Hàng năm, kể từ sau rằm tháng chạp, ngọn gió bấc bắt đầu xôn xao cũng là lúc xuồng ghe tấp nập mang hàng về neo đậu dày đặc ở các bến sông, bến chợ và các khu chợ nổi miền Tây để phục vụ cho mùa tết, trong đó ấn tượng nhất là mặt hàng trái cây và hoa kiểng.
Mới hơn 5 giờ sáng, sương sớm hãy còn lạnh buốt mà cả một khúc sông gần cầu Cái Răng, xuồng ghe đã chen kín, tròng trành theo nhịp sóng vỗ dập dềnh hòa cùng với tiếng dầm khua nước lách cách, tạo nên một âm vang nhịp nhàng và sâu lắng. Trên bến người khuân kẻ vác, dưới ghe rộn rã tiếng cười, nói huyên thuyên của người mua kẻ bán khiến chợ nổi trở nên rộn ràng, tất bật không thua gì chợ nhóm trên bờ. Vào những ngày giáp tết, dân thương hồ, bây giờ gọi “thương lái”, “dân buôn chuyến” hoặc “nhà ghe” luôn có mặt trên sông và sẵn sàng len lỏi khắp các sông rạch miệt đồng để thu mua nông sản.
Đặc sản mùa tết, ngoài trái cây, dưa hấu, dân buôn chuyến còn chở hoa kiểng từ Sa Đéc, Cái Mơn về tạo cho dòng sông, bến nước trở nên lung linh và rực rỡ sắc màu.
Có thể nói chợ nổi miền Tây là linh hồn của các phố thị miền sông nước. “Phong Điền chợ nổi ven sông. Bồng bềnh mặt nước chợ đông sớm chiều”. Đồng bằng sông Cửu Long hiện có trên 20 chợ nổi, trong đó, Phong Điền, Cái Răng (Cần Thơ); Trà Ôn (Vĩnh Long): Cồn Tròn (Tiền Giang); Chợ Thơm (Bến Tre); Cà Mau... là những chợ nổi sung túc nhất. Trong đó, chợ nổi Cái Răng là đầu mối giao lưu lớn nhất của khu vực, tập trung đủ các loại trái cây và là nơi hội tụ của nhiều dòng sông từ các nơi đổ về, mỗi ngày có đến hàng trăm thương hồ tấp nập ngược xuôi, hàng hóa bày bán ngồn ngộn. Mùi nông sản hòa quyện với mùi sông nước tạo thành một hương vị đặc trưng khó tả.
* Chợ nổi miền Tây thường là nơi giao nhau ở các ngã ba, ngã tư sông rạch, là trục lộ giao thông thủy, bộ đồng thời là trung tâm của những vườn cây trái trù phú và ruộng rẫy phì nhiêu hoặc là nơi tiếp giáp giữa hai dòng mặn ngọt để các ghe hàng, xuồng hàng dễ trao đổi sản vật. Hơn 20 năm qua, từ khi nền kinh tế phát triển, cuộc sống nông thôn bừng dậy đã góp phần thúc đẩy các chợ nổi nhộn nhịp hẳn lên, tạo cơ hội cho hàng vạn cư dân miền sông nước có cuộc sống ổn định lâu dài và không ít người vươn lên giàu có, trong đó có những gia đình đã hai ba đời chọn dòng sông để làm kế mưu sinh. |
Từ xa xưa, ông cha ta đã nhận thức được rằng “nhứt cận thị, nhì cận giang” cho nên nơi nào có sông có chợ, nơi đó sớm muộn sẽ trở thành phố thị. Chợ nổi còn là nơi gặp gỡ của anh em bốn bể một nhà, gồm đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi, từ những thương gia chuyên nghiệp đến những kẻ tứ cố vô thân. Họ chỉ cần một chiếc tam bản hoặc một chiếc xuồng con cũng có thể kiếm sống qua ngày bằng cách chèo đò, buôn bán nhỏ hoặc làm dịch vụ trên sông.
Hiện nay, dân thương lái, nhà ghe đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập và phát triển nhưng rất tự tin vì họ đã sẵn có kinh nghiệm và đã từng gắn bó với nghề sông nước nên sẵn sàng hòa nhập vào dòng chảy chung của thương trường.
Ông Nguyễn Văn Xê, quê ở Cái Răng, người “lấy ghe làm nhà” trên 30 năm cho biết, vào những ngày giáp tết anh em phải thức khuya dậy sớm để chèo ghe vô tận các vùng sâu vùng xa mua hàng tết như khoai, dưa hấu, cam, quít, bưởi, dừa tươi, rau củ… về giao lại cho bạn hàng hoặc các vựa. Công việc tuy vất vả nhưng trong lòng mỗi người đều an tâm, không sợ cảnh “mua tươi bán héo” và “dội hàng rớt giá” như thuở nào. Các tiểu thương hiện nay đều được trang bị những kiến thức mới về dịch vụ kinh doanh, mua bán, đặc biệt là phương tiện thông tin rất nhanh nhạy, người bán người mua chỉ cần bấm điện thoại có thể biết được mặt hàng, số lượng, giá cả và giao hàng vào lúc nào, không cần neo ghe chờ đợi cả ngày như xưa. Điểm đáng mừng là chính sách giao thương càng ngày càng thông thoáng, giúp cho người mua bán trên sông không còn vất vả ngược xuôi và chịu nhiều bất trắc như trước đây.
Tại chợ nổi miền Tây, ngoài những ghe lớn cặp mạn với nhau để “ăn hàng” và “nhả hàng” còn có nhiều xuồng con, dân trong nghề gọi là xuồng hột vịt chuyên mua bán các loại bánh trái, mắm muối, cà phê, nước uống, tạp hóa, thuốc tây, kim chỉ, cơm cháo... giống như một tiệm “chạp phô” lưu động, tạo cho sinh khí chợ nổi lúc nào cũng sôi động khác thường.
Từ xa xưa, chợ nổi đã mang dấu ấn văn hóa của một vùng sông nước. Ngoài ra, hoạt động chợ nổi còn giúp cho bà con giảm bớt chi phí chuyên chở, giá cả ổn định và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người như thu gom, chuyển hàng, khuân vác, chèo đò, bán tạp hóa, xăng dầu... Mai này, dù cho các trung tâm thương mại và các siêu thị đua nhau mọc lên khắp mọi miền nhưng chợ nổi đồng bằng sông Cửu Long vẫn tồn tại với một sức sống mới, một diện mạo mới, nhất là mùa tết.
Hoài Phương