Chới với trong cơn lũ muộn

Cuối tháng 11, mưa xối xả trên địa bàn Quảng Ngãi, nước từ thượng nguồn kéo về, nhấn chìm làng mạc, nhà cửa. Nước cuồn cuộn, nhiều người trở tay không kịp, tài sản tính mạng con người trôi theo dòng nước đục ngầu. Với người dân Quảng Ngãi, họ sống chung với lũ nhiều, thế nhưng, chưa bao giờ họ chứng kiến cảnh mưa lũ trái mùa như thế.
Chới với trong cơn lũ muộn

(SGGPO).- Cuối tháng 11, mưa xối xả trên địa bàn Quảng Ngãi, nước từ thượng nguồn kéo về, nhấn chìm làng mạc, nhà cửa. Nước cuồn cuộn, nhiều người trở tay không kịp, tài sản tính mạng con người trôi theo dòng nước đục ngầu. Với người dân Quảng Ngãi, họ sống chung với lũ nhiều, thế nhưng, chưa bao giờ họ chứng kiến cảnh mưa lũ trái mùa như thế.

Đã 3 năm, kể từ cơn lũ lớn năm 2013, người dân Quảng Ngãi mới vật lộn với mưa lũ. Cuối tháng 11, khi thời tiết đã chuyển qua mùa đông, người dân không nghĩ rằng mưa lũ sẽ còn.

Những hôm mưa lớn, nước sông Vệ (huyện Tư Nghĩa) dâng cao, những người trồng hoa dọc 2 bên sông lại một phen cực nhọc. Nước đổ về nhanh, chỉ trong vài giờ đã làm ngập nhiều diện tích hoa màu, những chậu cúc, hồng, thược dược...người dân trồng để bán trong dịp tết năm nay chìm ngập trong  con nước.

Chỉ trong vòng mấy ngày, người trồng hoa lại phải dầm mình trong nước để cứu tài sản

Tiếc của, người dân lại phải trắng đêm chạy lũ, dầm mình trong nước lũ hàng giờ liền để cứu hoa, cứu tài sản. Dù rất nỗ lực, nhưng sức mạnh của con nước đã khiến nhiều người ngậm ngùi nhìn những chậu hoa của mình chìm trong nước. 100.000 chậu hoa cúc bị thiệt hại, đó là con số mà chính quyền huyện Tư Nghĩa thống kê trong đợt lũ đầu tiên (từ ngày 30-11 đến 4-12). Hết lũ, người dân đưa hoa về lại nơi cũ, tiếp tục chăm sóc để vớt vát chút ít cho vụ tết. Tưởng rằng đợt lũ muộn đã kết thúc, có ai ngờ, chỉ sau mấy ngày, mưa lại tiếp tục trút xuống, nước lũ lên, những chậu hoa kịp “chạy lũ” đợt trước nay lại không thoát khỏi được sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Trước sự hung hăng của con nước, hàng ngàn hécta hoa màu bị vùi sâu trong nước. Phù sa sông mang lại cho cây cỏ xanh tươi là thế, thì khi lũ về cũng chính cái phù sa tươi tốt đó phá hủy chính cái mà nó tạo nên.

Ngồi thẩn thờ bên căn nhà sập còn mùi ẩm mốc, bà Hồ Thị Xuân (75 tuổi) ở thôn Phước Minh, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, huyện Tư Nghĩa không khỏi tiếc thương. Sáng 5-12, mưa lớn liên tiếp trút xuống, căn nhà của không chống chọi lại được đã bất ngờ đổ sập ngay trước mắt bà. Mùng màn, chăn chiếu và hơn 1 tạ lúa bị vùi sâu trong đống đổ nát. Sức già bà đành phó mặc cho tất cả. Nhà sập, không có chốn nương náu, bà phải xin ở nhà của hàng xóm, bởi đứa con trai của bà đi làm tận trên Tây Nguyên, dù nghe tin nhà sập nhưng vẫn không về được. Một mình bà đương đầu với cơn lũ dữ, cũng may có bà con chòm xóm. Hôm chúng tôi đến, bà vẫn đội mưa gió đi nhặt nhạnh từng viên ngói trong căn nhà đã đổ, lụm khụm một mình, ai thấy cũng phải rơi nước mắt.

Bà Hồ Thị Xuân lẩn thẩn đi nhặt nhạnh từng viên ngói trong căn nhà đã bị sập 

Dòng nước lũ đục ngầu tràn về, cuốn phăng và nhấn chìm mọi thứ, để lại sự tiếc nuối đau thương. Chiều 6-12, người dân huyện Nghĩa Hành dáo dác đi tìm tung tích anh Ngô Đình Hiệp (47 tuổi) bị nước cuốn trôi, một đêm quần thảo khắp các bờ kênh, con suối để mong một điều kỳ diệu sẽ đến với anh Hiệp. Thế nhưng, mọi hy vọng đều dập tắt khi người dân phát hiện anh bị vùi sâu dưới ruộng lúa. Thi thể anh được vớt lên, đưa về nhà lo hậu sự trong nỗi đau thương của người thân.

7 người thiệt mạng, đó là mất mát nhiều nhất mà cơn lũ muộn đem tới cho những người dân nghèo tỉnh Quảng Ngãi. Nước mắt của người dân lăn dài trên những gò má xanh xao, cuồn cuộn như chính dòng nước lũ. Thế nhưng, nó lại không thèm cuốn trôi đi cái nghèo đang đeo đẳng lấy người dân.

Sau cơn lũ, trời vẫn âm u, u ẩn một màu đen tối. Những tiếng khóc, những tiếng thở dài đầy chua chát là những gì mà cơn lũ muộn đem đến với người dân ở vùng đất này.

Nguyễn Đắc Thành

Tin cùng chuyên mục