Sau câu chuyện các xưởng may gia công tại Bangladesh bị lên án vì điều kiện việc làm tồi tệ, thêm một góc khuất khác cũng được giới truyền thông phanh phui. đó là phản ứng của các nhãn hàng thời trang nổi tiếng trong thảm kịch hỏa hoạn ở xưởng may ở Rana Plaza làm hơn 700 người thiệt mạng. Một số thương hiệu nhanh chóng thừa nhận sai lầm trong thảm kịch và hứa bồi thường.
Trong khi một số khác thẳng thừng từ chối cáo buộc có quan hệ trực tiếp dù các nhãn hàng của họ được tìm thấy trong vụ cháy. Điển hình trong số đó là thương hiệu Benetton (Italia). Thương hiệu này cho biết không gia công hàng tại xưởng may bị cháy dù nhãn hiệu Benetton bị phát hiện có trong đống đổ nát. Tiếp sau Benetton là một loạt nhãn hàng như Mango (Tây Ban Nha), KiK (Đức), Wal-Mart (Mỹ), H&M (Mỹ)… Chỉ một vài công ty như Primark (Anh) và Loblaw (Canada) thừa nhận sản xuất tại Rana Plaza và hứa sẽ bồi thường. Giám đốc điều hành của Loblaw còn lên tiếng yêu cầu 28 nhãn hàng thời trang và các nhà bán lẻ sản xuất tại xưởng may ở Rana Plaza hãy thôi “im lặng”.
Cách phản ứng từ chối trách nhiệm của các thương hiệu cũng tương tự vụ cháy xưởng may xảy ra vào cuối năm ngoái cũng ở Bangladesh. Wal-Mart và các tập đoàn bán lẻ khác của Mỹ cũng nhanh chóng lên án điều kiện lao động tồi tệ và vi phạm chuẩn mực quốc tế ở Bangladesh, cố thanh minh cho sự xuất hiện nhãn hiệu sản phẩm của mình tại xưởng may Bangladesh.
Hãng tin AP nhận định, cách phản ứng thứ nhất thường được ca ngợi vì sự trung thực và lòng nhân từ. Cách thứ hai luôn bị lên án vì các thương hiệu đã tính toán quá chi li cho việc giảm thiểu thiệt hại. Nhưng cả hai cách đều nằm trong chiến lược quan hệ công chúng của các nhãn hàng lớn và không có cách nào có thể biện hộ cho hành động thuê nhân công làm việc với giá rẻ mạt trong các xưởng may “vắt mồ hôi” ở Bangladesh. Quốc gia Nam Á này từ lâu là nơi đặt hàng ưa thích của các tập đoàn bán lẻ Mỹ, do nơi đây có giá nhân công rẻ, chỉ 38 USD/tháng. Bangladesh cũng sản xuất các mặt hàng may mặc trong những điều kiện được xem là bất hợp pháp chiếu theo luật lệ của Mỹ. Điều kiện làm việc tại các xưởng may thường không nằm trong danh mục nâng cấp bởi các nhãn hàng phải tính đến khả năng tối đa hóa lợi nhuận. Vì làm việc trong những điều kiện không được đảm bảo an toàn, kể từ năm 2006 đến nay, Bangladesh trở thành nơi thường xuyên xảy ra các vụ hỏa hoạn tại xưởng may nhiều nhất thế giới. Số người thiệt mạng trong các vụ tai nạn đã vượt quá con số 1.300 người chỉ trong 7 năm qua.
Sau thảm kịch ở Rana Plaza, PVH (Mỹ), công ty mẹ của Calvin Klein và Tommy Hilfiger và nhà bán lẻ Tchibo (Đức) đã đồng ý tài trợ các dự án nâng cấp và thành lập các nhóm kiểm tra độc lập các điều kiện làm việc các xưởng may hợp tác gia công sản phẩm. Đây là những công ty sớm nhận ra rằng danh tiếng thương hiệu có thể bị hủy bỏ trong các vụ bê bối tai nạn ở xưởng may Bangladesh. Kalpona Akter, thuộc Trung tâm đoàn kết lao động của Bangladesh cho rằng, trong bối cảnh có những lời đe dọa tẩy chay của người tiêu dùng, chính phủ Bangladesh cũng cần đổi mới ngành công nghiệp dệt may nước này, vốn thu lợi nhuận khoảng 80% doanh thu xuất khẩu. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ với các nhãn hàng nước ngoài trong việc cải thiện chất lượng làm việc tại các xưởng may, tai nạn sẽ luôn đe dọa người lao động.
THANH HẰNG