Cho thuê đất nông nghiệp: Được và lo

Lợi bất cập hại
Cho thuê đất nông nghiệp: Được và lo

Không ít khu đất nông nghiệp ở các huyện ngoại thành và quận ven TPHCM đang được người nhập cư thuê để trồng rau, chăn nuôi. Nhiều nhất là quận 12 (phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, Thới An, Tân Thới Hiệp), Thủ Đức (phường Tam Bình), huyện Củ Chi (xã Bình Mỹ), huyện Hóc Môn (xã Đông Thạnh)…

Trồng rau trên đất thuê tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Ảnh: CAO THĂNG

Trồng rau trên đất thuê tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Ảnh: CAO THĂNG

Lợi bất cập hại

Trước đây, tình trạng đất nông nghiệp ở ngoại thành bị bỏ hoang do nằm trong khu quy hoạch diễn ra khá phổ biến, có thời điểm lên 4.000ha-5.000ha. Trong tình hình đó, việc cho người nhập cư thuê để tiếp tục sản xuất trên phần đất bỏ hoang là một giải pháp lợi cả đôi bên.

Nói về quá trình này, ông Nguyễn Văn Tủi, Phó ban Kinh tế - Xã hội Hội Nông dân TPHCM cho biết, tiến trình đô thị hóa và công nghiệp hóa với sự ra đời của nhiều khu công nghiệp đã tạo ra một làn sóng nhập cư từ các tỉnh vào TP tìm việc. Trong đó, lao động gốc nông dân không ít. Họ muốn tìm cách chuyển nghề nhưng do không có tay nghề nên không phải ai cũng có thể dễ dàng chuyển đổi. Trong bối cảnh đó, diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang trở thành cơ hội để những người nhập cư thuê lại và có dịp phát huy kinh nghiệm về nghề nông, kèm theo đó là tính cần cù, chịu khó của những người xa xứ. Nhờ đó, bà con nông dân tại chỗ có thể thu nhập hàng chục triệu đồng/ha/năm. Từ đất hoang, bà con nhập cư tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp cung cấp cho xã hội, nhất là những sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm như sản xuất rau an toàn theo VietGAP… Tuy nhiên, trong số này có nơi không tuân thủ quy trình trồng rau an toàn, chưa kể sử dụng cả đất ở những vùng bị ô nhiễm nặng.

Ông Nguyễn Văn Tốt, Chủ tịch Hội Nông dân quận 12, nơi thuê đất trồng rau không an toàn khá nhiều, cho biết, những khuyến cáo về sản xuất rau an toàn, vệ sinh thực phẩm của các cơ quan chuyên môn đã có nhưng không ít người dân vẫn phớt lờ, né tránh sự kiểm soát. Mời đi tham gia các lớp tập huấn thì có người không dự hoặc cử người không trực tiếp sản xuất nên không đạt hiệu quả. Hội Nông dân quận phối hợp với ngành chức năng mở lớp hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn theo VietGAP nhưng ít người tới dự. Theo ông Tốt, cần quy định người cho thuê đất nên có trách nhiệm nhắc nhở về những quy định của nhà nước trong việc sản xuất, đảm bảo an toàn người tiêu dùng.

Lơ lửng dịch heo tai xanh

Trong khi dịch heo tai xanh đang bùng phát, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, áp lực tại TPHCM càng thêm nặng nề khi TP là thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất cả nước, trong đó, 85% do các tỉnh cung cấp. Tổng đàn heo TPHCM hiện có trên 360.000 con, trong đó trên 3.000 hộ nuôi dưới 10 con/hộ, đặc biệt là 629 hộ nhập cư nuôi trên 45.000 con heo các loại. Điều lo ngại là các hộ nhập cư nhưng lại nuôi tập trung. Cũng như bà con nhập cư thuê đất trồng rau, số hộ thuê đất nuôi heo cũng tăng mạnh thời gian gần đây. Chính vì vậy, theo Chi cục Thú y TP, dịch heo tai xanh có bùng phát tại khu vực này, đặc biệt là đàn heo nuôi tập trung của người dân nhập cư với mật số rất cao ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn...

Khu vực này đã từng xảy ra dịch bệnh cách nay mấy năm cũng từ cách nuôi chưa đảm bảo vệ sinh dịch tễ. Sau đợt dịch bệnh xảy ra, bà con cũng đã biết được tác hại của vấn đề môi trường nên đã có sự chấn chỉnh và tuân thủ quy định nhưng không phải tất cả đều như vậy. Do đó, chỉ cần vài hộ kém ý thức trong việc vận chuyển heo giống từ các tỉnh vào TP hoặc xuất chuồng mà không tuân thủ quy định, báo cáo cho ngành thú y để theo dõi, giám sát là nguy cơ luôn rình rập.

C.Phiên - Đ.Thành

Tin cùng chuyên mục