Chờ xem!

1.

1. Bảy giờ mười lăm, trận Olympic Việt Nam - Olympic Saudia Arabia mới bắt đầu mà 6 giờ chiều nhiều cổ động viên bóng đá đã tụ tập trước màn ảnh truyền hình. Mọi người phấp phỏng chờ đợi một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục của các cầu thủ Việt Nam, đặc biệt khi các bài tường thuật trên mặt báo thể thao cho biết ở trận lượt đi trên sân khách, Olympic Việt Nam đã chơi ngang ngửa với các cầu thủ Tây Á.

Rằng chúng ta đã thua 0-2 trước các cầu thủ Olympic Saudia Arabia chẳng qua do chúng ta bỏ lỡ tất cả các cơ hội ghi bàn và đến phút chót hậu vệ Văn Hậu đã lóng ngóng đánh đầu vào lưới nhà trong khi ở phút 68 trước đó hậu vệ Tất Đạt đã bị thẻ đỏ rời sân. Ờ nhỉ, nếu Tất Đạt không rời sân thì hàng phòng ngự của Việt Nam đâu đến nỗi lúng túng phá lưới nhà và như vậy chúng ta chỉ thua với tỷ số sít sao 0-1.

Còn nếu hàng tiền đạo tận dụng được chỉ một cơ hội thôi, chúng ta đã hòa 1-1, nếu gặp hên tận dụng được hai hoặc ba cơ hội thì chúng ta đã thắng đối phương tới 2-1 hoặc 3-1. Ôi, sướng mê! Theo những gì đọc được trên báo thì cái logic của nó phải là như vậy, đương nhiên là như vậy! Ngay huấn luyện viên Phan Thanh Hùng tuy nhìn nhận vượt qua Olympic Saudia Arabia là một thách thức lớn vẫn tuyên bố Olympic Việt Nam vẫn có khả năng đánh bại đối thủ ở trận lượt về trên sân Mỹ Đình để đi tiếp vào vòng sau. Cho nên nhiều người vẫn chờ đợi, thấp thỏm mà chờ đợi.

2. Nhưng rồi những gì diễn ra trên màn hình tivi đã nhanh chóng dập tắt mọi hy vọng của cổ động viên áo đỏ. 1-0 rồi 2-0, đối phương ghi bàn thắng dễ dàng như lấy đồ trong túi. Olympic Việt Nam vừa gỡ lại được 1-2, các cầu thủ Tây Á liền nâng tỷ số lên 3-1, rồi 4-1. Trận này, Olympic Việt Nam thua còn đậm hơn trận trên sân khách. Các hậu vệ Olympic Việt Nam chơi như mơ ngủ trong khi hàng tấn công xử lý bóng quá vụng về, ngay cả một cầu thủ dạn dày kinh nghiệm như Trọng Hoàng cũng sút ra ngoài trong một tình huống ăn chắc.

Sau trận đấu, nhiều người lại phân bua rằng Olympic Saudia Arabia là một đối thủ quá tầm, rằng sân chơi chính của Olympic Việt Nam là ở SEA Games cuối năm nay chứ không phải Olympic London 2012. Tất nhiên lọt vào vòng chung kết giải bóng đá Olympic ở London là một mục tiêu quá khó, nhưng tiến tới vòng loại cuối cùng tức vòng đấu loại thứ ba thì không hề là mục tiêu quá tầm.

Bằng chứng là 4 năm trước đội Oympic Việt Nam từng lọt vào tới vòng cuối cùng, nghĩa là chỉ cách vòng chung kết Olympic Bắc Kinh có... nửa bước chân và chính nhờ thành tích sáng chói này mà lần này Olympic Việt Nam được đặc cách vào thẳng vòng loại thứ hai. Thế mà bây giờ mới ra quân trận đầu tiên, Olympic Việt Nam đã bị loại thẳng cánh, với tổng tỷ số cả hai lượt giống như một ván tennis: 1-6. Không thể nói khác hơn: đó là một bước thụt lùi của bóng đá Việt Nam. Vì chẳng hề có chuyện quá tầm gì ở đây, nếu căn cứ vào “cái tầm” 4 năm trước chúng ta đã đạt được!

3. Chính báo chí thể thao Việt Nam cũng rất thích nhắc đến các chiến tích Olympic Việt Nam giành được trước các đội Olympic Tây Á cách đây 4 năm: thắng lần lượt Lebanon, Oman, Iran, Bahrain. Và lạc quan kết luận: các đội bóng trẻ của chúng ta rất “có duyên” với bóng đá vùng Vịnh.

Thực tế không chỉ đội Olympic, ngay cả đội tuyển quốc gia cũng lọt vào tứ kết Asian Cup 2007 sau khi thắng UAE 2-0 rồi thủ hòa Qatar 1-1 và loại cả hai đội Tây Á này ra khỏi cuộc chơi. Nhân đà thắng lợi, sau đó một năm đội tuyển quốc gia vùng lên và lần đầu tiên giành được chức vô địch Đông Nam Á một cách thuyết phục.

Lẽ ra, khi đã đứng chân được ở vị trí được các đối thủ tôn trọng, bóng đá Việt Nam phải củng cố vững chắc những thành tựu đạt được, xem nó như một bàn đạp, một bệ phóng để vươn tới những mục tiêu xa hơn. Đằng này, sau 4 năm, thành tích ta lại thụt lùi và chúng ta lại quay về điệp khúc cũ kỹ “sân chơi quá tầm” như mở một cuộn băng nhão mà chẳng người hâm mộ nào muốn nghe.

4. Có vô số lý do để đổ thừa (nếu anh muốn đổ thừa) sau một thất bại: cầu thủ Olympic Việt Nam thể lực yếu, chơi chưa gắn bó vì tập với nhau quá ít ngày. Ủa, thể lực yếu thì đi đá bóng làm chi! Còn chuyện tập trung bao nhiêu ngày là hợp lý, điều đó do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam quyết định chứ đâu phải do Liên đoàn Bóng đá châu Á hay Liên đoàn Bóng đá Saudia Arabia quyết định.

Nếu các nhà lãnh đạo bóng đá xứ ta xác định vòng loại Oympic London 2012 là “sân chơi quá tầm”, “chỉ để học hỏi” nên đội Oympic Việt Nam chẳng cần tập trung thao dượt, chỉ đá qua loa cho xong chuyện rồi xách gói về thì chính các vị cho thấy mình không có cả khát vọng lẫn tầm nhìn, chẳng khác nào anh học trò 4 năm trước đã mon men tới ngưỡng cửa đại học rồi, bây giờ lại chăm chăm quay về quyết đứng nhất cái lớp 9 SEA Games “vừa tầm”.

Lại bảo “Đá sao lại Olympic Saudia Arabia mà đá! Tụi nó có tới 5, 6 tuyển thủ quốc gia trong đội hình, trong khi cầu thủ mình còn non”. Chỗ này, nếu có tinh thần trách nhiệm chúng ta phải đặt vấn đề ngược lại: “Tại sao cầu thủ trẻ của người ta lại đủ sức đứng trong đội hình đội tuyển quốc gia, còn cầu thủ trẻ của mình thì không?”.

Khi đặt vấn đề một cách nghiêm túc như thế, chúng ta sẽ thấy bóng đá Việt Nam bộc lộ điểm yếu kinh niên về khâu đào tạo trẻ!

Tới đây, người viết bài này tự quyết định không xoay ngang xoay dọc vấn đề nữa, vì sợ đụng tới đâu lại lộ ra những bất cập đến đó. Chi bằng cố tin như liên đoàn bóng đá vẫn muốn cho người hâm mộ nước nhà tin: Chờ một thời gian nữa rồi xem! Phen này Olympic Việt Nam sẽ quyết lấy được huy chương vàng SEA Games! OK, chờ thì chờ, còn không tới nửa năm nữa chứ mấy!

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục