, người đi bộ phải đi xuống lòng đường (Ảnh chụp lúc 9 giờ sáng ngày 8-1-2008). Ảnh: CHIẾN DŨNG
Năm 2000, nhân chào mừng thiên niên kỷ mới, chính quyền quận 3 và phường 5 thực hiện cuộc “chỉnh lý” các hẻm. Các khu buôn bán vật liệu cồng kềnh chiếm lòng lề đường, các quán nhậu, quán ăn vỉa hè, trong hẻm thuộc địa bàn phường 5 đều đưa vào “tầm ngắm” của đợt chỉnh lý.
Các hẻm có các quán bán ăn sáng, ăn tối phải sắp xếp sát tường, chừa lòng hẻm cho… xe hơi chạy được. Số bà con buôn bán tại chợ “chồm hổm” ở hẻm 306 được chuyển về chợ hẻm 287. Và vì thế khu chợ hẻm 287 ngày càng đông, từ 20 sạp đến nay đã có gần 100 sạp hàng, quán.
Đã có lúc bà con ở khu vực giữa hẻm 287 phản ánh với phường, các hộ buôn bán lấn chiếm đường đi và xả rác bừa bãi, nhưng tuyệt nhiên không ai đề nghị dẹp chợ! “Và chính quyền cũng không có ý định dẹp chợ hẻm 287?”, tôi hỏi thăm dò. Chủ tịch UBND phường 5, ông Đặng Văn Huệ nói như phân trần: “Dân phường 5, đa phần là người lao động, những người buôn bán ở chợ hẻm 287 là dân sống trong con hẻm đó. Khu phố ấy, ngày xưa là kho chứa vũ khí của quân cách mạng trong đợt tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, bà con trong hẻm chợ này ngày xưa từng gánh súng, nuôi quân.
Gần 30 chục năm qua, có biết bao kỹ sư, bác sĩ, thầy cô giáo đi ra từ những gánh bún riêu, xe sữa đậu nành, nồi cháo huyết trong con hẻm chợ ấy. Thành phố đã cho phép chợ hẻm 287 tồn tại đến năm 2010, nhưng nếu có lệnh phải dẹp chợ của cấp trên, chúng tôi sẽ chấp hành. Nhưng bảo... tự chúng tôi dẹp bỏ… thiệt không đành!”.
Như thế, chuyện ở chợ hẻm này không phải là dẹp được hay không, mà là tồn tại chợ thế nào. Hơn tháng qua, phường đã quy định: các quầy, sạp chỉ được bày bán trong phạm vi 1m, tính từ mép tường nhà ra hẻm giới. Và hàng trăm hộ dân lao động buôn bán đã chấp hành nghiêm quy định trên, tự giữ vệ sinh khu chợ sau khi mua bán. Thuế hoa chi của chợ hẻm này được nộp về phòng thuế quận đầy đủ. Ai vi phạm sẽ bị tịch thu hàng hóa và phạt rất nặng.
Chợ di động
Chợ hẻm, chợ tạm là một trong những sinh hoạt không thể thiếu của xóm lao động, nhưng chúng ta không thể chấp nhận những khu chợ tự phát chiếm dụng lề đường, gây ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Ví dụ như loại “chợ di động” với rau, cá, thịt chất lên hai sọt sắt gắn trên xe đạp đi bán dạo. Nói chung, đó là một cái chợ “chồm hổm” mini, di động.
Nếu các chợ chồm hổm thải rác bẩn quanh chỗ họ ngồi đến hết buổi chợ thì các “chủ chợ di động” lại giải quyết rác rất di động. Cá bán xong, phần vảy, ruột cá vừa làm giúp khách mua hàng, được họ đổ tất vào gốc cây hoặc đổ đại vào góc hè, trước một căn nhà không may nào gần đó. Chủ nhà bắt gặp la làng: “Bẩn thế, lát nắng lên thứ đó ươn sình, hôi thối hắt vào nhà, chịu sao nổi?”, “Phân bón cây cối cũng từ thứ này mà ra chứ đâu bác, lợi cả đôi đàng mà”, chị ta nói ráo hoảnh thế và ung dung leo lên “cái chợ di động” đi thẳng, bỏ mặc chủ nhà la lối sau lưng.
Chợ di động cũng có thể là xe ba bánh đạp chuyên bán các loại rau, củ, quả chạy khắp hang cùng ngõ hẻm, có khi chạy ra đến giữa trung tâm thành phố. Loại chợ di động này còn có biệt danh “chợ ruồi”. Canh giờ tan tầm của một nhà máy hay khu công nghiệp vắng vẻ, chợ di động ba bánh chạy đến và công nhân ùa vào mua hàng í ới. Vài chục phút sau thì “chợ tan”.
Loại chợ này thì chẳng ai dẹp được, chỉ còn cách là canh không cho họ đổ, vứt chất thải bừa bãi mà thôi.
Chợ lề đường
Dọc quốc lộ 1A, những khu chợ tươm tất và hàng quán đàng hoàng vẫn có hai bên đường, nhưng ở các chợ tạm ở lề đường vẫn đông người hơn. Vì sao ư? Vì ở trong chợ có gì thì chợ lề đường đều có và có khi còn phong phú hơn. Trước khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân và Bình Chánh) có nhiều khu chợ “chồm hổm”, chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân khu công nghiệp giải đáp thắc mắc của tôi bằng câu nói đơn giản: “Tôi thích mua hàng ở ngoài này hơn vì đỡ tốn 2.000 đồng tiền gửi xe, thủ tục gửi nón lỉnh kỉnh lắm và mọi việc mua bán ở chợ này diễn ra nhanh, gọn hơn nhiều”.
Dù chính quyền đã đầu tư hàng chục triệu đồng để xây chợ tạm trên đường Phạm Văn Chiêu, phường 12, quận Gò Vấp, nhưng dân nhập cư và các công nhân làm việc ở các nhà máy quân đội vẫn thích đi chợ lề đường.
Phường An Phú Đông, quận 12 không chỉ có chợ “chồm hổm” mà còn có chợ “ruồi”, thỉnh thoảng một nhóm khách túm tụm lại mua hàng trên xe ba bánh vừa đẩy đến. Mua xong là... tan chợ. Anh Trần Thanh Long, bán cà chua ở khu chợ tạm này không quan tâm đến chuyện giá cả đang tăng vọt, vì hàng anh lúc nào cũng được người mua “tín nhiệm”.
Bảng giá bán cũ mèm treo trên xe, mấy tháng qua vẫn thế, không sửa một con số nào. Anh Long bảo: “Để giá y nguyên vậy mới làm cho người mua yên tâm (?!). Nhưng tui bán, tui biết làm sao để có lời chớ. Thí dụ như bữa nay cà chua tăng giá thêm 300 đồng/kg; thì tôi sửa cân thiếu một chút. Bà con đi chợ chỉ quan tâm hồi hôm qua 1kg cà chua 10 trái thì hôm nay vẫn vậy, vẫn “đủ chục”, nhưng không biết có 2 trái nhỏ hơn”.
Chợ ăn theo

Lấn chiếm lòng lề đường Chánh Hưng quận 8 để buôn bán.
Qua cầu Chánh Hưng quận 8 khoảng 500m, người đi đường sẽ ngỡ đi qua một khu chợ sầm uất, vì quang cảnh hai bên lề đường Chánh Hưng khá tấp nập với đủ loại mặt hàng được bày bán từ rau, củ, quả đến thịt, cá, nghêu sò ốc hến… Sau những hàng chợ ngồi ấy là các quầy tạp hóa.
Đường Chánh Hưng được mở từ năm 2004, nối từ cầu Nguyễn Tri Phương ra đến đại lộ Nguyễn Văn Linh. Ban đầu, con đường này chủ yếu phục vụ cho việc lưu thông chứ chẳng ai buôn bán ở đây cả, vì chợ Phạm Thế Hiển nằm cách đấy chưa đầy 1km và khu ấy, ngày xưa rất vắng. Nhưng từ khi chợ đầu mối hải sản của thành phố có tên rất quen – chợ cá Chánh Hưng được đưa tạm về đây hoạt động trong vòng 2 năm từ 2004 đến 2006, thì suốt dọc 2km gần chợ đầu mối hải sản đã hình thành nên khu chợ “chồm hổm” hoạt động tấp nập từ 15 giờ chiều đến sáng hôm sau. Xưa, người ta hay nói: “buồn như chợ chiều”.
Giờ thì khác. Chợ chiều ở đây rất ồn ào và sôi động. Nước đá ướp cá, nước của các hộc cua, tôm, sò ốc được người bán tạt ra đường rất vô tư, đôi khi tạt cả vào ai đó không may đi vừa đến. Và, mặc dù ban đầu là chợ tạm ăn theo chợ cá Chánh Hưng, nhưng đến khi chợ cá đã chuyển đi cả năm rồi, khu chợ tạm vẫn cứ tồn tại và ngày càng đông hơn, nhếch nhác hơn.
Để lập lại trật tự trên địa bàn, lãnh đạo phường 4 và phường 5 quận 8 đều mệt mỏi, bởi khu chợ “chồm hổm” này nằm trên đường Chánh Hưng chạy qua địa bàn phường 4 và phường 5, nên khi phường 4 ra quân tém dẹp thì những người buôn bán lại kéo nhau qua lề đường bên kia, nơi phường 5! Và, ngược lại. Chỉ khi nào hai bên cùng phối hợp thì tình hình mới khả quan, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, rồi đâu lại vào đấy. Hiện Công an phường 4 đã cùng lực lượng dân phòng lập trạm kiểm tra, xử lý những người vi phạm, tuy nhiên do lực lượng mỏng nên đành chịu chưa thể thực hiện tốt việc “đường thông, hè thoáng”...
TỔ PHÓNG SỰ - ĐIỀU TRA